Bạch tuộc “tiên tri” dưới góc nhìn khoa học

16/07/2010 11:37 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Vào Google, chọn từ khóa Octopus Paul, chỉ trong 0.19 giây, ta sẽ thấy hơn 41 triệu bài viết về chú bạch tuộc đang nổi danh toàn cầu, thậm chí còn nổi tiếng hơn cả đương kim vô địch thế giới Tây Ban Nha! Vậy tại sao Paul được ngưỡng mộ?

Chỉ sau trận Đức – Anh tại Nam Phi 2010, giới truyền thông mới đưa tin rầm rộ nhưng thực ra Paul đã chứng tỏ khả năng “tâm linh” siêu phàm của mình từ lâu. Tại Euro 2008, chú đoán đúng 4/6 trận. Còn tại Nam Phi 2010, chú đoán đúng 8/8 trận, trong đó có cả hai trận thua của Đức (trước Serbia tại vòng bảng và trước Tây Ban Nha tại bán kết) và trận chung kết Tây Ban Nha thắng Hà Lan. Kết quả là khả năng “tiên tri” của chú đạt tới tỉ lệ 12/14, tức 86%, một con số có thể khiến các nhà cái choáng váng!

* Chủ của Paul đoán đúng, chứ không phải Paul    

Sau thành công vang dội của Paul, một số bài viết cho rằng, bạch tuộc rất thông minh (Paul có 3 trái tim, 9 “bộ não”, 8 xúc tu), với trí khôn có thể sánh với cá heo hay chó, vốn được xem là những loài vật thông minh nhất, trừ các loài linh trưởng như khỉ hay vượn. Đây là một nhận định hoàn toàn sai sự thật. Với tư cách là một loài nhuyễn thể, bạch tuộc chưa thể xem là có trí khôn, vì chúng chưa có hệ thần kinh phát triển. Cái gọi là 9 “bộ não” thực ra chỉ là 9 hạch thần kinh. Như một nhuyễn thể, Paul chỉ có thể hành xử theo tập tính. Vậy tại sao chú đoán đúng kết quả các trận đấu, vốn là những đối tượng vượt quá xa “khả năng nhận thức” của chú? Muốn hiểu thực chất, cần xem cách bố trí để Paul “tiên tri”.

Để Paul chứng tỏ “tài năng”, trước trận đấu người ta dùng hai cái hộp giống nhau, mỗi hộp để quốc kì một nước. Cả hai đều có sò, món khoái khẩu của Paul. Khi Paul chọn hộp có quốc kì của một nước, thì đội tuyển nước đó được xem là đội thắng. Kết quả thì toàn thế giới đã biết: Tại Nam Phi 2010, tỉ lệ thành công của Paul là 100%. Vậy sự lừa gạt, nếu có, nằm ở đâu?

Quan sát hình ảnh Paul “tiên tri”, có thể thấy trong hầu hết các trường hợp, chú chọn hộp bên phải. Và đó có thể là một tập tính được rèn luyện sau Euro 2008 không thể xem là thành công.

Bàn luận về Paul, nhiều bài viết dẫn lời một số nhà khoa học khẳng định khả năng của chú có thể là sự thật. Người viết bài này cho rằng, những khẳng định đó thiếu tinh thần phản nghiệm của khoa học. Khác với tín ngưỡng dựa trên sự tin tưởng, khoa học dựa trên sự nghi ngờ và phủ định (biện chứng). Chỉ cần nhìn hai tấm ảnh, một nhà khoa học thực thụ có thể thấy ngay sự không tương đồng giữa hai hộp (cạnh hộp bên phải có hai trái bóng, trong khi bên trái không có). Và liệu có những ám hiệu thị giác hay vị giác khác nữa hay không? Chỉ một nhóm chuyên gia có thẩm quyền và khách quan mới có thể khảo sát và kết luận chính xác.

Trung tâm triển lãm sinh vật biển Oberhausen quá khôn ngoan khi cho Paul nghỉ hưu trong vinh quang, cho dù đó chỉ là cái vinh quang được bài trí. Người viết rất khâm phục những người bố trí thí nghiệm. Chính họ, chứ không phải Paul, đã đoán đúng 8/8 trận đấu tại Nam Phi 2010.

Và sự khâm phục càng tăng gấp bội khi họ cho Paul nghỉ hưu không thể kịp thời hơn. Chuyện gì sẽ xẩy ra khi Paul tiếp tục thành công vang dội? Chắc chắn Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI (Committee for Skeptical Inquiry) sẽ vào cuộc. Được thành lập năm 1976 với tên gọi ban đầu Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố về hiện tượng dị thường CSICOP (Committee for the Scientific Investigation for Claims of the Paranormal), CSI là nỗi kinh hoàng của các nhà ngoại cảm và tâm linh. Với những tên tuổi các nhà khoa học từng lừng danh, trong đó nhiều người từng đoạt giải Nobel, CSI đã bác bỏ mọi hiện tượng dị thường từng được ủy quyền khảo sát. Hiện CSI treo thưởng nhiều triệu đô la Mỹ cho bất cứ ai thực hiện được một hiện tượng lạ (như khả năng tiên trị của Paul) trước một nhóm nghiên cứu có thẩm quyền. Khi CSI vào cuộc, chắc chắn sự thật sẽ được phơi bày.

Tại sao Paul đạt tới vinh quang?

Đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta muốn tin. Người viết từng nhiều lần khẳng định, con người là loài động vật thích nghe và dễ tin những hiện tượng dị thường. Và đó là bản chất sinh học do được chọn lọc tự nhiên khuyến khích qua hàng triệu năm tiến hóa. Vì muốn tin nên chúng ta chỉ chú ý tới các chi tiết khẳng định mà không quan tâm tới các chi tiết phủ nhận một hiện tượng “dị thường” nào đó. Đó cũng chính là nội dung của định luật Blackmore thứ nhất: “Khát vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người lớn hơn mọi chứng cớ phản bác”!

Cần lưu ý rằng, trong số các hiện tượng dị thường, tiên tri là loại hình được ưa thích nhất. Điều đó thực ra rất dễ hiểu. Con người là loài động vật duy nhất biết quy hoạch tương lai nên tiên tri là một nhu cầu cấp thiết. Mà vũ trụ vốn dĩ không thể tiên tri cả về nguyên lý (tính bất định Heidelberg) và về thực hành (vũ trụ phức tạp hơn mọi công cụ tính toán khả dĩ), nên nếu có một loại hình đơn giản cho phép tiên đoán tương lai, chúng ta có xu hướng tin một cách thiếu phê phán. Tử vi, chiêm tinh, chỉ tay, bói chân gà hay bói mai rùa được tin tưởng là vì vậy. Bạch tuộc Paul, vẹt Singapore… là những minh chứng mới cho cái nhu cầu đầy tính người đó.

Tiếp theo là nhu cầu thông tin của quần chúng mà giới truyền thông phải tìm mọi cách thỏa mãn. Tiếp nữa, và có thể chưa phải là cuối cùng, là sự mưu lợi khôn ngoan của đơn vị chủ quản chú bạch tuộc. Quái vật hồ Loch Ness, Vùng 51 (được cho là nơi đĩa bay rơi năm 1946)… đã mang lại nhiều triệu đô la cho những địa danh và những người đã tạo ra các huyền thoại đó, tại sao Paul không thể làm được điều tương tự?

Nói một cách ngắn gọn, Paul nổi danh vì con người muốn như vậy.

Đại tá TS Đỗ Kiên Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm