25/04/2011 07:30 GMT+7 | Văn hoá
Nhiếp ảnh nude - Khi nghệ thuật lên tiếng Nhiếp ảnh nude (khỏa thân) bắt đầu từ lúc nào chưa ai xác định được nhưng chắc chắn phải tính từ ngày chiếc máy ảnh được ra đời. Máy ảnh ra đời, thay đổi cuộc sống của nhân loại và thay đổi cả thói quen lưu giữ lại những bức hình (vốn trước đây được hội họa nắm giữ). Nude, thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật, cũng nằm trong dòng chảy của lịch sử nhiếp ảnh. Trào lưu với sự xuất hiện bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng trở thành một xu thế mới và phân chia rất nhiều nhánh khác nhau.
Chuyên đề kỳ này, TT&VH Cuối tuần mời bạn đọc tìm hiểu thêm về lịch sử nhiếp ảnh khỏa thân nghệ thuật, một đánh giá về nude qua cách nhìn của nhạc sĩ - cũng là tay máy, Quốc Bảo và một câu chuyện bức ảnh khỏa thân huyền thoại qua phần phân tích của nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan. Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG |
(TT&VH Cuối tuần) - Trong lịch sử của loài người từ thuở hoang sơ, hình ảnh cơ thể con người đã là một yếu tố luôn gắn bó mật thiết với sinh hoạt cộng đồng. Ngày nay ta có thể dễ dàng tìm thấy những tranh vẽ rất thô sơ hay hình nổi trên đồ gốm cổ đại các cảnh khỏa thân. Khi hội họa tiến thêm một bước dài, giúp cho khả năng ban đầu là ghi chép rồi tiến tới thể hiện cuộc sống một cách sinh động hơn, ta lại càng có thêm nhiều tư liệu chính xác về xã hội loài người trong từng giai đoạn lịch sử mà điều luôn nhận thấy là sự quan tâm tới bí mật của cơ thể con người cùng với việc thần thánh hóa nó.
>> Chuyên đề: Nhiếp ảnh Nude - khi nghệ thuật lên tiếng
Nghệ thuật hay trần tục?
Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, nhà thờ là nơi tôn nghiêm nhất, tối kỵ nhất với những gì “trần tục”, thế nhưng ta lại có thể tìm thấy ở nơi đây các tranh vẽ mang màu sắc tôn giáo với các thiên thần khỏa thân. Hội họa châu Âu thế kỷ 17, 18 đã làm nở rộ những tài năng, để lại cho hậu thế những tuyệt tác không gì sánh nổi, trong đó một phần lớn các tác phẩm tập trung vào đề tài minh họa các huyền thoại. Tại đây, một lần nữa ta lại bắt gặp những hình ảnh khỏa thân đầy quyến rũ.
Châu Á cũng không phải là ngoại lệ, nếu như bạn biết rằng người Ấn Độ rất nổi tiếng với bộ sách Kamasutra và người Nhật lừng danh với các tranh in “phòng the” mà kỹ thuật thể hiện của chúng đã đạt tới một độ tinh tế khó sánh nổi. Việc phân biệt đâu là tác phẩm nghệ thuật không hẳn dễ dàng.
Như vậy hình ảnh khỏa thân đã và luôn là một đề tài hấp dẫn và tế nhị trong nhiều bộ môn nghệ thuật của nhân loại. Trong đó có nhiếp ảnh nghệ thuật. Ngày nay chúng ta khó có thể hình dung lại được chính xác cú sốc do kỹ thuật nhiếp ảnh gây nên khi nó mới ra đời tại châu Âu. Thời ấy người ta đã quá kinh ngạc trước khả năng ghi lại một cách trọn vẹn và chính xác như thật của phim ảnh. Tuy nhiên nhiếp ảnh đã không được giới nghệ sĩ chào đón ngay như một công cụ của sáng tạo. Lĩnh vực ảnh khỏa thân đáng tiếc lại được bắt đầu với “chợ đen” của ảnh “khiêu dâm” - “pornographie” dành cho các nhà quý tộc lắm tiền. Nói như Alain Fleischer thì các ảnh “porno” này đã nghiễm nhiên tạo ra một loại “giá trị hình ảnh” tồn tại song song với “giá trị tiền tệ”.
Một tác phẩm hội họa của Eugène Delacroix (phải) lấy từ nguyên mẫu ảnh chụp khỏa thân (trái) |
Không biết danh tính của người mẫu và cũng không thật sự quan tâm đến nó, điều gây ấn tượng mạnh nhất là dáng ngồi quay lưng với tất cả những cảm xúc về tò mò, khêu gợi, ngây thơ, trong trẻo… mà tất cả những cảm xúc này đã đạt tới một độ cân bằng đáng khâm phục. Tuy nhiên Eugène Durieu và Eugène Delacroix đã không chụp người mẫu như một tấm ảnh khỏa thân nghệ thuật mà mục đích của nó dành cho các tranh vẽ của Eugène Delacroix. Trong một loạt các tấm ảnh thể loại này ta có thể tìm thấy người mẫu nam và nữ với các tư thế, bố cục mang đậm dấu ấn của hội họa.
Vượt qua định kiến
Nhiếp ảnh khỏa thân nghệ thuật của thế giới đã và luôn phải chịu đựng tất cả những định kiến, những hà khắc về quan niệm đạo đức, các đòi hỏi khắt khe của nghệ thuật… để có thể được chấp nhận như một sáng tạo nghệ thuật. Điều này không phải là mới, nếu như quay ngược dòng lịch sử của hội họa thì cũng sẽ gặp những bức tranh đầy “tai tiếng” mà ngày nay chúng được coi như những kiệt tác của nhân loại. Danh họa người Tây Ban Nha Francisco Goya với tác phẩm Maja Denuda (Cô gái khỏa thân), mà ông đã lấy người tình của mình làm mẫu, là một ví dụ. Sự xuất hiện của kiệt tác này đã gây một cú sốc mạnh thời ấy khi mà định kiến trong sáng tác hội họa đã không thể chấp nhận một tư thế bố cục táo bạo đến nhường ấy. Thế nhưng cái đẹp thật sự cuối cùng đã thắng, tài năng của Goya đã được khẳng định khi ta có thể cảm thấy trong bức tranh, vượt lên trên hết tất cả mọi đường nét quyến rũ của thân thể, là sự tinh khiết và trong trắng.
Nữ vận động viên thể hình Lisa Lyon trong một bức ảnh của Robert Mapplethorpe (1982). Chùm tác phẩm quan trọng nhất của ông là về các nhà vô địch thể thao nữ, thể hiện hình ảnh người phụ nữ hiện đại, ý thức được rất rõ về thân thể mình |
Sẽ rất thú vị và bổ ích nếu có thể biết được quá trình vận động và phát triển của thể loại ảnh nghệ thuật đầy khó khăn này trên thế giới. Tên tuổi lớn đầu tiên phải kể đến là Man Ray, không những là cha đẻ của rất nhiều tư duy sáng tạo, kỹ thuật thể hiện mà các tác phẩm “nu” của Man Ray đã thật sự đạt tới một đỉnh cao trong nghệ thuật.
Một tấm hình khác, mang tính sự kiện bên cạnh sự quyến rũ của nó, là tác phẩm Corset Mainbocher của Horst P.Horst vào năm 1939. Cần biết rằng vào những thập kỷ đầu thế kỷ 20 này các bác sĩ đã khẳng định tác hại đến sức khỏe của loại áo bó mà phụ nữ vẫn hay dùng. Coco Chanel là một trong những người đầu tiên phản đối kịch liệt kiểu trang phục rất khó chịu ấy. Một tấm ảnh khỏa thân “nu de dos” nhưng dưới một góc nhìn hoàn toàn mới lạ.
Nhà cách mạng của ảnh khỏa thân nghệ thuật chính là Helmut Newton (ngoài ra cũng có thể kể đến Jean-Loup SIEFF với phong cách hoàn toàn khác biệt) mà cách thể hiện của ông đã gây một tiếng vang không kém gì bức tranh Maja Denuda của F.Goya. Cũng một góc nhìn trực diện, cũng một cảm xúc trực tiếp, người xem cảm nhận tấm ảnh bẳng tất cả các giác quan của mình được chuyển tải bởi cái nhìn. Hai tấm ảnh khổ lớn đặt cạnh nhau, cũng vẫn những người phụ nữ ấy, một bên với trang phục và một bên hoàn toàn khỏa thân. Người xem hoàn toàn bị chế ngự bởi nhiều cảm xúc khác nhau mà ấn tượng mạnh nhất là cảm thấy những đường nét tuyệt vời ấy đang tiến thẳng lại chỗ mình.
Helmut Newton được xếp vào loại nhiếp ảnh gia “khiêu khích” thế nhưng người thật sự gây sóng gió trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20 lại là Robert Mapplethorpe. Chùm tác phẩm quan trọng nhất của ông là về các nhà vô địch thể thao nữ, thể hiện hình ảnh người phụ nữ hiện đại, ý thức được rất rõ về thân thể mình.
Rõ ràng ảnh khỏa thân nghệ thuật là một trong những loại hình sáng tạo quan trọng của nhiếp ảnh hay nói rộng hơn là một hình thức thể hiện của nghệ thuật nhân bản. Ranh giới duy nhất giữa ảnh “nghệ thuật” và “khiêu dâm” theo Alain Fleisher: “Càng có nhiều nghệ thuật thì sẽ ít tính khiêu dâm” (“Plus il a d’art et moins il y a de pornographie”).
Bài 2: Ba đoạn rời về ảnh khỏa thân
Người Thăng Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất