Nguồn cung sẽ giảm, giá xe sẽ tăng?

12/05/2021 11:26 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Lượng xe hơi sản xuất trong năm 2021 trên toàn cầu sẽ sụt giảm và giá xe sẽ tăng cao là dự đoán trong tình hình ngành công nghiệp ô tô thế giới đang khủng hoảng vì thiếu “chip” (linh kiện bán dẫn).

Nhu cầu sắm xe hơi tăng, thị trường phục hồi nhanh chóng

Nhu cầu sắm xe hơi tăng, thị trường phục hồi nhanh chóng

So với cùng thời kỳ năm ngoái, khi dịch Covid mới bùng phát, thị trường ô tô đã có sự phục hồi nhanh chóng.

Từ đầu năm 2021, tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn cho sản xuất xe hơi toàn cầu được báo động từ trước đó đã trở thành hiện thực. Sự thiếu hụt nguồn cung này có nguyên nhân chính từ thực tế các biện pháp giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị chơi game… tăng vọt. Đây cũng là mặt hàng ngốn nhiều chip nhất và các thiết bị càng tối tân càng tốn nhiều hơn lượng chip (điện thoại thông minh 5G cần các chất bán dẫn nhiều hơn 40% so với điện thoại 4G), do đó được các nhà cung ưu tiên hơn so với các nhà sản xuất ô tô. Con số cho thấy cán cân lệch này là ngành sản xuất điện thoại thông minh hàng năm cần hơn 1 tỷ thiết bị bán dẫn, trong khi ngành công nghiệp ô tô con số này chỉ dưới 100 triệu chiếc!

Chú thích ảnh
Biểu đồ so sánh cho thấy tỷ lệ chất bán dẫn trong xe hơi tăng nhanh từ năm 2000 tới nay.

Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn cung này còn có nguyên nhân từ chính các nhà sản xuất xe hơi do không dự đoán được sự phục hồi nhanh chóng của thị trường tiêu thụ xe từ nửa cuối năm 2020. Các chính sách kích cầu tiêu dùng của chính phủ nhiều nước (trong đó Việt Nam giảm 50% phí trước bạ tương đương 5-6% giá trị xe) cộng với tâm lý tránh sử dụng phương tiện công cộng, thay bằng di chuyển bằng phương tiện cá nhân đã khiến nhu cầu mua xe mới tăng mạnh ngoài dự kiến.

Hậu quả là ngay trong quý 1 năm nay nhiều công ty sản xuất xe hơi lớn như Volkswagen, Toyota, Honda, Nissan, GM, Ford… đều phải cắt giảm sản lượng. Ngoài cắt giảm số lượng sản xuất thì nhiều công ty cũng phải tính tới việc cắt giảm luôn cả những trang bị trên xe sử dụng nhiều linh kiện bán dẫn. Như Nissan phải cắt bỏ hệ thống định vị mới, Ram bỏ gương chiếu hậu "thông minh" tiêu chuẩn giám sát các điểm mù, hay Renault đã ngừng cung cấp màn hình kỹ thuật số cỡ lớn trên chiếc SUV Arkana của mình - cũng để tiết kiệm chip… Nên nhớ rằng thế hệ xe càng “thông minh” với nhiều trang bị tự động và cảm biến thì càng “ngốn’ nhiều thiết bị bán dẫn. Đặc biệt, việc chuyển đổi sang chế tạo xe điện diễn ra nhanh hơn dự đoán, cũng làm tăng nhu cầu về chip ô tô – một giám đốc điều hành công ty sản xuất chip điện tử cho biết. Sản lượng xe hơi toàn cầu trong năm nay có thể giảm tới hàng triệu chiếc chỉ vì sự thiếu hụt chip và theo dự đoán của Mark Liu, chủ tịch công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan thì cuộc khủng hoảng chip này có thể kéo dài sang tới năm 2022.

Chú thích ảnh
Màn hình điện tử cỡ lớn và tích hợp nhiều tính năng là xu thế của xe hơi đời mới song cũng là thiết bị ngốn chip nhiều nhất, làm gia tăng sự khủng hoảng thiếu chip hiện nay.

Bên cạnh sự thiếu hụt nguồn cung chip thì giá nguyên liệu thô để chế tạo ô tô cũng đang trở nên khan hiếm và tăng giá. Cụ thể đồng, thép và nhôm, đang ở mức giá cao kỷ lục trong năm nay. Theo công ty dịch vụ tài chính danh tiếng JPMorgan Chase&Co, giá nguyên liệu thô của ô tô đã tăng 83% và chúng chiếm 10% chi phí sản xuất xe. Điều này cũng có nghĩa chi phí sản xuất xe trung bình tăng ít nhất 8,3%.

Riêng đối với xe điện, lượng đồng sử dụng của dòng xe này nhiều hơn gấp 3,5 lần so với xe chạy nhiên liệu hoá thạch do phải sử dụng lượng dây điện rất lớn. Giá nguyên liệu đồng “lên đỉnh cao nhất mọi thời” chắc chắn làm tăng chi phí của xe điện. Các nguyên liệu để chế tạo pin cho xe điện cũng đang có dấu hiệu thiếu hụt so với nhu cầu khiến giá pin tăng cao tới 47% trong 12 tháng qua.

Như vậy nguồn cung giảm trong khi giá thành xe sẽ tăng là dự báo toàn cầu ngay trong năm 2021. Ở Việt Nam, ngoài nguồn xe nhập khẩu nguyên chiếc thì ngay cả các mẫu xe lắp ráp trong nước cũng phụ thuộc chính vào nguồn linh kiện nhập khẩu. Vì vậy có thể chậm hơn song tình trạng thiếu nguồn cung có thể sẽ sớm diễn ra cũng như các chương trình khuyến mại, giảm giá có thể cũng sẽ sớm chấm hết.

Phan Ka (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm