Cẩn trọng đối với các hình thức lừa đảo tiền

21/05/2020 21:50 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/5, nhiều số thuê bao điện thoại di động đã nhận được tin nhắn từ Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua số điện thoại. Nếu cá nhân nào bắt gặp trường hợp trên, cần trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại thoại trực ban hình sự của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an (số điện thoại 0692348560) để được hướng dẫn kịp thời.

Thủ đoạn lừa tiền phụ nữ thông qua mạng Internet

Thủ đoạn lừa tiền phụ nữ thông qua mạng Internet

Đã có ít nhất bốn nạn nhân là phụ nữ ở Thành phố HCM (tại các quận 1, 10, Tân Bình, Bình Thạnh) gửi đơn đến Cục C50B tố giác hành vi của đối tượng người nước ngoài đã lừa họ tổng số tiền 208 triệu đồng và 4.000 USD.

Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng uy tín của ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Theo các chuyên gia tài chính, đối tượng lừa đảo thường sử dụng 3 thủ đoạn phổ biến để chiếm đoạt tiền.

Thủ đoạn thứ nhất là đối tượng lừa đảo tìm cách lấy cắp thông tin bảo mật cá nhân. Diễn biến thường là đối tượng thường mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo cho khách hàng có khoản tiền chuyển vào tài khoản nhưng bị lỗi giao dịch. Để nhận tiền, khách hàng cần cung cấp tên truy cập (user), mật khẩu đăng nhập và mã xác thực giao dịch (gọi là OTP hoặc Smart OTP được gửi đến số điện thoại của bạn).

Có trường hợp đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản của bạn đang bị người lạ xâm nhập. Để đảm bảo an toàn, bạn cần cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu giao dịch ngân hàng trực tuyến (internet-banking), mã xác thực giao dịch (OTP) để ngân hàng tiến hành bảo mật cho bạn.

Trong ảnh: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình tống đạt các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Dương Minh Hiến (sinh năm 1957, trú tại xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Võ Dung -TTXVN
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình tống đạt các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Dương Minh Hiến (sinh năm 1957, trú tại xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Võ Dung -TTXVN

Hình thức lừa đảo thứ 2 là yêu cầu bạn chuyển khoản gấp một khoản tiền đến một tài khoản lạ. Trong trường hợp này, đối tượng lừa đảo thường ăn cắp (hack) các tài khoản xã hội (tài khoản được facebook, zalo, viber... ) sau đó mạo danh để lừa những người quen của bạn. Kẻ lừa đảo thường nhờ mua thẻ điện thoại hoặc nhờ thanh toán chuyển khoản tới tài khoản được chỉ định. Nhiều người vì quan hệ thân quen, không kiểm chứng lại thông tin đã tiến hành chuyển tiền và ngay lập tức bị mất tiền.

Có trường hợp, bạn nhận được thông tin rằng mình có liên quan đến một đường dây lừa đảo đang bị công an điều tra. Kẻ lừa đảo cung cấp cho bạn số điện thoại của cơ quan chức năng. Khi bạn gọi đến số đó thì có người trực tổng đài trả lời các thông tin đồng thời yêu cầu người gọi không được tiết lộ thông tin này cho bất kỳ ai để đảm bảo bí mật trong quá trình điều tra. Trong trường hợp này, kẻ lừa đảo yêu cầu chuyển tiền gấp đến tài khoản do kẻ gian chỉ định để phục vụ công tác điều tra phá án.

Cũng có trường hợp, bạn nhận thông báo trúng thưởng, nhận được quà, bưu kiện. Nhưng để nhận được những vật phẩm có giá trị hoặc số tiền lớn chuyên về, bạn cần chuyển khoản đặt cọc đến một tài khoản chỉ định. Nếu tò mò muốn có món quà hay nhận tiền thưởng mà làm theo hướng dẫn của kẻ gian, bạn sẽ mất tiền và không nhận được gì.

Trường hợp thứ 3 dành cho các đối tượng thường xuyên sử dùng điện thoại thông minh, máy tính để truy cập vào các ứng dụng ngân hàng. Kẻ lừa đảo gửi một liên kết giả (link) và khi mở link sẽ có thông tin thông báo trúng thưởng theo chương trình của ngân hàng và yêu cầu bạn đăng nhập vào tài khoản ngân hàng theo đường link giả mạo do đối tượng lừa đảo gửi.

Điều dễ gây nhầm lẫn là giao dịch của link giả mạo có nhiều điểm rất giống trang chính thống của ngân hàng nên những người không để ý kỹ sẽ cung cấp tài khoản giao dịch (user) và mật khẩu (internet-banking), mã xác thực (OTP). Với những thông tin này, kẻ gian dễ dàng vào tài khoản và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bạn. Có khá nhiều biến thể của các trường hợp lừa lấy tên, mật khẩu và mã xác thực tài khoản ngân hàng. Do đó, tất cả các ngân hàng đều lưu ý khách hàng, tuyệt đối không cung cấp những thông tin này cho bất kỳ đối tượng nào.

Hiện nay, cảnh báo, thông tin về các vụ lừa đảo tiền trên mạng rất nhiều. Mỗi người có tài khoản ngân hàng cần lưu ý các vấn đề bảo mật khi mở tài khoản. Trong quá trình sử dụng tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản cho bất kỳ đối tương nào, đặc biệt là qua những trao đổi bằng hình thức chat trên các tài khoản mạng xã hội.

Đồng thời, khi phát hiện ra có đối tượng lừa đảo, mọi người cần thông báo cho cộng đồng có chung bạn bè trên mạng xã hội, gọi điện đến số điện thoại của cơ quan Công an và tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của kẻ gian để tránh bị lừa đảo.

Ng Bích/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm