15/10/2012 13:30 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Đã có gần 50 bài báo của nhiều báo viết ca ngợi ông Cao Văn Tuế, một bác “thợ cạo” kiêm tổ trưởng tổ dân phố và kiêm nhà văn với những nét tài hoa của người Hà thành. Sau 15 năm từ ngày ra cuốn sách đầu tiên, giờ đây, ở tuổi ngoài 80, cuốn sổ tay bỏ túi Những dòng tâm thức gồm 300 câu châm ngôn tinh lọc của ông lại vừa được NXB VH-TT ấn hành.
Cuốn sách (khổ 9x13cm) xếp thành 10 chủ đề như: Khôn dại; Giao tiếp ứng xử; Con người và xã hội; Tầm nhìn và bản lĩnh; Bài học đường đời...
“Những viên ngọc của nghệ sĩ dân gian”
Ông Hoàng Giai, nguyên Trưởng khoa Thiếu nhi, Trường Đoàn Trung ương (nay là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), người bạn tri kỷ của ông Cao Văn Tuế trong bài viết về cuốn sách cho rằng việc xuất bản cuốn sổ tay này nhằm “để những câu châm ngôn - quý như những viên ngọc của nghệ sĩ dân gian Cao Văn Tuế đến được với mọi người và được ứng dụng vào trong cuộc sống”.
Những câu châm ngôn do ông Cao Văn Tuế sáng tác rất bình dị, ngỡ như vừa được xuất khẩu ở một nơi nào đấy quanh ta. Chúng không cao siêu chữ nghĩa mà dễ hiểu và vẫn có tính thâm trầm triết học, dễ đi vào lòng người đọc như: “Yêu ai chớ nên yêu hết/Ghét ai chớ ghét tới cùng”; “Lừa bằng trí là mẹo lừa bậc thầy/ Lừa bằng tâm là mẹo lừa bậc thánh”...
Hoặc câu “Nói thật nhưng chớ nói hết”. Theo nhà văn Xuân Cang: “Đó là kinh nghiệm ngay trong cuộc phê bình trên báo chí thời đổi mới chúng ta. Cần nói ra sự thật nhưng chỉ nên vừa đủ thành sự thật, không thể phơi bày tất cả, thảm họa sẽ sinh ra từ đó”.
Quyển sách bỏ túi Những dòng tâm thức của ông Cao Văn Tuế do NXB VH-TT vừa ấn hành |
Hoặc “Giỏi nói thì nhiều, khéo nói thì ít”- Người nói giỏi trên đời này rất nhiều, nhưng bạn có thấy không, khi ta cần một câu nói khéo thôi, làm siêu lòng đối phương ngay lập tức, sao mà khó thế. Và tìm người có lời nói khéo sao hiếm thế.
Ông Cao văn Tuế còn có câu: “Học thành người nói giỏi, học sao thành người nói khéo”. Hoặc “Người chê ta về đạo đức, ta cúi đầu; Người chê ta về trí tuệ ta mở mắt”. “Câu hỏi uyên bác làm cho người trả lời nổi tiếng” (Nhà báo nên biết câu này). “Người tướng giỏi không chịu thua nhưng phải biết về sự thất bại” (Nhà quân sự nên biết câu này). “Gặp người khôn chớ để hở, tiếp người tinh chớ để hớ” (Nhà ngoại giao nên biết câu này)...
Hoặc những câu: “Nói viển vông, phí một lúc/ Làm viển vông, phí một đời; Người trồng cây không nghĩ đến ngày hái quả đó mới thực là trồng cây; Người già mọi cái co lại, riêng cái mồm là rộng ra; Học cưỡi ngựa, mấy ai học cách ngã ngựa; Mọi sự va chạm đều thành sẹo; Luôn thấy cái mới ở nhau thì ít khi chán nhau…”.
Những câu châm ngôn dễ hiểu, dễ nhớ này đều đã trở nên nổi tiếng và ngày càng được dân gian sử dụng như một sự tinh tế trong lời ăn tiếng nói, trở thành phương châm sống, phép đối nhân xử thế với đời.
Câu châm ngôn ông tâm đắc nhất để thường xuyên nhắc nhở bản thân và góp phần khuyên răn người đời: “Chê người mà được thưởng là gặp thánh. Khen người mà bị phạt là gặp thần”…
Ông Cao Văn Tuế đang cắt tóc cho khách là bạn già cao niên |
Bác thợ cạo tài hoa
Ông Cao Văn Tuế là hậu duệ của Thánh thơ Cao Bá Quát. Ông sinh ra ở một làng quê có truyền thống khoa bảng nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa - làng Phú Thị - hay còn gọi là Làng Sủi thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Làng quê này từng sản sinh ra 10 vị tiến sĩ được ghi tên trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Lớn lên, khi học hết tiểu học, do nhà nghèo, ông Cao Văn Tuế đi làm nghề cắt tóc từ khi 15 tuổi đến nay đã có thâm niên “vít đầu, vít cổ thiên hạ” hơn 60 năm.
Ông là con rể của phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, được bà con tổ 29 tin yêu, mến trọng bầu làm tổ trưởng dân phố gần 50 năm liên tục, một kỷ lục hiếm có người tại vị “tổ trưởng” lâu như vậy.
Từ khi qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, mắt ông sáng trở lại và không phải đeo kính. Cắt tóc là niềm đam mê của ông ngay từ thuở thiếu thời. Đối với ông“ Cắt tóc - Tổ trưởng dân phố - Viết văn” là bộ ba “xe- pháo- mã” đưa ông đến thành công về sự nghiệp văn chương.
Xứng đáng là kỷ lục gia
Ông Cao Văn Tuế khiêm tốn gọi những câu châm ngôn đó là Những dòng tâm thức và đã được NXB VH-TT in thành sách năm 1995 với tên gọi Tâm Văn.
Họa sĩ Vũ An Chương, nguyên Giám đốc NXB VH-TT nhận xét về ông Cao Văn Tuế trong phim tài liệu Tay cắt tóc óc hành văn rằng: “Nhưng cái đặc biệt của ông Cao Văn Tuế là ông không đi vào cái gì cao siêu, triết lý một cách khó hiểu hay dùng những từ phức tạp... Ông kế thừa được cách nói của dân gian. Những câu thành ngữ , tục ngữ dân gian họ nói rất mộc mạc. Ví dụ câu châm ngôn Gây chữ tín một đời, xóa chữ tín một lúc. Nói rất ngắn gọn, tưởng như ai cũng có thể nói được. Thế nhưng mà khi ông Tuế nói thì nó đúng lúc đúng chỗ”.
Với sự đóng góp xuất sắc, độc đáo đó, đồng nghiệp ở Tạp chí Vanhien.vn đã vừa làm đề nghị Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) xét công nhận ông Cao Văn Tuế lập kỷ lục là người Việt Nam đầu tiên viết châm ngôn nhiều nhất.
Vũ Xuân Bân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất