Bảng vàng và bảng “cót”

17/05/2011 14:50 GMT+7

(TT&VH) - Mỗi khi nhìn thấy học sinh, sinh viên, lòng lại chợt nhớ về sĩ tử ngày xưa.

1. Sĩ tử? Đúng thế. Đó chính là những người đi thi trong đời khoa cử. Và mùa thi luôn chất chứa cả thiên đàng lẫn địa ngục.

Bây giờ, nhắc đến mùa thi, nhắc đến đi thi, tôi cứ mãi nhớ đến một bài văn của văn hào Bồ Tùng Linh, tác giả kiệt phẩm Liêu trai chí dị cách đây trên 300 năm.

Tiên sinh người tỉnh Sơn Đông (1640 – 1715) đậu Cống Sinh dưới thời Khang Hy, chịu sự dạy dỗ của Thi Ngu Sơn.

Ngoài lối văn cử nghiệp, ông còn chăm chú vào lối văn phóng khoáng. Phải mất 20 năm, ông mới viết xong bộ sách Liêu trai chí dị. Kiệt tác văn học này được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật v.v... Ở Việt Nam có bản dịch của thi sĩ Tản Đà, sau này có bản dịch của Đào Trinh Nhất và Nguyễn Hoạt.

Trong Liêu trai chí dị, tiên sinh có mô tả cảnh học trò đi thi dưới một góc nhìn vô cùng sinh động, khóc cười lẫn lộn. Tiên sinh viết như sau:

“Các Tú tài vào trường thi có 7 cái giống:

Khi bước vào trường, chân đi đất, tay cầm ống quyển, giống thằng ăn mày.

Khi được gọi tên, thì quan chửi, lệ mắng, giống thằng tù.

Đến lúc về buồng thi, cứ tìm lỗ thủng ló đầu, ló cổ nhìn ra ngoài. Nằm thì thò chân, thò tay ra khỏi cửa buồng, giống đàn ong cuối mùa Thu. Khi ra khỏi trường thi thì tinh thần hoảng hốt, trời đất đổi màu, giống chim ốm ra khỏi lồng. Khi mong tin báo kết quả, thì cây cối đều giật mình, mơ mộng liên miên: lúc thì mơ đắc chí, phút chốc sẽ có gác tía lầu hồng; lúc thì mơ thất chí, nháy mắt mà xương khô tuỷ rã. Những lúc ấy đi đứng khó khăn, giống con vượn bị trói.

Vụt có người phi ngựa đến, trong giấy báo không có tên mình, thì tinh thần tiều tuỵ, trông như người chết rồi, ai trêu cũng chả biết gì, giống con ruồi hút phải thuốc độc.

Lúc đầu, bụng dạ chán nản, chửi mắng quan chấm thi không có mắt, đem sách vở ra đốt sạch. Đốt cháy không hết, thì lấy chân dày xéo cho nát đi. Sau đó, xoã tóc bỏ lên rừng, ngồi ngoảnh mặt vào vách đá, nếu ai đưa những bài văn “thả phù”, “thường vi”, thì cầm giáo đuổi ngay. Không bao lâu, ngày tháng dần trôi, lòng dạ trở lại bình tĩnh, lúc ấy lại ngứa nghề, giống chim vỡ trứng, lại đi kiếm cành về làm tổ, lăm le tính chuyện mai sau.

Tình hình như vậy, thành ra những người trong cuộc thì khóc lóc chết dở, mà người ngoài cuộc nhìn vào lại rất buồn cười”. 

2. Đoạn văn này của Bồ Tùng Linh thật dí dỏm mà bi thảm. Một tràng cười mếu.

Ngày nay, sĩ tử đời mới, văn minh hơn, nhưng cốt tuỷ thì vẫn vậy: “Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”.

Còn nhớ, dường như lớp tuổi tôi ngày trước, trong mùa thi có bảng “cót”. Bảng “cót” ghi tên các sĩ tử thi rớt. Đó chỉ là danh sách học trò thi rớt, được dán vào một tấm phên hay một mảnh bồ rách, dựng nơi cổng trường hay ngoài mé rào. Tôi chưa được vinh dự ghi tên vào bảng “cót” này, nhưng thiết nghĩ, nếu có tên ở đấy, có lẽ trời đất cũng chao đảo, đổi màu. “Thi không ăn ớt thế mà cay”...

Tuy bảng “cót” thực chất chỉ là bảng bêu xấu, nó không phải “Bảng vàng”, nhưng các sĩ tử phải xem bảng “cót” trước. Xem bảng “cót”, lấn vào để xem bảng “cót”, mà không có tên mình, còn gì sướng bằng.

Thật kỳ lạ! Xem mà chẳng thấy tên lại sướng. Xem mà thấy tên lại khổ.

Bảng “cót” ơi! Xin chẳng dám gần!

Nhà văn Ngô Phan Lưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm