Bài Kết: Reality show khi nào ế khách?

30/06/2010 06:34 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH Cuối tuần) - Có lẽ còn lâu lắm. Nhà báo Sheila Marikar của kênh truyền hình ABC (Mỹ) cho rằng tương lai của những kênh truyền hình thực tế - reality show - vẫn còn đang gặm nhấm vinh quang trong thời hoàng kim của mình và khi cuộc sống ngày càng mang tính hưởng thụ hơn thì reality show sẽ không bao giờ chết.

Cả thế giới cùng “thực tế”


Dancing With the Stars nằm trong top 10 những show truyền hình ăn khách nhất thế giới

THTT hạ cánh xuống nước Mỹ từ những năm 70 của thế kỷ trước, để thay thế một loạt những thành công vang dội của những chương trình trên sóng phát thanh nhưng đang hết thời, cũng như thay thế những chương trình TV không còn nhiều sức sống. Người châu Âu có sau, hoặc là sinh ra ý tưởng mới hoặc mua lại bản quyền. Châu Á trễ hơn nữa, nhưng hầu hết đều mua lại bản quyền.


Cho đến nay THTT đã đổ bộ ở mọi nơi trên thế giới, chễm chệ trên màn hình ti vi từ những quốc gia vùng Tây Phi (Top Model Ghana) cho đến Đông Nam Á (Big Brother Thailand). Tờ Forbes cho rằng THTT đã nuôi sống ngành truyền hình một cách ngoạn mục và thúc đẩy đời sống văn hóa có ý nghĩa sâu sát hơn. Những kênh âm nhạc danh tiếng như MTV, VH1 phải cảm ơn THTT bởi nếu không họ chẳng biết lấy đâu cho đủ nhạc để phát 24/24. Kênh ABCNews cho rằng có thể có vài chương trình bị phê phán nặng nề về hành vi đạo đức hay dung tục (Katie Price) nhưng chỉ tính riêng từ năm 2000 tới nay nhiều show truyền hình đã thật sự để lại giá trị của mình, thậm chí đặt cả ảnh hưởng của mình lên bề mặt văn hóa đại chúng.

Hai chương trình của người Mỹ, Survivor American Idol mở màn cho kỷ nguyên 21 với những ý tưởng truyền hình mới lạ và hấp dẫn. American Idol 5 năm liên tiếp (2004-2009) trở thành chương trình được nhiều người xem nhất nước Mỹ. Những chương trình THTT sinh sau đẻ muộn như The Amazing Race, America’s Next Top Model, Dancing With The Stars, The Apprentice, Fear Factor hay Big Brother… cũng thành công vang dội ở Mỹ, được kéo dài thành nhiều kỳ liên tiếp và vang xa tới nhiều châu lục khác. Hiện nay chỉ riêng chương trình Top Model của siêu mẫu chân dài Tyra Banks đã phủ khắp 120 quốc gia với khoảng 40 phiên bản riêng biệt (vẫn format gốc nhưng biến đổi cho hợp khẩu vị từng quốc gia).

Ngay như tại Đông Nam Á, người Phillippines đang dẫn đầu về tỉ lệ chương trình THTT khi hàng loạt những show danh tiếng nhất thế giới đều có mặt trên ti vi của họ, như Phillippines’ Next Top Model, Project Runway Phillippines, Pilipinas Got Talent, Pinoy Fear Factor, Survivor Phillippines…

Tuy nhiên, không phải bất cứ đâu THTT cũng len lỏi vào được, nhưng sức mạnh và sự cuốn hút của nó vẫn hiện diện ở khắp nơi. Tại Trung Đông, người ta vẫn có thể xem Model Flat (giống chương trình The Real World của MTV) ở nhiều quầy bar ở Beirut (Libăng). Kênh MBC của Ả rập khi tổ chức cuộc thi truyền hình Who Will Win a Million? đã được rất đông người xem hoan nghênh. Người dẫn chương trình George Kordahi khẳng định phải ít nhất 80% dân Ả rập chờ xem chương trình này. Người ta cũng thống kê 80% dân Libăng tuổi từ 18-35 đã xem Star Academy và có đến 80 triệu cuộc gọi để tìm người xứng đáng cho cho cuộc thi Super Star. Show truyền hình Al Wadi (bản quyền của Pháp: The Farm) đã khiến dân chúng mê mệt khi 14 ngôi sao cùng nhau sống tại một nông trại, cùng vắt sữa bò, ca hát và nhảy múa. Sự gắn kết cuồng nhiệt đó cũng nhờ tính mới mẻ của truyền hình thực tế. Nhưng không phải chương trình nào cũng được thông qua nhanh chóng như vậy. Ở Trung Đông, người ta có thể xem nhiều chương trình THTT nổi tiếng nhưng sẽ không có chuyện nam nữ ở chung phòng, hay các camera cận cảnh phòng tắm hay giường ngủ như vẫn thấy trong các chương trình Big Brother ở phương Tây.


Americas Next Top Model đã có mặt ở 140 quốc gia
Những ước mơ triệu đô

Không khó để lật lại vài vụ scandal mà những người tham gia truyền hình thực tế tố rằng “tưởng vậy mà không phải vậy”. Như vụ Adrianne Curry, người chiến thắng ở mùa đầu tiên America’s Next Top Model đã nói huỵch toẹt rằng phần thưởng cô nhận được không đúng như những lời đã hứa dù BTC đã đảm bảo cô sẽ trở thành người mẫu của Revlon. Rồi nhiều người trong nghề truyền hình cho rằng các kịch bản của các chương trình THTT thực tế đã được lên kịch bản từ trước (chương trình The Hills là một ví dụ). Bên cạnh đó, có nhiều cuộc luận chiến giữa các nhà phê bình, báo chí (Tờ Entertainment Weekly) mổ xẻ xem những chương trình thực tế có “hạ nhục” con người hay không khi lấy sự thất bại của người này làm niềm vui cho kẻ khác.

Nhưng, những ý kiến trái ngược vẫn không ngăn nổi làn sóng người người chen nhau tham gia các cuộc thi truyền hình, bởi đơn giản, ngoài tiền thưởng họ còn có những cơ hội đổi đời.

THTT có khả năng biến một người vô danh thành nổi tiếng cấp quốc gia (chưa kể liên lục địa) chỉ trong một thời gian ngắn. Người ta có thể bỏ tiền mua một tờ lá cải chỉ vì cô đào Kristin Cavallari quá gợi cảm trong bộ bikini quyến rũ. Cavallari nổi tiếng nhờ show Laguna Beach: The Real Orange County, hiện giờ cô là người dẫn chương trình kiêm diễn viên có hạng của Hollywood. Cũng nhờ cuộc thi Survivor: The Australian Outback mà Elisabeth Hasselbeck trở nên nổi tiếng và năm 2003 cô đã ký hợp đồng bạc triệu để đồng dẫn chương trình talk-show The View của kênh ABC.

10 show THTT ăn khách nhất theo bình chọn của tờ Forbes (3/2010)

1. American Idol
2. Two & a half men
3. 24
4. Grey’s Anatomy
5. V
6. Desperate Housewives
7. Dancing with the Stars
8. Lost
9. Survivor
10. CSI: Crime Scene Investigation

Jade Goody, người đình đám với Big Brothers 3 càng nổi tiếng hơn với tự truyện mang tên mình và dòng nước hoa cùng tên bán chạy như tôm tươi. Người ta vẫn nhắc nhiều tới đám cưới nhiều triệu USD của cô (tờ OK mua độc quyền bộ ảnh) vì vài tháng sau đó (2009) Goody qua đời vì ung thư.


THTT không bao giờ chết khi xã hội hưởng thụ ngày càng phát triển. Và những con người của nó cũng sẽ luôn hăng say tham gia chương trình vừa thể hiện được cái tôi của mình vừa thể hiện ý chí vượt khó. Tuy nhiên nhiều người cho rằng tuy THTT không chết nhưng nó phải đối mặt với vấn đề thay đổi, phải luôn thay đổi để tồn tại, kể cả chương trình danh tiếng như American Idol. Quan trọng nhất, linh hồn hồn của các show truyền hình là ý tưởng. Mà ý tưởng cho THTT có phải là những mỏ dầu ngàn năm?

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm