Bắc Ninh hết lòng đãi ngộ nghệ nhân Dân ca Quan họ, giữ vẹn nguyên nét đẹp vùng Kinh Bắc

21/10/2024 16:35 GMT+7 | Văn hoá

Ngay sau khi Dân ca Quan họ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản. 

Nổi bật là việc ban hành nhiều chính sách đối với các nghệ nhân và các làng Quan họ, qua đó, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của tỉnh đối với việc giữ gìn hồn cốt, tinh hoa văn hóa của quê hương, dân tộc. Bắc Ninh là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước thực hiện tôn vinh và có chế độ đãi ngộ nghệ nhân.

Các nghệ nhân Dân ca Quan họ trên địa bàn phường Thị Cầu trong một buổi sinh hoạt tại Nhà chứa Quan họ.

Đến nay, UBND tỉnh phong tặng 156 nghệ nhân Dân ca Quan họ. Chủ tịch nước phong tặng 09 nghệ nhân nhân dân, 37 nghệ nhân ưu tú, 02 nghệ sĩ nhân dân, 17 nghệ sĩ ưu tú.

Bắc Ninh đi đầu thực hiện cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân Dân ca Quan họ - Ảnh 1.

Du khách thưởng thức Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Đối với 156 nghệ nhân Dân ca Quan họ được tỉnh cấp Bằng công nhận của Chủ tịch UBND tỉnh, kèm theo tiền thưởng một lần bằng 07 lần mức lương cơ sở và các chế độ kèm theo gồm: hưởng số tiền trợ cấp hàng tháng bằng 01 lần mức lương cơ sở; hỗ trợ mức phí tham gia Bảo hiểm y tế hàng năm; hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước.

Đối với danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", "Nghệ nhân nhân dân" được Chủ tịch nước phong tặng (mà nhà nước không có chế độ đãi ngộ) thì được áp dụng thụ hưởng một mức (một lần) chế độ đãi ngộ của tỉnh. Cụ thể, danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", được hưởng số tiền trợ cấp hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở; hỗ trợ mức phí tham gia Bảo hiểm y tế hàng năm; hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước. Với danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", được hưởng số tiền trợ cấp hàng tháng bằng 2 lần mức lương cơ sở; hỗ trợ mức phí tham gia Bảo hiểm y tế hàng năm; hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cũng có những hình thức tôn vinh, động viên các nghệ nhân, nghệ sĩ, tiêu biểu như Quỹ Phạm Văn Trà…

UBND tỉnh công nhận 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ làng Quan họ, câu lạc bộ Quan họ hằng năm với mức hỗ trợ: Làng Quan họ gốc là 30 triệu/làng/năm; làng Quan họ thực hành là 20 triệu/làng/năm; câu lạc bộ Quan họ ngoài tỉnh 20 triệu/ câu lạc bộ /lượt thăm.

Trong giai đoạn 2009 – 2024, tỉnh Bắc Ninh đã dành nhiều kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, trang thiết bị liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ. Trong đó, gồm: quần thể văn hóa khu Thủy tổ Quan họ Bắc Ninh, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh; 06 chòi hát Dân ca Quan họ trên khuôn viên di tích đồi Lim (huyện Tiên Du); 11 Nhà chứa Quan họ - thiết chế văn hóa đặc thù riêng có của người Quan họ; đầu tư trang thiết bị cho 45 câu lạc bộ Quan họ thuộc 44 làng Quan họ gốc. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh các hình thức sinh hoạt văn hoá ở cộng đồng và tăng cường hoạt động giao lưu giữa các địa phương, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Giữ vẹn nguyên Văn hóa Quan họ, nét đẹp vùng Kinh Bắc

Từ xa xưa, dân ca quan họ đã là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Đây là những làn điệu dân ca đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ - thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Đến nay, có ít nhất 300 bài (giai điệu) quan họ đã được ký âm gồm những đoạn thơ, bài thơ, chủ yếu là thể lục bát do các nghệ nhân quan họ truyền thống bàn giao cho các nhà sưu tầm lưu giữ.

Nét độc đáo của Quan họ Bắc Ninh chính là ở sự hoà quyện tuyệt diệu giữa giai điệu và lời ca, giữa trang phục truyền thống độc đáo gắn với cách ứng xử văn hóa của các liền anh, liền chị. Trang phục quan họ không chỉ thể hiện tính nghệ thuật thẩm mỹ, là hình thức bên ngoài mà nó còn bao hàm cả chiều sâu văn hóa của người Quan họ - Bắc Ninh. Quan họ mang trong câu hát nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc nên đã trở thành một "đặc sản văn hóa" luôn thu hút và gây ấn tượng mạnh ở nơi đây. Dân ca quan họ tuy không ồn ã, náo nhiệt, nhưng lại là một nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác và vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần không chỉ ở Bắc Ninh mà còn vang danh quốc tế.

So với các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác như hát xoan, hát ghẹo, hát chèo, hát ca trù, hát ví dặm, tuồng, cải lương, ... thì hát quan họ có thời gian tồn tại lâu đời nhất (tuổi thọ hàng ngàn năm). Điều đó đã chứng minh hát quan họ là một nét văn hóa bản địa không những không bị phong kiến phương Bắc đồng hóa, đánh mất, mà ngược lại vẫn phát triển nhờ bản sắc riêng và sức sống của nó trong lòng người dân vùng Kinh Bắc.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ, hiện nay Bắc Ninh có tất cả 44 làng duy trì được lối chơi văn hóa quan họ với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã, mang nét đẹp riêng, vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam. Kho băng ghi âm quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Ngày nay, dân ca quan họ đã phát triển và hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn. Các làn điệu quan họ ngày càng phong phú và có phong cách riêng.

Nền văn hóa quan họ là do các lối chơi quan họ của cộng đồng xây dựng nên, luôn luôn được cộng đồng sàng lọc trong dòng chảy lịch sử. Việc khôi phục và bảo tồn những tinh hoa, bản sắc độc đáo, đậm đà nhất trong nền văn hóa quan họ là phải khôi phục và bảo tồn kho tàng bài bản của quan họ, cách hát, kỹ thuật hát quan họ (quan họ cổ) và cuối cùng là lối chơi quan họ.

Quan họ truyền thống hát không nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; còn hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ. "Chơi quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức, thưởng thức "cái tình" của bạn hát.

Dù cuộc sống ngày càng đô thị hóa, nhưng bây giờ về miền quan họ, bạn vẫn thấy mỗi làng quê, mỗi gốc đa, mái đình, bến nước, dòng sông vẫn ẩn chứa tình người quan họ. Và dù thời gian có trôi đi, thì câu quan họ vẫn được truyền từ đời này sang đời khác. Sức sống bền bỉ, trường tồn của những canh quan họ, của những câu hát trao gửi vẫn thu hút và tạo ấn tượng bền sâu với du khách.

Đến với Bắc Ninh, ngoài việc được hòa vào không khí văn hóa quan họ, bạn còn được những liền anh liền chị mời miếng trầu têm cánh phượng như trong truyện cổ của cô Tấm xinh đẹp. Bên cơi trầu, cuộc sống và văn hóa quan họ xứ Kinh Bắc càng đậm đà bản sắc, thấm đượm tình người. Và cho đến khi bạn ra về, tạm biệt Bắc Ninh, chia tay với các liền anh, liền chị, bạn vẫn thấy vị trầu nồng đượm, giai điệu da diết, ngọt ngào của bài hát "Người ơi, người ở đừng về" níu bước chân.

Thảo Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm