Bản quyền điện ảnh và truyền hình: Ngồi nhìn tiền tỉ 'chạy' ra khỏi túi

18/12/2013 14:24 GMT+7 | Văn hoá



(Thethaovanhoa.vn) - "Không có lĩnh vực nào mà quyền tác giả bị vi phạm trắng trợn như lĩnh vực điện ảnh. Ngành âm nhạc đã tìm ra cách thu tiền tác quyền nhưng điện ảnh từ lâu không ai bảo vệ ai. Bản quyền điện ảnh là vấn nạn khiến người làm nghề cực kỳ bức xúc", đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh thẳng thắn.

Tọa đàm về bản quyền điện ảnh và truyền hình diễn ra sáng qua (17/12) do công ty Skyline Media, Phim Studio A Việt Nam phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức ngay sau khi Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan chính thức có hiệu lực vào ngày 15/12/2013.


“Phát sốt" vì bản quyền


Đây là cuộc tọa đàm thứ ba bàn về bản quyền điện ảnh, truyền hình được tổ chức cuối năm nay. Điều này cho thấy vấn đề đang thực sự "nóng" và các đơn vị liên quan đã quyết tâm bắt tay vào việc.


Thực tế cho thấy, vi phạm bản quyền từ lâu đã là một vấn nạn hết sức nhức nhối tại Việt Nam, làm ảnh hưởng nặng nề đến các ngành nghề mang tính chất sáng tạo. Một bộ phim vừa ra mắt trên truyền hình ngay lập tức được đưa lên trên mạng cho cả "làng" xem. Người đưa lên mạng còn tranh thủ "kiếm ăn" bằng cách gài lồng quảng cáo. Hay một bộ phim điện ảnh nhập khẩu vừa ra rạp, ngay lập tức ngoài chợ trời có DVD phục vụ khán giả tận tay. Những vi phạm diễn ra hết sức ngang nhiên trong khi đó việc quản lý, xử phạt còn rất lỏng lẻo.
Những bản phim Long ruồi (2011) tràn lan trên mạng.
Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Tổng Giám đốc Cty Phim Studio A cho biết: "Khi nhập khẩu phim chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều tiền, nếu cứ bị vi phạm bản quyền như thế này thì rất nguy. Còn ở trong nước có rất nhiều người vì muốn làm phim mà phải cầm cố xe, cầm cố nhà. Sản phẩm làm ra bị ăn cắp, sao chép rất nhanh, hỏi có đau lòng không?".


Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập, Đài Truyền hình VN, cho biết: "Đặt ra vấn đề bản quyền là để bảo vệ các sản phẩm sáng tạo, tạo ra môi trường phát triển lành mạnh và giúp cho việc hội nhập quốc tế. Nói đơn cử, có vài giải bóng đá thế giới Đài buộc phải khóa mã vệ tinh vì sóng tràn ra Đông Nam Á. Dư luận không hiểu, tưởng Đài gây khó khăn cho vùng sâu vùng xa. Nhưng thực chất nếu không làm chúng tôi sẽ bị hủy bỏ hợp đồng, bị phạt rất nặng".


Thất thoát "khủng"


Trong thời đại Internet, điện ảnh và truyền hình đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Một khi vấn nạn vi phạm bản quyền chưa giải quyết, ngành này còn phải chịu đựng những thất thoát kinh tế khổng lồ.


Theo tính toán của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC), Việt Nam đang xếp thứ 18 thế giới, thứ 8 châu Á, thứ 3 tại Đông Nam Á về lượng người dùng internet. Vào tháng 3 năm 2012, có 16,1 triệu người dùng internet/tháng. Và hiện 90% người dùng internet tại Việt Nam xem video trực tuyến.


Theo thống kê thì từ năm 2008 - 2012, tại 6 thành phố lớn ở VN thì lượng người xem truyền hình trung bình giảm từ 140 phút/ngày xuống còn 124 phút/ngày. Còn với Internet cũng trong khoảng thời gian này lượng người dùng tăng từ 44 phút/ngày vào năm 2008 tăng lên 124 phút/ngày vào năm 2012. Lượng người chuyển dịch từ Truyền hình sang internet đa số nằm ở độ tuổi từ 25-34 tuổi.


Theo tính toán của CNC, nếu trong năm 2013, VN giải quyết được vấn đề bản quyền, dịch vụ video theo yêu cầu sẽ đạt doanh số khoảng 2.000 tỷ đồng - đây cũng chính là con số thất thoát của ngành nội dung số nói chung và điện ảnh, truyền hình, âm nhạc nói riêng.


Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm