Bản quyền văn học: 'Cho không, biếu không' đến bao giờ?

20/12/2013 14:20 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam thành lập đã 10 năm, nhưng có nhà văn bảo "hôm nay mới biết đến". Các nhà văn, người xuề xòa về tác quyền, người lại rất bức xúc nhưng chưa đủ tin tưởng để ủy quyền.

Hội thảo "Bảo hộ quyền tác giả văn học" vừa diễn ra tại Hà Nội, do Cục Bản quyền tác giả và Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (viết tắt là VLCC, do nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ làm giám đốc) tổ chức.


Văn học được xem là lĩnh vực bị vi phạm bản quyền "rất nhiều nhưng âm thầm nhất" (lời nhà thơ Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm) trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, vì thế rất khó khăn cho việc thu tiền bản quyền.


Không đủ tin tưởng


Tại hội thảo, nhà thơ Đỗ Hàn cho biết: "Hiện nay, trung tâm có 8 người thì đến 6 người là thuộc các cơ quan khác, làm theo kiểu kiêm nhiệm. Chỉ có 2 người thường xuyên ở trụ sở để thực hiện các công việc". Với quy mô như vậy, VLCC đặt mục tiêu nhận quyền ủy thác và bảo vệ quyền tác giả của các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và những nhà văn ngoài hội trong quy mô cả nước.


Về doanh thu, nhà thơ Đỗ Hàn chia sẻ, có năm chỉ thu được 15 triệu đồng. Con số này đã khiến hội thảo cười rộ. Bởi vì so với doanh thu vài chục tỷ đồng một năm của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thì con số đó quá ít ỏi.


Tác phẩm của nhà văn Hoàng Quốc Hải bị chuyển thể tuồng mà không xin phép tác giả.

Đó là số tiền thu được từ một nhà xuất bản (NXB) in sách tổng tập nhân 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi trung tâm tìm đến, NXB trả cho mỗi truyện ngắn 40.000 đồng, mỗi bài thơ 15.000 đồng. Tổng cộng, số tiền phải trả cho toàn bộ tuyển tập là 15 triệu đồng. Đó là khoản thu duy nhất trong năm đó.


Nhà thơ Đỗ Hàn kể chuyện bi hài về thực trạng bảo vệ tác quyền văn học Việt Nam: "Có nhà văn đến gặp tôi nêu chuyện tác phẩm bị người ta đăng lại trong sách báo mà không hề nói một câu. Khi tôi đề nghị ủy quyền cho trung tâm để đòi tiền bản quyền thì ông bảo không cần, mặt vẫn rất vui vẻ và nói: Họ in cho mình là quý lắm rồi!".


Nhưng cũng có những nhà văn rất nghiêm túc về vấn đề bản quyền như Hoàng Quốc Hải. Ông Hải là tác giả các tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý, Bão táp đời Trần, Huyền Trân công chúa… rất hay bị lấy để dựng chèo, tuồng mà ông không hề hay biết.


Tuy nhiên, chính là nhà văn Hoàng Quốc Hải lại thẳng thắn: "Tôi thấy trung tâm của các anh hoạt động rất ngây thơ. Hôm nay nghe nói tôi mới biết là đã ra đời 10 năm rồi. Trung tâm làm việc chưa chuyên nghiệp, toàn kiêm nhiệm chứ không phải những người thực sự có chuyên môn và hiểu luật. Tôi không đủ niềm tin để trao quyền ủy thác cho các vị".


Tranh cãi về “50 năm quyền tác giả”


Quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và trong vòng 50 năm sau khi tác giả chết. Với đặc thù của nền văn nghệ (chiến tranh, lưu lạc), việc này gây ra nhiều bất cập.


Trước đó, trong một hội thảo khác về bản quyền, nhà văn Hoàng Quốc Hải đặt vấn đề: “Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939. Đến năm 1988, các tác phẩm của ông được các nhà xuất bản đồng loạt in lại. Con gái ông đến hỏi về tiền tác quyền thì được trả lời: nhà văn qua đời đã hơn 50 năm nên không được nhận tiền tác quyền nữa”.


Ông Hải nói: “Chúng ta vẫn ca ngợi Vũ Trọng Phụng là một trong những tác gia lớn nhất Việt Nam mà lại làm như vậy thì bội bạc quá".


Trả lời nhà văn Hoàng Quốc Hải, ông Bùi Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết ở một nước đang phát triển như Việt Nam, các cơ quan chức năng muốn giữ nguyên 50 năm để “công chúng sớm được tự do tiếp cận tác phẩm”.


Nói với TT&VH, ông Hải cho rằng cách lý giải này không thỏa đáng. Trên thế giới, nhiều nước đang theo xu hướng tăng số năm bảo hộ sau khi qua đời vì điều kiện sống tốt lên, đời người dài ra.


Nhưng khi trao đổi với TT&VH, bà Đoàn Thị Lam Luyến, cựu Giám dốc VLCC, phản biện ông Hùng: “Thay vì sớm cho không, biếu không công chúng, tôi nghĩ nên làm ngược lại, tăng thời hạn bảo hộ, bởi làm thế thì nền kinh tế tri thức của Việt Nam mới có động lực phát triển”.


“Nếu chỉ nghĩ đến quyền lợi của công chúng thì văn hóa có thể chỉ phát triển theo cấp số cộng, nhưng nghĩ đến quyền lợi của những nhà sáng tạo thì không những văn hóa mà cả kinh tế sẽ phát triển theo cấp số nhân. Nếu nghĩ đến lợi ích quốc gia, hãy nghĩ đến lợi ích của giới sáng tạo” - bà Luyến kêu gọi.


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm