23/12/2012 06:18 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Dù bệnh tật đã lâu, nhưng bác sĩ Trương Thìn vẫn “rong vui” cùng thơ, nhạc họa đầy lạc quan. Ông được mệnh danh là “người tìm thuốc trong nghệ thuật” đã vĩnh viễn ra đi lúc 18h55 ngày 20/12 tại nhà riêng.
1. Gần 10 năm trước, bác sĩ - nghệ sĩ Trương Thìn phải trải qua cơn mổ tim thập tử nhất sinh. Khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi tuần ông lại phải chạy thận hai lần. Thế nhưng, gặp ông ngoài đời không ai nghĩ vị bác sĩ - nghệ sĩ này lại sống chung với nhiều loại bệnh nan y như vậy.
Trên gương mặt ông luôn nở nụ cười. Ở nhà ông cặm cụi vẽ tranh, đến chỗ bạn bè ông đọc thơ và hát. Không ai nghĩ ông có thể ra đi trong khi niềm vui sống vẫn luôn dâng trào.
Nhưng hơn ai hết ông là một bác sĩ danh tiếng và hiểu rất rõ cơ thể của mình. Trương Thìn quan niệm: “Sức khỏe của cơ thể là do “trời ban”, có người được trời “ban nhiều” nên cả đời không bệnh đau, có người được “ban ít” nên bệnh tật liên miên. Bệnh của cơ thể không đáng ngại bằng bệnh tật tâm hồn, muốn chữa bệnh trong tâm hồn không liều thuốc nào bằng nghệ thuật. Chính nghệ thuật làm cho tuổi thọ kiếp người được tăng thêm, đời sống kiếp người phong phú hơn. Hiểu một nghĩa nào đó, cái đẹp của nghệ thuật làm cho con người sống ý nghĩa hơn, nhiều trường hợp bất tử”.
2. Vậy thơ, nhạc, họa của bác sĩ Trương Thìn có “giá trị chữa tâm bệnh” đến đâu?
Nếu ví mỗi tác phẩm nghệ thuật như một liều thuốc thì mỗi loại “tâm bệnh” cần một loại “biệt dược” khác nhau. Thơ, nhạc và họa của bác sĩ Trương Thìn không mong sẽ thành loại “thần dược” chữa được bách bệnh. Nhưng với chính mình, nghệ thuật của Trương Thìn chữa được bệnh của chính ông. Sức khỏe của Trương Thìn chính là niềm vui và “thuốc” nghệ thuật đã mang đến cho ông niềm vui đó.
Trương Thìn đã tự “tìm thuốc trong nghệ thuật” được khoảng 40 tập thơ, 40 tập nhạc còn tranh thì không đếm hết. Riêng nhạc, ông đã phổ Truyện Kiều thành 4 bản Kiều ca, trong đó có “hậu Kiều” Đoạn trường vô thanh dài hơn 3.000 câu lục bát của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Những tập sách cuối cùng của ông có thể kể: trường ca Mấy cõi rong vui và mới nhất là tập Dạ khúc trăng thơm gồm tranh, thơ và nhạc được Trương Thìn sáng tác từ cảm hứng thơ của Bích Khê, Hàn Mặc Tử.
Với Dạ khúc trăng thơm (NXB Văn học), có lẽ Trương Thìn muốn thông qua thơ Hàn Mặc Tử (mất vì bệnh phong) và Bích Khê (mất vì lao) để phần nào gửi gắm nỗi đau của con người trong vòng sinh - lão - bệnh - tử.
TRẠC TUYỀN
Thể thao & Văn hóa
Bác sĩ Trương Thìn sinh năm 1940 tại Huế, ông từng là Trưởng đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” những năm 1966 - 1975. Trong ngành y, bác sĩ Trương Thìn từng giữ chức Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Viện trưởng Viện Y dược học TP.HCM, Chủ nhiệm bộ môn Y học cổ truyền ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Đông y và Hội Châm cứu TP.HCM. Ngoài áp dụng nghệ thuật vào chữa bệnh, ông còn áp dụng Đông y vào cai nghiện ma túy và là tác giả của trường phái châm cứu đặc biệt được phổ biến trong hơn 30 năm nay. Linh cữu bác sĩ Trương Thìn hiện được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3) và đưa đi hỏa táng lúc 6g30 ngày 24/12 tại Bình Hưng Hòa. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất