1. Năm ngoái, B.Bình Dương đã giành ngôi vô địch một cách thuyết phục nhất sau 7 năm bóng đá nước nhà lên Chuyên. Họ nắm giữ hàng loạt kỷ lục khi bỏ xa đội đứng thứ nhì ĐT.Long An tới 11 điểm. Họ giành ngôi vô địch sớm bốn vòng đấu, thua ít nhất (ba trận), ghi bàn thắng nhiều thứ nhì (sau ĐT.Long An)...
Còn năm nay, B.BD chỉ hơn á quân ĐT.LA 2 điểm, XM.HP 3 điểm. Kỹ năng phá lưới đối phương thua năm trước 10 bàn. Điểm duy nhất hơn mùa cũ, đó là để thủng lưới ít nhất giải- 18 bàn so với 22 mùa bóng 2007.
Lượt đi, các nhà ĐKVĐ nhạt nhòa giữa những cái tên như Thể Công, XM.HP, thậm chí cả Thép-Cảng. Phải rất vất vả, và nhờ có chiều sâu, cùng tận dụng được thời cơ mấy vòng cuối, họ mới đăng quang trước 1 vòng đấu, trong sự đeo bám quyết liệt của nhiều đối thủ.
Giữa hai năm, về lực lượng B.BD vẫn thế. Có chăng, chỉ một số vị trí đã có dấu hiệu tuổi tác, như Trường Giang, Minh Đức, Trung Tuấn (anh này lượt về bị thải lên HA.GL). Còn lại, trong tay ông Hải “lơ” lúc này vẫn có 5 tuyển thủ QG. Lãnh đạo, Hội CĐV vẫn ủng hộ hết mình. Có nghĩa, họ đang chuyển mình để trở thành một CLB chuyên nghiệp đúng nghĩa.
Chừng ấy để nói, sự nhọc nhằn của B.BD năm nay, tự họ làm mình yếu đi thì thuyết phục hơn.
Một khi biểu tượng của V-league mà họ đã xác lập được mùa 2007, đang bị ... nghiêng dù có phần do họ, thì những lo ngại sau lần thứ 2 lên đỉnh rồi tụt xuống ám người Bình Dương cũng là chuyện dễ hiểu. Đáng lo nhất là nếu HLV Lê Thuỵ Hải, người được coi là điểm tựa của bóng đá Bình Dương, ra đi thì việc “Chelsea VN” duy trì được tư thế đại gia là cả thách thức. Thành tích bóng đá Bình Dương đang ngày càng phụ thuộc vào tài của ông Hải “lơ”, hơn là dàn sao tiền tỷ kia. Một khi đã có trong tay tất cả, bất cứ ông HLV nào đến nắm B.BD lúc này cũng rất khó. Đấy là chưa nói đến việc phải khỏa lấp hình bóng ông Hải, trong tâm trí người Bình Dương.
Lực lượng của B.Bình Dương đã có dấu hiệu xuống sức vì tuổi tác mà Trường Giang (trái) là một ví dụ
Việc nhà vô địch bị thành tích năm cũ bỏ quá xa, cộng thêm cái chu kỳ một đội 2 năm vô địch liên tiếp, rất có thể báo hiệu V-League 2008 sẽ có biểu tượng khác.
HA.GL sẽ trở lại? Chắc chắn nhập cuộc họ sẽ nói điều đó. Vấn đề, chẳng ai tin được với những con người đang có, Gỗ thể làm nên chuyện lớn. Vị trí thứ 7 năm nay càng nói lên sự bất trắc của biểu tượng một thời này. Chẳng lạ gì nếu trong vòng 2 năm tới, Gỗ vẫn chật vật cuộc chiến tốp 5.
Gạch ư? Đây mới là đối thủ đáng gờm. Nếu không có sự rối ren hậu Calisto, không ai khác ngoài họ là đối trọng lớn nhất của B.BD. Hãy điểm lại lộ trình của họ từ khi có tên ở V-league, để thấy sự ổn định và bền bỉ của đội bóng này. Hai năm 2003, 2004, họ đạt HCB rồi đồng. Vô địch liên tiếp các năm 2005, 2006. Năm 2007 và năm nay đều giành ngôi á quân. Có nghĩa 6 mùa, Gạch luôn có mặt trong tốp 3 đội dẫn đầu. Đấy là kỷ lục mà sẽ rất lâu mới có đội xô đổ được.
2. SHB.ĐN cũng để lại dự cảm đáng sợ cho bất cứ đội bóng nào nuôi mộng làm biểu tượng từ mùa giải 2008. Họ là đội bóng bắt đầu có chiều sâu về lực lượng, với sự trở lại của bộ ba Hải Lâm- Quốc Anh- Phước Vĩnh, cùng Huỳnh Đức cầm cương khá tốt. Tiếc rằng, sự thiếu ổn định về mặt tổ chức đầu mùa đã làm họ lỡ hẹn với chiếc cúp năm nay. Với 9 trận bất bại giai đoạn cuối, thầy trò Huỳnh Đức đang để lại một lời thách thức cho các ứng cử viên chức vô địch mùa sau.
Tất nhiên, không thể không nhắc tới XM.HP, đội bóng để lại cá tính nhất mùa bóng năm nay. Một mùa bóng chất vào hành trang của Hải Phòng nhiều bài học quý báu, kể cả kỹ năng để có thể tiếp cận ngôi vua. Tiếc rằng, HLV Vương Tiến Dũng khả năng ra đi rất cao, đấy là khoảng trống rất lớn với bóng đá Hải Phòng. Tương tự là Thể Công, họ cũng đang hội tụ nhiều yếu tố làm nên đội bóng mạnh. Một khi tích lũy thêm kinh nghiệm, các cầu thủ trẻ thế hệ 8X của họ được trả lại sự “trong sáng”, vẫn hy vọng đội bóng này làm nên vinh quang.
Cũng có thể thể thêm một số gương mặt khác, dù bị đánh giá thấp hơn: K.Khánh Hòa, TMN.CSG, TCDK.SLNA. Năm nay, xứ Nghệ đã trình làng một thế hệ tài năng mới. Nghiệt ở chỗ, ý thức hệ của đội bóng này vẫn chưa có gì thay đổi đã bóp chết hoài bão của người dân xứ Nghệ. nếu Sông Lam “trong”, chắc chắn họ không phải nhận vị trí thứ 9 như mùa này. Còn Thép-Cảng và K.KH đã có những chuyển động tích cực hơn hẳn mùa trước.
Như vậy, sự phân hóa ở hai cực V-League đã quá rõ. Nếu giải chuyên nghiệp chỉ đóng khung trong phạm vi 10 đội, chắc chắn tính cạnh tranh sẽ cao hơn rất nhiều so với con số 14 (nghe đâu tương lai gần đến 16 CLB tham dự) như hiện nay. Nhìn cảnh B.BĐ, HP.HN, HN.ACB vắt chân lên cổ chạy đua để rồi nhận bi kịch thì thử hỏi họ chơi chuyên nghiệp mà làm gì.
Nếu lấy B.Bình Dương mùa bóng 2008 làm thước đo, làm hệ quy chiếu, thì đấy là một bước thụt lùi của một biểu tượng, của V-League nói chung.