Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long triển khai quy trình Code Blue - Giải pháp tối ưu cho bệnh nhân bị ngưng tim ngưng thở

29/06/2017 11:21 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kế, trên thế giới mỗi năm có khoảng 7 triệu ca tử vong do ngưng tim, ngưng thở. Đồng thời di chứng để lại cũng rất nặng nề vì mất nhiều thời gian trong quá trình cấp cứu.

Do đó, việc rút ngắn thời gian đến mức thấp nhất có thể, để bảo đảm sự an toàn cho người bệnh là điều cấp thiết. Nhận thấy được tình hình trên, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã triển khai quy trình Code Blue từ năm 2012, đây là một quy trình cấp cứu phải đảm bảo diễn ra chỉ trong vòng 1 – 3 phút khi xảy ra tình trạng người bệnh ngưng tim, ngưng thở.

Code Blue được thực hiện một cách khoa học, an toàn, hiệu quả, đòi hỏi việc hợp tác chặt chẽ, phối hợp nhuần nhuyễn của đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện nhằm hạn chế nguy cơ bệnh nhân bị tổn thương não không thể hồi phục. Quy trình thường xuyên được tập huấn và cập nhật nhằm nâng cao khả năng, kĩ năng cho các thành viên và hoàn thiện quy trình để đảm bảo an toàn cho tính mạng của người bệnh.

Chú thích ảnh
Buổi tập huấn Qui trình Code Blue cho các bác sĩ và điều dưỡng các Khoa tại Hội trường BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long

Điển hình là trường hợp của cụ bà N.T.N, 75 tuổi (Trà Ôn – Vĩnh Long). Lúc 0 giờ 42 phút ngày 28/01/2017 (30 AL Tết Nguyên Đán) được đưa vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu trong tình trang hôn mê, ngưng tim ngưng thở trước khi nhập viện.

Điều đáng chú ý ở đây là dù người bệnh được đưa đến bệnh viện cấp cứu vào thời khắc đêm giao thừa năm 2017, nhưng các bác sĩ tại đây đã nhanh chóng triển khai Code Blue – Cấp cứu ngưng tim ngưng thở, tập hợp đội ngũ các y bác sĩ, bộ phận hỗ trợ giúp người bệnh có nhịp tim và huyết áp trở lại chỉ sau 30 phút, vượt qua giai đoạn nguy hiểm, ngăn ngừa bệnh diễn biến xấu hơn. Và sau 2 tháng điều trị với sự nỗ lực của y bác sĩ và sự tận tâm trong quá trình chăm sóc của các điều dưỡng, người bệnh đã được xuất viện với trạng thái tỉnh táo, ổn định.

Chú thích ảnh

Theo chương trình, thành phần tham gia cấp cứu Code Blue bao gồm: Bác sĩ Khoa Hồi Sức Tích Cực và Chống Độc, Bác sĩ Khoa Tim Mạch, Bác sĩ trực cấp cứu, Bác sĩ trực tiếp điều trị, Điều dưỡng trực tiếp phụ trách, Điều dưỡng trực cấp cứu, Điều dưỡng ICU, Điều dưỡng trưởng, nhân viên vận chuyển, đội bảo vệ.

Tổng hợp số liệu từ đầu năm 2016 đến nay, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã thực hiện 78 ca cấp cứu Code Blue, tỷ lệ thành công lên đến gần 80%. Việc phát triển quy trình này giúp cho các nhân viên y tế nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tác phong chuyên nghiệp trong việc chữa trị. Từ đó góp phần gia tăng tỷ lệ thành công trong công cuộc cứu sống người bệnh, giảm thiểu tối đa các biến chứng về sau. Đây được xem là một bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Thảo Vi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm