'Bản giao hưởng Điện Biên' và 'Mệnh lệnh thần kỳ' của Đại tướng

25/08/2021 08:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài các thước phim tư liệu, phim truyện, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được thể hiện trên sân khấu. Có thể kể đến những vở kịch: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên, Cách mạng, Nhiệm vụ hoàn thành, Mệnh lệnh thần kỳ…

Những thước phim quý trong nước và quốc tế

Những thước phim quý trong nước và quốc tế

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho văn nghệ sĩ.

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên (kịch bản và đạo diễn Nguyễn Quang Vinh) là vở diễn kết hợp sân khấu và điện ảnh. Đây là chương trình có số lượng nghệ sĩ tham gia lớn nhất từ trước tới nay (hơn 300 diễn viên của các đơn vị nghệ thuật: Đoàn Kịch Nam Định, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn - Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Quảng Bình...).

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Vinh, các bối cảnh được thiết kế đồng bộ, mang tính sân khấu, nhưng vẫn có yếu tố của điện ảnh. Phần âm nhạc của chương trình mang đậm chất dân ca miền Trung. Chương trình được công chiếu và tường thuật trực tiếp trên VTV năm 2011 làm nổi bật hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở những thời khắc lịch sử quyết định. Diễn viên Trịnh Mai Nguyên đã thể hiện thành công hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời thanh niên…

Chú thích ảnh
NSƯT Trịnh Mai Nguyên thể hiện hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở kịch “Bản giao hưởng Điện Biên”

Tác phẩm kịch Cách mạng do Phạm Thị Thành đạo diễn trong Đêm hội mừng 350 năm Khánh Hòa, trong đó xây dựng hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự, uyên bác nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lịch sử. Đại tướng đã từng nói: “Nếu không có chiến tranh, thì tôi vẫn là một giáo viên dạy sử”…

Vở kịch Nhiệm vụ hoàn thành (kịch bản: Xuân Đức, đạo diễn: NSND Lê Hùng) do Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng đã công diễn tối mùng 3/10/2014 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn tái hiện những thời khắc lịch sử quan trọng trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với phẩm chất cách mạng cao đẹp. Chân dung Đại tướng gắn liền với từng chặng đường lịch sử dân tộc cùng với những quyết định lịch sử.

Nói như nhà biên kịch Xuân Đức, đó mới chỉ là “những lát cắt thể hiện số phận một con người suốt cả một quá trình giải phóng dân tộc, mà thông qua số phận của Đại tướng, ta thấy hiện lên số phận lịch sử của cả một dân tộc bi thương, mất mát, hy sinh, nhưng rất đỗi hào hùng, nghĩa hiệp trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.

Trong Nhiệm vụ hoàn thành, Đại tướng nói: “Không ai đặt ra chữ nếu với lịch sử. Nhưng đôi khi tôi vẫn tự hỏi mình, nếu không có chiến tranh tôi sẽ là gì, cuộc đời tôi sẽ như thế nào? Và thật đơn giản, tôi có thể tự trả lời. Không có cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không có Đảng và Bác Hồ dắt dẫn, chắc tôi sẽ là một nhà giáo. Tôi yêu lịch sử, tôi đã sớm lựa chọn cho mình nghề truyền đạt những bài học lớn lao của lịch sử dân tộc cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Nhưng dân tộc chúng tôi đã buộc phải cầm súng đánh đuổi ngoại xâm để giành cho được tự do, độc lập, và dân tộc đã ủy thác cho Đảng Cộng sản Việt Nam, cho thế hệ chúng tôi và nhiều thế hệ kế tiếp phải là một phần của lịch sử, phải làm nên lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh anh hùng”.

2. Kịch nói có nhiều ưu thế thể hiện hình tượng Đại tướng, song các văn nghệ sĩ còn nỗ lực không ngừng để xây dựng hình tượng Đại tướng trên sân khấu kịch hát dân tộc. Vẫn biết rằng, dựng hình tượng Võ Nguyên Giáp ở sân khấu chèo có cái khó riêng, nhưng 2 tác giả Trần Đình Ngôn và Bùi Đắc Sừ đã cố gắng tận dụng tối đa ngôn ngữ tự sự để thể hiện thành công hình tượng Đại tướng qua vở chèo Mệnh lệnh thần kỳ.

Chú thích ảnh
Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở chèo “Mệnh lệnh thần kỳ”

Tác giả Trần Đình Ngôn đã chia sẻ việc viết kịch bản này: “Chọn thời điểm và giai đoạn hoạt động cách mạng nào của Đại tướng để xây dựng một hình tượng cho nghệ thuật chèo là điều chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ. Rốt cuộc chỉ thấy có giai đoạn thuận nhất có thể viết cho chèo, đó là giai đoạn Đại tướng thay đổi chiến lược trong trận đánh lịch sử ở cánh đồng Mường Thanh. Quyết định từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” là một mệnh lệnh có ý nghĩa lớn, nó là sự thật nhưng như có sức mạnh siêu nhiên, thần kỳ”.

Vở diễn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (kịch bản: Vũ Hải, kịch bản dân ca: Nghệ sĩ An Ninh, đạo diễn: NSND Lê Hùng và NSND Hồng Lựu) được xây dựng trên chất liệu kịch bản dân ca do Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Sở VH,TT&DL Nghệ An tổ chức nhân Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vở diễn tạo nên những cảm xúc mãnh liệt về một vị tướng tài bởi những câu chuyện kể chân thực về nghệ thuật cầm quân đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Và nhất là ê-kíp sáng tạo đã khai thác sâu sắc con người đời thường của Đại tướng với nhiều cung bậc cảm xúc rất đời và rất người: Vui buồn, tâm tư, thăng trầm cùng thế sự…

Vở kịch dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được chuyển thể từ kịch bản Khoảng trời con gái của nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại (chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh: An Ninh) gồm 2 hồi, 9 cảnh do Trung tâm Bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ tỉnh Nghệ An dàn dựng và công diễn vào tối 12/7/2018 tại sân khấu dưới chân tượng đài chiến thắng Ngã Ba Đồng Lộc. Vở kịch tái hiện lại sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của 10 nữ anh hùng Thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 2, Tổng đội 55 tại Ngã Ba Đồng Lộc đã chạm đến trái tim khán giả.

Chú thích ảnh
Tác giả bài viết đến dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu và chụp ảnh kỷ niệm với anh Võ Điện Biên (con trai Đại tướng)

Đặc biệt vở kịch có sự xuất hiện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đối thoại với với 10 nữ Thanh niên xung phong Ngã Ba Đồng Lộc. Chị Võ Thị Tần thay mặt tiểu đội hứa với Đại tướng: “Chúng cháu thề hy sinh tất cả chứ nhất định không để con đường tiếp viện cho miền Nam giây phút nào bị tắc nghẽn. Xin bác tin tưởng ở chúng cháu ạ”. Đại tướng dặn dò: "Chúng ta chiến đấu để chiến thắng chứ không phải để hy sinh. Nhưng chiến tranh không thể tránh được hy sinh. Tôi không muốn ai hy sinh cả, mỗi chiến sĩ hy sinh là một nỗi đau lớn trong tôi, tôi không muốn mang thêm nhiều nỗi đau nữa… Tôi mong sớm có hòa bình để các cháu còn rất trẻ tuổi ở đây được sống cuộc đời tuổi trẻ bên người yêu, được đến giảng đường đại học để trở thành kỹ sư, bác sĩ để xây dựng đất nước”…

***

Dù đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, song mỗi văn nghệ sĩ đều tự thấy bổn phận, trách nhiệm lớn lao là phải có nhiều hơn các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật xứng với tầm vóc vĩ đại của Đại tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trí thức uyên bác ở nhiều lĩnh vực...

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm