20/08/2015 06:34 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,
Đấy không chỉ là câu hỏi mà người viết bài này đặt ra đối với các độc giả của mục Thư châu Âu, mà còn là một chuyên đề đang rất nóng những ngày này ở Italy, khi nhiệt độ lúc nào cũng tầm 38 - 40 độ C, những thành phố lớn trở nên vắng vẻ, các cửa hàng đóng kín và đông đúc nhất luôn là những bãi biển hoặc các khu leo núi mùa Hè.
Tháng 8 là tháng mà người Italy nghỉ ngơi và ăn chơi trong các lễ hội. Nhưng họ cũng được nhắc là đừng quên đọc sách.
Sáng kiến khuyến khích đọc sách với hashtag #cosastoleggendo (tôi đang đọc gì) do chuyên mục La Lettura (đọc) của nhật báo hàng đầu Corriere Della Sera đưa ra đầu tháng này đã được công chúng hưởng ứng nhiệt liệt.
La Lettura, chuyên trang hàng tuần về văn học và văn hóa của Corriere Della Sera, đề nghị các độc giả của chuyên mục hãy chụp ảnh cuốn sách mà họ đang đọc rồi đưa lên các mạng xã hội Twitter, Facebook và Instagram với hashtag trên.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục nghìn người đã chụp bìa những cuốn sách mình đang đọc rồi đưa lên, kèm theo những lời bình về cuốn sách ấy và nhiều người không quên nói rằng, họ đang nghỉ mát ở một nơi nào đó, bên bờ biển, trong một resort, trong một trạm nghỉ trong những chuyến đi dài, nhưng họ vẫn đọc. Sách vẫn là những người bạn đồng hành không thể thiếu đối với họ.
Những người phụ trách chuyên mục này nhận ra một xu hướng đáng chú ý: thoạt đầu rất nhiều độc giả gửi ảnh họ chụp bìa những cuốn sách “khủng”, chẳng hạn những sách kinh điển của văn học thế giới, những cuốn sách về triết học hoặc tâm lý học.
Một nhà văn Italy đã đặt ra câu hỏi về điều này: phải chăng, chuyện khoe mẽ kiểu mạng xã hội cũng đã lan đến cả việc đọc? Nhưng xu hướng ấy nhanh chóng kết thúc, khi người ta hiểu rằng, đây là một sáng kiến thực chất.
Thế rồi những bìa sách khác, ít kinh điển hơn, được đưa lên từ khắp mọi nơi, về mọi chủ đề mà người ta đang đọc. Cả những đứa trẻ cũng gửi về tòa soạn ảnh những cuốn sách thiếu nhi chúng đang đọc. Một thư viện nhỏ ở một thị trấn có 5 nghìn dân ở ngoại ô Parma, vốn đang chịu nhiều khó khăn do bị cắt giảm ngân sách, cũng hăng hái tham gia sáng kiến để lôi cuốn công chúng.
Các nhà văn và cả chính trị gia cũng hào hứng đăng ảnh họ đang đọc sách. Một độc giả 58 tuổi của La Lettura ở Sicily cũng hưởng ứng phong trào bằng cách đưa ra sáng kiến đọc của riêng mình. Bằng các hashtag #ioLeggo (Tôi đọc) và #AmoLeggere (Tôi yêu đọc sách), bà đã thu hút được 29 nghìn người theo dõi bằng việc hàng ngày đưa lên trang Twitter của mình những cuốn sách mà bà cho là có ích và đề nghị mọi người cùng đọc.
Emilio, một người bạn của tôi, nói rằng, #cosastoleggendo là một sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thông mạng xã hội với hình thức đọc truyền thống, và nhờ thế, sáng kiến này gây được tiếng vang, đồng thời khuyến khích người ta đọc sách.
Chừng nào tiếp tục có những phương cách để kích thích văn hóa đọc sách trước sự “xâm lăng” của các phương tiện truyền thông mới như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, chừng ấy sách in vẫn còn có chỗ đứng trong mọi người. Emilio, người rất ham đọc, cũng bảo rằng, hãy luôn biến đọc thành một nỗi đam mê và hãy truyền đam mê ấy cho con trẻ.
Alberto Galla, Chủ tịch Hội Những người làm sách Italy (Ali) cho rằng, #cosastoleggendo đã khiến nhiều người tìm đến sách để đọc hơn, dù trên thực tế, ban đầu nhiều người tham gia sáng kiến vẫn có thói quen của “dân mạng”, là chụp ảnh với một cuốn sách để tạo ra một hình ảnh đẹp, là mình cũng đọc sách và lại còn là sách khó đọc nữa.
Trên thực tế, kể cả khi chưa có #cosastoleggendo, tôi thấy người Italy làm rất tốt việc truyền bá rộng rãi niềm đam mê đọc. Một bằng chứng: thị trường sách thiếu nhi ở Italy tăng trưởng mạnh trong năm ngoái, do biết lôi kéo trẻ em và các vị phụ huynh vào các hình thức quảng bá sách rộng rãi, trên cơ sở kết hợp với các loại hình công nghệ hiện đại và mạng xã hội.
Ngay cả những cơ sở đọc xinh xắn như cái thư viện cấp phường ở phía sau nhà tôi tại Rome cũng phát triển thành một không gian văn hóa đa phương tiện nhằm thu hút đông đảo công chúng đến tham gia. Ngoài những giá sách đầy ắp nhìn đến phát thèm, thư viện còn có một phòng media, một phòng học nhóm phục vụ bọn trẻ và một quầy thông tin sự kiện văn hóa với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng trong thành phố trong thời gian tới.
Hoàn toàn miễn phí và rất tiện lợi, thư viện lúc nào cũng đông người đọc, nhiều trong số đó là trẻ em. Và tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy ở đây cũng như nhiều nước châu Âu khác, trong xã hội phát triển, người ta vẫn đọc, và đọc rất chăm, như đấy là một phần trong lối sống của họ vậy.
La Lettura bây giờ đã phát triển các sáng kiến khác, nhưng sáng kiến về đọc sách của họ được coi là một thành công lớn và chuyên mục vẫn nhắc người Italy khi đi du lịch trong Hè này hãy luôn để một cuốn sách trong vali.
Trước khi kết thúc bài viết, người viết cũng muốn hỏi mọi người: Quý anh chị đang đọc sách gì vào lúc này?
Hẹn quý anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất