Bài 1: V-League, nhìn từ ghế Trưởng giải

24/08/2008 11:11 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH)- V-League đã bước qua tuổi thứ 8. Thành tựu đạt được mới chỉ dừng lại ở mặt hình thức, tức chiều rộng, còn sự phát triển về chiều sâu, bóng đá chuyên nghiệp VN còn quá nhiều việc phải làm, dù VFF, BTC lẫn các CLB năm nào cũng cắn răng chạy đua để xứng cái danh chuyên nghiệp. TT&VH nhìn lại mùa giải Chuyên nghiệp lần thứ 8, với mong muốn việc chỉ ra những khiếm khuyết sẽ góp phần làm cho việc tổ chức giải năm sau sẽ tốt hơn.

Bài 1: Nhìn từ ghế Trưởng giải

V-League 2008 được coi là một mùa giải nhiều biến cố phức tạp nhất trong tiến trình chuyên nghiệp hoá. Giải có nhiều "sự cố" để đến vòng 18, một sự kiện vô tiền khoáng hậu là VFF phải thay Trưởng giải, còn cuộc chơi chung tưởng phải hoãn lại.

* Loạn khán đài, loạn sân cỏ

Ngay vòng 1, sân Long An bị mất điện đã đẩy BTC vào thế lúng túng. Còn đội khách HA.GL bị đối phương "hành đủ thứ" bởi những động thái rất... loạn của đội nhà!

Vòng 2, sân Hàng Đẫy đã xảy ra cảnh có khán giả xứ Thanh bị CĐV HN.ACB chặn đánh phải khâu đầu. Một biểu hiện của hooligan chẳng những không bị dập tắt ngay vạch xuất phát, mà còn được những người có trách nhiệm, cụ thể là BTC sân Hàng Đẫy lẫn...BTC giải, bào chữa theo kiểu "không nghiêm trọng".

Vòng 4, sân Lạch Tray khán giả đại náo với màn pháo sáng. Vòng 5, tệ hại hơn khi kèm theo những sắc màu pháo sáng là những quả pháo nổ ở Lạch Tray. Thế nên, chẳng lạ gì khi Hải Phòng lập kỷ lục mùa giải này bị phạt tiền 4 lần, 1 lần bị cấm tổ chức thi đấu trên sân nhà. Phải đến khi công an Hải Phòng vào cuộc rốt ráo, "nạn pháo sáng" ở sân Lạch Tray mới được yên phần nào, nhưng khi XM.HP đấu sân khách thì đấy lại là nỗi ảm ảnh với các BTC sân địa phương.

Những màn chửi bới, đốt pháo hay xô xát nhẹ giữa hai bên, một khi không được dập tắt từ đầu đã phát triển lên dạng cao hơn: bạo loạn. Nghiêm trọng hơn, sự thâm thù mang màu sắc địa phương đã có nguy cơ lây lan. Đã có một hình ảnh phản cảm, bị dư luận chỉ trích gay gắt nhất là khi xảy ra loạn, lực lượng an ninh trên sân vô cùng bị động. Thậm chí, nhiều lần ống kính truyền hình lia cảnh người mặc sắc phục thực thi pháp luật nhưng phản ứng rất bàng quan trước xung đột giữa khán giả hai bên.
 
Sự cố trên sân Vinh là vết nhơ của mùa giải năm nay. Ảnh: Nhật Vy

Đỉnh điểm là trận “Xích bích” trên cạn giữa fan XM.HP và TCDK.SLNA ở vòng 18. Một cuộc chiến đã có người chết (xuất phát do xe đội khách tháo chạy) làm rúng động dư luận trong xã hội. Kết quả là Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi "gãy" ghế. V-League sau 8 mùa mới xảy ra sự kiện thay trưởng giải giữa dòng. Cũng lần đâu tiên mới có chuyện dư luận đề nghị tạm hoãn, thậm chí giải tán V-League bởi lý do BTC không đủ năng lực tổ chức, điều hành cuộc chơi chuyên nghiệp.

Tất yếu hay rủi ro?

BTC là người tổ chức cuộc chơi, còn CLB và BTC sân là người tham dự và cùng có trách nhiệm với cuộc chơi. Tiếc rằng mỗi khi xảy ra chuyện, không riêng gì bạo loạn, phản ứng phổ biến nhất là cảnh cả hai đổ trách nhiệm cho nhau một cách quyết liệt.

Đành rằng khi xảy ra bạo loạn, BTC sân phải chịu trách nhiệm trước hết. Nhưng sẽ công bằng nếu như BTC công khai đứng ra chia sẻ, thay vì biện minh đủ thức để nhẹ tội. Trước hết, vì họ là đơn vị chủ quản, buộc phải có năng lực “ngửi” hay dự cảm rằng sân A, B, C có đảm bảo an toàn, đạt tiêu chuẩn thi đấu hay không, từ đó có quyền đình chỉ thi đấu. Họ có một hệ thống giúp việc là đội ngũ giám sát, kiểm định điều kiện sân bãi trước và trong trận đấu. Lâu nay, việc BTC hay các bác GS khả kính xuề xoà cho qua các sân không đủ điều kiện chung là điều ai cũng biết.

Trong Hội nghị bảo đảm an ninh-an toàn cho V-League 2008 hồi tháng 6 (sau sự cố sân Vinh đã xảy ra), bà Nguyễn Thu Nga, Phó Cục trưởng A25 đã “hỏi khó” VFF khi phát hiện một lỗ hổng trong bản Quy chế BĐCN: “Đảm bảo an ninh, an toàn là nhiệm vụ quan trọng trong bất kỳ sự kiện nào, chứ không chỉ riêng các trận bóng đá. Chống bạo lực sân cỏ là trách nhiệm của chúng ta, chứ không phải của riêng ngành thể thao hay ngành công an. Thế nên, tôi hơi lạ là trong những nhiệm vụ của BTC giải được quy định tại điều 44 Quy chế BĐCN lại không có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn trận đấu. Bản thân BTC giải liệu có bao giờ đặt vấn đề là mình đã chủ động phối hợp với BTC các sân và ngành công an trong việc đảm bảo an ninh - an toàn trận đấu hay chưa?".

Biến cố ở sân Vinh đã làm cái ghế trưởng giải "gãy". Nhưng chính cái ghế gãy và sự cố ấy, đã phản chiếu nhiều bất cập, hay nói cách khác, BTC giải chưa theo kịp trong cuộc chạy đua với cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp. V-League đã xảy ra cảnh oái oăm khi một hệ thống văn bản pháp quy của VFF luôn phải điều chỉnh, hoặc vận dụng thiếu nhất quán, không tuân thủ nguyên tắc. Ví dụ, vụ xử cầu thủ Sông Lam thua HN.ACB lượt về bị chỉ trích dữ dội, bởi trước và sau đó, vô số trận cầu kiểu như thế nhưng có bị xử đâu? VFF tuyên an phạt trừ Sông Lam 3 điểm, nhưng sau đó chỉ trừ 1. 4 cầu thủ bị treo giò đến hết giải, thì bất ngờ giảm án cho riêng Huy Hoàng, Hồng Tiến được đá vòng 26. Xử sân Hải Phòng ở V-League, nhưng lộn sang cúp QG. Niềm tin có còn tồn tại khi trọng tài bị các GS ( có thể trên đó nữa) buộc phải “bẻ còi”, bất chấp danh dự và uy tín nghề nghiệp của thuộc cấp.

Mặt khác, dõi theo hành trình suốt mùa giải, dư luận luôn thất vọng trước năng lực giải quyết các sự cố của BTC. Họ luôn thụ động, trông ngóng vào phản ứng của dư luận, mới đưa ra các quyết định...

* * *

Ông Dương Nghiệp Khôi nghỉ, với hy vọng từ nay trở đi không có ai sẽ phải gãy ghế giữa chừng. Thật là khó bởi ngay cả ông, vốn tinh thông các ngõ ngách bóng đá nước nhà, quan hệ tốt còn không giữ được số phận chính trị của mình nữa là. Cả ông TTK đến Phó Chủ tịch VFF đều tháo chạy khỏi cái ghế ấy. Điều đó phản ánh họ vừa sợ, vừa biết chắc nếu mình nhận thì cũng khó có thể làm tốt vai trò một ông Trưởng giải.

Lúc này, không chỉ VFF mà dư luận cả nước đều mong muốn tìm ra một ông Trưởng giải xứng tầm, bắt kịp nhịp đập thời cuộc để không kéo bánh xe chuyên nghiệp đi ngược về vạch xuất phát.

NGỌC HÒA

Bài 2: Nhìn từ Bình Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm