Bắn không nên, ai đền đạn?

05/04/2010 10:00 GMT+7 | Thế giới

Cha ông ta có biệt tài đúc kết những quy luật phức tạp bất thành văn bằng những câu tục ngữ đơn giản. Ví như câu: “Bắn không nên thì đền đạn” chẳng hạn.

Đó là lẽ công bằng tối thiểu giữa quan hệ người – người, dân – nhà nước v.v… Vì thế mà có luật đền bù án oan sai, có luật dân sự xử bên gây thiệt hại phải đền cho bên bị hại trong làm ăn, cộng tác. Đền bù là bát nước lỡ đổ xuống đất, hốt lên được chút nào hay chút đó.

Bắn không nên thì đền đạn. Rõ rồi, nhưng ai phải đền? Tất nhiên là người bắn tồi. Do lười không tập luyện, do mắt không tinh, lòng không sáng, thậm chí cố tình bắn trật mục tiêu. Đó cũng là công bằng, là đề cao trách nhiệm cá nhân. Khi nhận chức  thì tranh nhau, dẫm đạp lên nhau, chi tiền và nhiều tiền để mua. Nhưng khi làm hỏng việc thì không mấy ai chịu nhận cái sai, cái dở về phần mình!

Và thế là, để giữ yên ổn, để thi hành luật (không thi hành thì dân người ta kiện), ai đó bắn không nên nhưng công quỹ nhà nước lại rút ví ra đền! Công quỹ nhà nước đâu phải cái máy in tiền. Mà là tiền thuế, tức là mồ hôi nước mắt của dân. Vậy là, một người hay một tổ chức, một cơ quan công quyền bắn không nên mà toàn dân phải đền đạn.

Như tòa án tỉnh nọ, huyện nọ, xử sai phải đền theo luật, những vụ phải đền bù khá nhiều, người được đền cũng được an ủi nhiều. Có những con số đền bù đến phát hoảng! Và gần đây, một chủ đầu tư bắt đền thành phố nọ gần ngàn tỷ đồng vì quyết định sai, phải đình chỉ rồi di dời một dự án khách sạn lớn. Vậy mà chưa thấy ông thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, ông chủ tịch Ủy Ban nào phải rút ví ra. Có thể ông ta không phải đền toàn bộ thiệt hại, nhưng ít ra nhà nước cũng phải bắt ông ta biết trả giá phần nào cho cái tội chức thì ham mà công việc lại lơ là.

Có khi “bắn không nên dân đền đạn” cũng có lý. Ấy là chuyện gây ra sai lầm, oan ức không phải do một người mà do tập thể, nhiều tập thể hoặc nhiều cấp gây ra. Do điều chỉnh luật hay chính sách lúc này lúc khác. Do yếu tố thuần túy khách quan. Truy ra trách nhiệm cá nhân rạch ròi là quá khó. Trường hợp này đúng là con dại cái mang. Người dân bầu họ ra, họ làm không nên chuyện thì dân chịu đền cũng chẳng nên phàn nàn.

Nhưng lại không ít trường hợp, không phải như thế. Đó là, quá trình làm dự án, chắc là tiền bôi trơn và chạy chọt đủ kiểu có lẽ đã chui vào túi một số người rồi vô tăm tích. Nay dự án phải dừng, do dân phản đối, do cấp trên quyết định hay bất khả thi. Bên bị thiệt đòi bắt đền, họ phải phù phép tính toán thế nào để gộp vào số thiệt hại khoản tiền vô tăm tích ấy. Chỉ có công an, tòa án hay kiểm toán khách quan và công phu mới tìm ra. Cho nên ta thường thấy cả bên bị lẫn bên nguyên chẳng ai muốn ra tòa, thậm chí rất sợ ra tòa. Cách êm nhất là đổ vấy cho ngàn lẻ lý do rồi, trong bóng tối mờ mờ hư ảo, chẳng ai biết ai hay, rút ví…ngân sách ra đền là vẹn cả đôi đường.

Mong rằng, ai “bắn không nên, thì người ấy đền”, chuyện tưởng dễ mà không dễ!

Nguyễn Quang Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm