Bài học gì từ vụ tự vẫn của Jang Ja Yeon?

19/03/2009 09:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Khi nữ diễn viên Hàn Quốc Jang Ja Yeon kết liễu đời mình hôm 7/3 bằng cách treo cổ, người ta nghĩ rằng cô bị bệnh trầm cảm nặng, đặc biệt là sau cái chết của cha mẹ vì tai nạn giao thông.
 
Nhưng sau đó Yoo Mo, nguyên là nhà quản lý của cô, gây sửng sốt với tuyên bố nữ diễn viên này bị sát hại. Đồng thời, ông cũng tiết lộ một bức thư dài 12 trang mà Jang gửi cho ông tháng trước.

Jang Ja Yeon

12 trang thư đó không chỉ cho thấy có lẽ Jang Ja Yeon tự vẫn không phải do trầm cảm như ban đầu người ta nghĩ, mà còn tiết lộ một sự thật hết sức xấu xa về nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc: Nhiều nữ diễn viên phải cắn răng chịu “nhục” để duy trì được sự nghiệp của mình, để ký được một hoặc hai hợp đồng mới.
 
Trong thư, Jang có nói rằng cô bị ép buộc phải quan hệ sex với nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trong làng giải trí và đã bị đánh đập khi cô từ chối.
 
Tên tuổi của những người này chưa được công bố trước công chúng, nhưng vấn đề là liệu họ có bị trừng trị hay không? Cảnh sát Hàn Quốc đang tiến hành điều tra ở phạm vi rộng và khẳng định những kẻ có tội sẽ bị đưa ra pháp luật.
 
Thực ra những hiện tượng mà Jang nêu trong thư hoàn toàn không phải là điều mới lạ trong nền công nghiệp giải trí và thậm chí là nhiều lĩnh vực. Các diễn viên nữ không chỉ bị miêu tả là những đối tượng sex trên màn bạc mà còn bị biến thành những nô lệ tình dục cho các nhân vật “tai to mặt lớn”.
 
Hiện tượng này cũng xảy ra ở kinh đô điện ảnh Hollywood, nơi vẫn được cho là không hề thành kiến với phụ nữ. Hầu hết các ngôi sao nhỏ (không tiết lộ danh tính) đều nói rằng nhiều khi họ buộc phải thỏa mãn một số nhân vật mặc dù khồng muốn. Chẳng hạn như các nữ diễn viên Mỹ Kari Wuhrer, Kelly Rutherford, Julia Phillip là những tên tuổi nằm trong số ít người bị buộc phải quan hệ tình dục hoặc bị yêu cầu làm như vậy để làm tăng thanh thế của sự nghiệp và nhận được một hoặc hai bộ phim mới.
Bức thư tuyệt mệnh của Jang Ja Yeon (chưa rõ lý do vì sao bị cháy nham nhở) được công bố trên kênh truyền hình KBS 1

Hiện tượng này còn chiếm lĩnh một phần cuộc sống của các ngôi sao nhỏ trong làng điện ảnh châu Á, như Trung Quốc, Hong Kong và Ấn Độ. Tuy nhiên, chỉ có một số ít nghệ sĩ nữ là dám phơi bày sự thật của nền công nghiệp giải trí. Còn hàng ngàn ngôi sao khác hiện vẫn đang bị những người đàn ông ưa nhục dục lợi dụng thì sao? Họ có dám lên tiếng không?

Jang Ja Yeon chỉ dám lên tiếng cùng với cái chết của mình. Sau khi một số nội dung của bức thư được tiết lộ qua kênh truyền hình KBS 1, công luận cũng nhưlàng giải trí Hàn Quốc thực sự choáng váng. Những điều từ trước tới nay vẫn được coi “chỉ là” tin đồn về các nữ nghệ sĩ bị lạm dụng tình dục bỗng trở thành sự thật phũ phàng...

Đám tang của Jang Ja Yeon

Nên có tổ chức vì quyền lợi của nghệ sĩ nữ trong làng giải trí

Với thực tế đó thì liệu luật pháp có thể giúp gì được cho họ? Việc Hội đồng Thương mại Hàn Quốc đã gửi những mẫu hợp đồng được chuẩn mực hóa tới các công ty là việc làm đáng khen ngợi. Nhưng vấn đề đặt ra là sáng kiến đó có giúp được những trường hợp như Jang? Mọi việc có thể dễ dàng hơn nếu như luật pháp có thể hạn chế được thái độ của những người đàn ông chỉ nhìn nhận phụ nữ là những đối tượng tình dục.

Trong thực tế, các quyền lợi của phụ nữ chưa được cải thiện nhiều. Vì vậy, nền công nghiệp giải trí nên có một tổ chức đại diện cho quyền của phụ nữ. Tổ chức đó là cầu nối giữa Chính phủ và các công ty quản lý nghệ sĩ. Như vậy, các nghệ sĩ nữ có thể bày tỏ nỗi niềm của mình tới tổ chức này và qua đó Chính phủ mới có được hành động nhanh chóng, cương quyết và cần thiết khi có hiện tượng.

Nhưng một tổ chức như vậy phải độc lập với Chính phủ và do nữ giới bình chọn ra. Nếu thiết lập được một đại diện như vậy thì sẽ đảm bảo được quyền bình đẳng của nghệ sĩ nữ trong ngành giải trí và không có tài năng nào bị lợi dụng tình dục.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm