Bài cuối: Phù thuỷ của những chiếc xe đạp cũ

08/12/2008 09:27 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong loạt bài về những người thợ ngồi ở vỉa hè Hà Nội tôi vốn định viết về một người thợ sửa yên xe đạp, ở gần Chợ Giời, nơi tập trung buôn bán lâu năm và có rất nhiều thợ “mông má” xe đạp.

>>>
Bài 2: Chuyện của người con thợ đóng giày cho vua Bảo Đại
>>>
Tài hoa vỉa hè Hà Nội

Tuy nhiên, khi tìm đến được người thợ sửa yên xe có nghề đến 3 đời thì được biết, người ta không còn sửa yên xe đạp nữa, bởi vì giờ đây, rất ít người đi xe đạp, mới lại, chả còn ai muốn chữa yên.


Từ thợ sửa ô tô chuyển nghề sửa xe đạp

Tuy nhiên, không muốn tôi thất vọng, người thợ sửa yên xe đã giải nghệ mấy năm nay giới thiệu, vẫn còn một người làm nghề sửa xe có thâm niên hơn 20 năm, ngồi ở một góc vỉa hè ngõ Bà Triệu. Hắn tên là Tuấn “điếc”.


Một dáng vẻ gầy gò khác, nhưng không phải là khắc khổ, thậm chí, tôi không nhận thấy vẻ lam lũ trên gương mặt của người thợ vỉa hè. Tuấn không bị sạm nắng bởi thời gian chường mặt ra đường, có thể bởi nước da của anh không bắt nắng, hoặc cũng có thể do anh làm việc đúng giờ giấc, đúng thời gian nên gương mặt không bị sương gió làm cho già trước tuổi.

Buổi sớm lạnh, Tuấn đi làm hơi muộn: “Tôi vừa uống cà phê về, thường sớm thì ít khách nên sau khi ăn sáng xong, trước giờ đi làm tôi hay uống một li cà phê cho tỉnh táo rồi mới ra chỗ làm - Tuấn vừa nói về việc đến nơi làm muộn vừa gọi thêm một chén nước chè vừa thủng thẳng: “Trước đây tôi làm thợ khuôn bậc 3 tại xí nghiệp lắp ô tô nhưng những năm sau bao cấp khó khăn nên tôi xin về một cục, lấy một chút tiền làm vốn rồi đi sửa xe đạp nuôi vợ con. Lúc đầu mới làm nghề thì cũng tốt, nhưng dần dần xe đạp không còn là phương tiện chính của người dân thủ đô nữa nên việc cũng ít đi, giờ chỉ còn những mối khách rất quen, chủ yếu là khách trong chợ Giời ra, nên may, vẫn còn có việc làm và thu nhập”.

Tôi hỏi, có rất nhiều người làm thợ sửa xe đạp đã bỏ hoặc chuyển nghề, tại sao anh vẫn kiên trì làm công việc không có gì mới mẻ này? Tuấn bảo, tôi không muốn chuyển đổi nghề nhiều lần, trong đời cũng đã có lần thay nghề nghiệp rồi nên giờ cũng không muốn thay lần nữa. Hơn nữa, nhiều người không còn hứng thú với chữ “thợ” vì giờ người ta có nhiều nghề khác được coi là sang trọng hơn, cũng chính vì nhiều người bỏ nghề nhưng những chiếc xe đạp thì vẫn được dùng nên nghề sửa xe vẫn có chỗ đứng.

Sở dĩ Tuấn ngồi đây bao nhiêu năm nay vì trước đây anh ở ngay tại con ngõ này, nhưng sau trả nhà cho người ta để nhận một khoản đền bù nho nhỏ vừa đủ mua một căn hộ gần hai chục mét vuông rồi chuyển vợ con về đó ở.

Nghề sửa xe của Tuấn không xông xênh như những nghề khác, nhưng theo anh thì “ở đây yên lành”, lại là nơi gắn bó, anh vẫn có thể nhìn thấy cánh cửa ngôi nhà mà gia đình anh đã từng ở, đã từng chia ngọt sẻ bùi nên thấy ấm cúng hơn…


Mắt xanh của những chiếc xe đạp cổ

“Nghề của tôi cũng có nhiều cái hay lắm, thỉnh thoảng, có những vị khách mang xe đến sửa, chỉ vì muốn được nghe tiếng tanh tanh của líp, để làm sao cho tiếng kêu vui tai. Xe đạp đối với họ không phải là phương tiện di chuyển, mà là một kỷ niệm gắn bó. Một tháng đôi lần đi xe đến bảo dưỡng và lau dầu, rồi lại vui vẻ đạp xe về như một điều gì đó gắn bó lắm, thiêng liêng lắm. Hoặc cũng có nhiều phát hiện thú vị, ví dụ như chiếc xe đạp Mi pha đã qua thời được ưa chuộng, hết mốt, giá rất rẻ… nhưng giờ nếu có một chiếc xe như thế lại coi như có bạc triệu trong tay, hay như chiếc xe đạp nhôm của Pháp cũng thế. Năm ngoái, có người mang chiếc xe cũ ra bảo sửa để bán, cái xe ấy nếu bán cho người dùng bình thường thì chỉ có giá khoảng 100.000 đồng, nhưng tôi biết nó là loại xe cổ,  giới chơi xe đang săn nên đã bỏ tiền mua, xe ấy, bán lãi cả triệu bạc. Nhưng thỉnh thoảng mới gặp được một “quả” như vậy thôi”.

Còn thu nhập hàng ngày của anh Tuấn vẫn trông vào những người khách sửa xe. Thường thứ 7 và chủ nhật là hai ngày cuối tuần người ta mang xe đi sửa nhiều hơn, có ngày làm từ 9 giờ sang đến 7 giờ tối làm không ngơi tay. Những chiếc xe xấu xí, cong vành, khô dầu, dão xích… qua bàn tay của Tuấn đều trở thành những chiếc xe đạp lung linh. Những ngày như vậy thì mệt, nhưng vui vì kiếm được nhiều tiền, còn bình thường, cứ túc tắc mỗi ngày cũng được đôi trăm.

Hơn 40 tuổi, chưa kịp già, nhưng kịp suy nghĩ thấu đáo về một cuộc sống bình ổn và hạnh phúc. Tuấn kể, anh có 2 đứa một trai một gái, cháu gái đang học trong một trường cao đẳng, còn cháu trai đang là học sinh lớp 8, cả hai đều mơ ước có một công việc khác chứ không phải bươn chải như bố mẹ. Anh nói, sẽ tôn trọng ý kiến của con trong cách chọn lừa nghề nghiệp.

Còn Tuấn, cuộc sống như thế này là đủ, có một công việc để làm, có một ngôi nhà để ở, có một người vợ yêu thương và có những đứa con ngoan anh không có mơ ước gì hơn cả. Bởi ở đời, cần phải biết mình ở đâu, và phải biết hài lòng, bằng lòng với những gì mình đang có. Bắt đầu cho một ngày làm việc vất vả bằng một tách cà phê, bữa trưa là cơm bụi, và 6 giờ tối về nhà với vợ con.

“Khi anh nhìn thấy người ta có vợ đẹp, có xe xịn để đi vào nhà hàng đối diện, anh có bao giờ thấy chạnh lòng và tự ti với mình không?” Tuấn trả lời: “Ồ không, tôi cũng không mơ ước đến cuộc sống như thế. Chắc gì những người đi xe đẹp, có vợ xinh đã hoàn toàn hạnh phúc và thoải mái? Người Việt Nam mình chuộng hình thức, ví dụ, người ta sẽ đi vay nặng lãi để mua xe ô tô hoặc thậm chí có những người rất nhiều tiền nhưng chắc chắn người ta cũng vất vả lắm. Cũng phải suy tính, phải so đo, thậm chí có người phải láu cá và bất lương, và chưa chắc, người ta có được giấc ngủ ngon, mà cuối cùng, ở cuộc đời này cũng chỉ là sống thôi. Tôi, chị và chúng ta cũng chỉ đến ăn cơm, đi làm và cũng hít thở không khí. Chúng ta cũng đều đang sống. Không phải vì tôi nghèo mà tôi suy nghĩ như thế (một kiểu AQ), mà cái chính, tôi thấy đủ”.
.

Hai mươi năm bên một góc phố

“Nghề của tôi cũng có nhiều cái hay lắm, thỉnh thoảng, có những vị khách mang xe đến sửa, chỉ vì muốn được nghe tiếng tanh tanh của líp, để làm sao cho tiếng kêu vui tai. Xe đạp đối với họ không phải là phương tiện di chuyển, mà là một kỷ niệm gắn bó. Một tháng đôi lần đi xe đến bảo dưỡng và lau dầu, rồi lại vui vẻ đạp xe về như một điều gì đó gắn bó lắm, thiêng liêng lắm”.

Tuấn vừa nói chuyện với tôi, vừa thoăn thoắt làm việc. Chén nước chè anh gọi đã nguội ngắt. Khách đến đông, việc đơn giản nhất là bơm xe, rồi rút lại cái phanh, tra dầu vào xích… từ việc lớn đến việc nhỏ liên quan đến cái xe đạp khi qua bàn tay Tuấn đều được chỉnh sửa cẩn thận.

Hai mươi năm ngồi ở vỉa hè phố Bà Triệu, gặp nhiều loại khách hàng, thấy nhiều thăng trầm của cuộc sống, từ khi chiếc xe đạp còn là đồ hiếm hoi, là niềm tự hào, là tài sản lớn của mỗi gia đình cho đến giờ nó chỉ còn là một loại phương tiện không được coi là nhiều giá trị. Mỗi một gia đình ở Hà Nội bây giờ đều có ít nhất một xe gắn máy, và không phải ai cũng biết đi xe đạp. Những thợ thường nhìn thấy sự thăng trầm của nghề theo thời gian và cũng có nhiều người đau đớn vì bị mất nghề bởi khoa học và kỹ thuật hiện đại. Tuấn không phải là người hứng những thăng trầm đó nhưng rất nhiều người đã theo xu thế mà tìm kiếm một nghề mới phù hợp với thời cuộc, còn Tuấn vẫn cho rằng, một người dù làm công việc gì nhưng luôn lấy uy tín nghề nghiệp đặt lên trên thì sẽ không bao giờ thất nghiệp, dù công việc ấy, nhiều người cho rằng nó chẳng lấy gì sang trọng.

“Tôi 40 tuổi, làm nghề sửa xe đạp đã được 20 năm, hai mươi năm ngồi ở góc phố này, khuất nẻo, có bóng cây to nên ngày nắng không nắng, ngày mưa chạy trú tạm vào mái hiên toà nhà này. Nhà tôi ở xa, tận tập thể Phương Mai, nhưng tôi ngồi ở đây lâu, quen khách nên chẳng muốn chuyển chỗ mới. Mới lại, chẳng thể kiếm ở đâu một chỗ làm tốt như ở đây.” – anh nói.

Tuấn “điếc” có liên quan gì đến cái tai của anh không? Tuấn cười cười trả lời, vì tôi mải làm lắm, nếu đã tập trung làm việc là không để tâm đến những việc khác, đôi khi như thế, có người gọi, hỏi tôi chẳng trả lời, người lạ thì bảo tôi khinh người, còn người quen thì bảo tôi điếc à, lâu rồi, nó thành cái biệt danh, chứ tôi không điếc.

Sau buổi gặp gỡ với Tuấn, chị vợ anh có gọi điện cho tôi, hỏi: Chị ơi, chồng em có làm gì sai không chị, vì em đọc báo, chỉ thấy người ta viết báo về những người giỏi giang, kiệt xuất hoặc bọn tội phạm, chứ chồng em có là gì đâu mà chị viết báo. Tôi giải thích với vợ Tuấn, có nhiều người trong xã hội, làm nhiều công việc thầm lặng khác nhau, người ta cũng chẳng có thành tích gì, nhưng sức lao động ấy đã mang lại lợi ích cho xã hội, còn hơn cả những phát minh hoặc những công trình tiêu tốn hàng tỉ đồng của nhà nước rồi đắp chiếu để đấy. Người lao động chân chính nào thì cũng xứng đáng được tôn vinh thôi. Đó là quan niệm của tôi.

 Nghe xong, vợ Tuấn cười, chị ơi, em làm nghề chăm sóc những người già trong trại dưỡng lão mà cô đơn, hoặc có người có con cháu mà vẫn bị gửi vào đó vì họ coi người già là gánh nặng, theo chị như vậy cũng chẳng có gì tầm thường phải không. Ồ, tất nhiên, và biết đâu, một hôm nào đó, tôi sẽ vào trại dưỡng lão nơi vợ Tuấn làm việc, để tìm hiểm thêm về một công việc đầy đạo lý trong bối cảnh có biết bao kẻ giầu có mà không có đạo lý trên đời này!


Hoàng Điệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm