12/07/2008 08:54 GMT+7 | Người đẹp
![]() Các người đẹp đã đăng quang trong các cuộc thi hoa hậu do báo Tiền phong tổ chức |
Năm 1988, cuộc thi người đẹp đầu tiên ở nước ta do báo Tiền phong khởi xướng và tổ chức với tên gọi Hoa hậu hội báo Tiền phong đã gây được tiếng vang lớn.
Từ đó đến nay các cuộc thi tìm kiếm người đẹp ở mọi ngành nghề từ khắp các địa phương liên tục diễn ra trong cả nước, từ quy mô toàn quốc đến cấp vùng, miền và thu hút được sự quan tâm hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của hầu hết các tầng lớp xã hội, nhất là các bạn thanh nữ.
Quay trở lại cuộc thi đầu tiên, Hoa hậu Bùi Bích Phương của chúng ta đã được công chúng đón nhận một cách dễ dàng bởi: Phương có một vẻ đẹp bình dị, vẻ đẹp ấy không có gì để tranh luận, để bàn cãi và cũng từ đó đến nay các hoa hậu của chúng ta đều được bình chọn theo tiêu chí đẹp tự nhiên, đẹp thuần khiết mặc dù mỗi hoa hậu đều mang một sắc thái riêng, một phong cách riêng. Duy nhất chỉ có số đo chiều cao là được nâng lên để phù hợp với người đẹp thế giới.
Song song với việc có nhiều cuộc thi thì cũng có nhiều trung tâm thẩm mỹ ra đời để chỉnh sửa sắc đẹp. Số các em đến trung tâm làm đẹp, sửa sang đôi chút trên gương mặt trước khi đến dự thi không phải là ít.
Do đó Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT, DL) đã có quy chế Thi người đẹp. Một quy định cụ thể trong quy chế mới để áp dụng cho thí sinh dự thi là: Chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Quy định thì đơn giản là vậy, nhưng khi vận dụng vào các cuộc thi mới thấy nhiều vấn đề nảy sinh và thật là khó áp dụng bởi lẽ chưa có một định nghĩa cụ thể: “Thế nào là phẫu thuật thẩm mỹ”.
Lĩnh vực này cũng có nhiều ý kiến bàn luận. Có người cho rằng: “Cứ đụng dao kéo là đã qua phẫu thuật thẩm mỹ”. Quan niệm này xem ra chưa ổn, bởi ngày nay có nhiều phương pháp làm thay đổi hình thể mà không cần dùng tới dao kéo như dùng kim bơm hóa chất để nâng ngực, nâng mông, làm mọng môi, săm mắt, săm lông mày, tuy không dùng đến dao kéo và không để lại sẹo. Vậy đó có phải là thẩm mỹ không?
Ngược lại, có những vết sẹo do dao kéo để lại trên cơ thể, sau khi phẫu thuật điều trị như sửa sẹo do sẹo xấu, sẹo do vá sứt môi bẩm sinh, đương nhiên không thể coi đó là phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngay cả việc cắt tóc phải dùng đến dao kéo đã làm thay đổi khá rõ vẻ đẹp trên khuôn mặt, bởi vì: “Hàm răng mái tóc là góc con người”. Hiệu quả của việc cắt tóc là làm thay đổi dung nhan, diện mạo rất lớn. Nhưng cũng không thể coi đó là thẩm mỹ được.
Quan niệm thứ hai cho rằng: “Cứ làm thay đổi bất kỳ cái gì trên cơ thể là thẩm mỹ”. Theo quan điểm này thì cắt tóc cũng không được mà nối tóc cho dài ra cũng không được. Đã có cuộc thi chính các em thí sinh thắc mắc với bạn đã nối tóc và cho là vi phạm quy chế vì đó không phải là mái tóc tự nhiên.
Thật là khó: Cắt tóc thì được, nối tóc lại không được vì đó là thẩm mỹ.
Quan điểm này phức tạp hơn, vì ngày xưa các cụ nhuộm hai hàm răng đen láy, xâu lỗ tai để đeo hoa thì ngày nay các em đi bọc răng cho trắng, chỉnh sửa cho hàm răng ngay ngắn, xâu nhiều lỗ trên tai,cả lỗ trên cánh mũi để đeo hoa hoặc gắn vào đó các viên đá quý, thậm chí là thay đổi nhiều kiểu tóc, màu tóc đỏ, tím, vàng hoàn toàn xa lạ với mái tóc đen óng mượt của thiếu nữ Việt Nam. Vậy nên đánh giá sự thay đổi này thế nào?
Sẽ hết sức khó cho người thực hiện và Ban tổ chức khi các em đến đăng ký dự thi với hàng loạt câu hỏi đặt ra xung quanh quan niệm thế nào là phẫu thuật thẩm mỹ?
Và càng khó khăn hơn khi gặp được những em tài sắc khá vẹn toàn nhưng lại đã trót nâng sống mũi hay chỉnh mi hoặc xăm môi để hoàn thiện vẻ đẹp ngoại hình vốn dĩ đã rất đẹp.
Các cuộc thi tìm kiếm người đẹp thì thực là nhiều, nhưng để tìm được một người đẹp hoàn thiện thì thực là khó bởi lẽ: “Nhân vô thập toàn”.
Điểm lại người đẹp của các nước thật không khó khăn gì khi đưa ra các dẫn chứng về người đẹp đã có những chỉnh sửa lớn để làm thay đổi hẳn các số đo cơ bản trước khi đạt ngôi vị cao.
Ở Việt Nam với quan niệm về vẻ đẹp truyền thống, đoan trang phúc hậu thì việc tôn vinh một hoa hậu đã qua các phẫu thuật lớn như nâng ngực, thu eo, nâng mông, thì chắc chắn sẽ không được sự đồng tình của công chúng.
Nhưng còn để hội nhập với thế giới, để sánh vai với người đẹp các nước. Vậy nên chăng, có thể chấp nhận một chút chỉnh sửa thẩm mỹ trên gương mặt làm hoàn thiện hơn vẻ đẹp sẵn có, để chúng ta có được một người đẹp vẹn toàn cả tài lẫn sắc khi sánh vai cùng người đẹp năm châu tại đấu trường tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ.
Theo Tiến sĩ Nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp
Tiền Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất