Bản quyền truyền hình và những nỗi niềm

27/03/2012 15:35 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Giữa tháng 3 vừa rồi, VTV thông báo đã chính thức mua được bản quyền phát sóng EURO 2012. Con số cụ thể mà VTV phải trả cho nhà cung cấp bản quyền phát sóng EURO 2012 không được tiết lộ, nhưng ông Phan Ngọc Tiến, phó trưởng ban VTV3, có hé lộ phần nào khi cho biết: “Tôi chỉ có thể nói rằng số tiền lần này mà VTV đã phải chi để mua bản quyền phát sóng EURO 2012 cao hơn rất nhiều so với những giải đấu lớn trước đây”.



Số tiền lần này mà VTV đã phải chi để mua bản quyền phát sóng EURO 2012

được người trong cuộc tiết lộ là “cao hơn rất nhiều so với những giải đấu lớn trước đây”.

“Gà nhà đá nhau”, người ngoài hưởng lợi

Một số nguồn tin cho biết trước đây giá bản quyền phát sóng EURO 2008 ở VN lên tới 2 triệu USD, nên bản quyền phát sóng EURO 2012 không thể ít hơn con số vừa kể. Phán đoán này càng có cơ sở hơn nữa khi Sportfive, nhà cung cấp bản quyền phát sóng EURO 2012 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản, Indonesia và Malaysia), ban đầu đã hét giá tới 5 triệu USD cho các đơn vị truyền hình ở VN quan tâm tới bản quyền phát sóng EURO 2012.

Sở dĩ có mức giá bị xem là trên trời với mặt bằng sinh hoạt ở VN này là bởi Sportfive biết rõ mức độ máu mê bóng đá của người hâm mộ VN với những giải đấu bóng đá hàng đầu thế giới, nên Sportfive đã tìm mọi cách để ép giá các đài truyền hình VN. Bên cạnh đó, Sportfive cũng phải bỏ ra một số tiền không nhỏ mới thắng được các đối thủ sừng sỏ như IMG, Dentsu và Infront Sports & Media trong cuộc chiến tranh giành quyền sở hữu bản quyền phát sóng EURO 2012 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản, Indonesia và Malaysia), nên Sportfive muốn bán lại bản quyền EURO 2012 với giá cao để kiếm lời. Một nguyên nhân nữa khiến chi phí để mua bản quyền truyền hình các giải đấu bóng đá lớn ở VN thường bị đẩy lên rất cao trong những năm gần đây là việc các đơn vị sản xuất truyền hình ở VN đua nhau bỏ giá thật cao để giành lấy độc quyền phát sóng. Được biết, trước khi EURO 2008 diễn ra, đã có tới hơn 10 đơn vị sản xuất truyền hình ở VN nhảy vào tham gia đấu giá mua bản quyền truyền hình giải đấu này, và cuối cùng người chiến thắng phải trả tới 2 triệu USD.

Rất may là tình trạng đua tranh kiểu “gà nhà đá nhau” này đã không xảy ra với EURO 2012, vì từ khá lâu trước khi diễn ra giải đấu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo VTV là đơn vị duy nhất tại VN đứng ra đàm phán với Sportfive để mua bản quyền truyền hình EURO 2012 và sau đó san sẻ gói bản quyền truyền hình này cho các đơn vị khác trong nước.

Với chỉ một đại diện duy nhất của VN đứng ra đàm phán để mua bản quyền EURO 2012, Sportfive có muốn ép giá cũng khó và thực tế là dù giá bản quyền EURO 2012 được người trong cuộc tiết lộ là “cao hơn rất nhiều so với những giải đấu lớn trước đây” thì nghe nói Sportfive cũng chỉ thu về gần 50% so với con số 5 triệu USD mà nhà cung cấp này từng “nói thách” lúc đầu.

Từ trường hợp của VTV với bản quyền phát sóng EURO 2012 có thể đặt ra vấn đề rằng, phải chăng đã đến lúc tất cả các đơn vị truyền hình VN nên có sự liên kết chặt chẽ với nhau theo kiểu quy về một mối trong mỗi lần đứng ra đàm phán mua bản quyền phát sóng các giải bóng đá quốc tế được nhiều người hâm mộ VN quan tâm, để tránh tình trạng bị đối tác nước ngoài ép giá và đẩy chi phí bản quyền cao tới mức phi lý, nhất là trong bối cảnh VN còn nghèo và thu nhập của đại đa số người dân vẫn còn ở mức trung bình.

Kinh nghiệm từ Singapore, Trung Quốc

Bài học của Singapore trong việc xử lý vấn đề bản quyền truyền hình quốc tế trên lãnh thổ Singapore rất xứng đáng để chúng ta nghiền ngẫm và học hỏi. Năm ngoái, Cục Phát triển Truyền thông Singapore đã ban hành đạo luật quy định các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tại Singapore phải chấp nhận chia sẻ nội dung chương trình của mình cho thuê bao của những nhà cung cấp dịch vụ khác theo yêu cầu của người xem.

Thế nên khi 2 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình hàng đầu Singapore là SingTel và StarHub cạnh tranh quyết liệt để mua bản quyền phát sóng EURO 2012 thì các CĐV Singapore vẫn không có gì để lo lắng, bởi dù SingTel hay StarHub mua được bản quyền thì EURO 2012 vẫn sẽ xuất hiện trên sóng truyền hình Singapore. Cuối cùng thì StarHub đã qua mặt SingTel để giành chiến thắng trong cuộc đấu giá với Sportfive, nhưng các thuê bao của SingTel sẽ không phải mua thêm đầu thu của StarHub để theo dõi EURO 2012, vì StarHub sẽ phải có trách nhiệm cung cấp nội dung (tất nhiên sẽ được thu phí) cho các thuê bao của SingTel, dù 2 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình này hoạt động trên 2 hạ tầng hoàn toàn khác nhau.

Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan quản lý Nhà nước ở Singapore lại ban hành chính sách như vậy đối với việc cung cấp nội dung các chương trình truyền hình có bản quyền của nước ngoài trên lãnh thổ Singapore. Cách đây mấy năm, SingTel được cho là đã phải trả tới 270 triệu USD để mua bản quyền phát sóng giải Premier League của Anh trong 3 năm (từ mùa giải 2010/2011 tới hết mùa giải 2012/13).

Thương vụ này được xem là một chiến thắng đắt giá và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng với SingTel, bởi đối thủ số một của họ trong lĩnh vực truyền hình ở Singapore là StarHub trước đó đã có 12 năm liên tiếp nắm giữ bản quyền phát sóng Premier League ở Singapore và hợp đồng cuối cùng để mua bản quyền phát sóng Premier League của StarHub trước khi SingTel chen vào cũng có giá lên tới 175 triệu USD ở thời điểm cách đây chừng 5 năm.

Cũng liên quan tới Premier League, cách đây 3 năm, nhà cung cấp bản quyền giải Ngoại hạng Anh ở châu Á đã chào con số 160 triệu USD với thị trường Trung Quốc và họ tìm mọi cách để kích thích các đài truyền hình Trung Quốc lao vào cuộc đấu giá này. Tuy nhiên, diễn biến sau đó lại không như mong đợi của nhà cung cấp bản quyền giải Ngoại hạng Anh nói trên, khi các đài truyền hình Trung Quốc quyết định họp lại và cử một đơn vị duy nhất đứng ra làm đại diện để đàm phán mua lại bản quyền.

Yêu cầu đầu tiên của phía Trung Quốc đưa ra là nếu mức giá khởi điểm của bản quyền Premier League không hạ xuống còn một nửa so với con số 160 triệu USD ban đầu thì không cần đàm phán và các đài truyền hình Trung Quốc sẵn sàng nói không với Premier League trong 3 mùa giải liên tiếp. Tất nhiên, với thị trường có hơn một tỷ dân như Trung Quốc thì nhà cung cấp bản quyền Premier League không thể không nhượng bộ, và cuối cùng 3 mùa bóng giải Ngoại hạng Anh đã đến với người xem truyền hình Trung Quốc “chỉ” với giá 40 triệu USD.

VN không giàu như Singapore và cũng không có thị trường với hơn một tỷ dân như Trung Quốc để làm “vũ khí bí mật” trong các cuộc đàm phán với nhà cung cấp bản quyền truyền hình nước ngoài, nhưng VN cũng có những lợi thế không nhỏ với dân số trên dưới 100 triệu người, đông nhất nhì Đông Nam Á, và đa số đều trong độ tuổi lao động, nên không có cớ gì chúng ta cứ mãi chịu lép vế trước các đơn vị cung cấp bản quyền truyền hình nước ngoài mỗi khi muốn đưa các sự kiện thể thao quốc tế hấp dẫn về với người hâm mộ VN.

Đã đến lúc nên có sự thay đổi và thương vụ EURO 2012 vừa qua của VTV có thể xem là một thắng lợi đầu tiên trong “cuộc chiến” bảo vệ quyền lợi quốc gia cũng như quyền lợi của người hâm mộ.

Hoàng Huy



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm