Bản quyền truyền hình hay chuyện “củi mục”

28/12/2011 11:51 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Dân gian VN có câu “Củi mục bà để trong rương; Hễ ai hỏi đến, trầm hương của bà” để phản ánh một thói quen xấu xí, đậm chất tiểu nông trong cách ứng xử của người Việt. Ngẫm ra thì câu ca dao này cũng từa tựa như câu chuyện dài kỳ đang diễn ra xung quanh vấn đề bản quyền truyền hình Super League và các giải bóng đá quốc nội.

Khánh Hòa: Bóng đá VN vẫn chưa phải là sản phẩm giải trí hấp dẫn với

khán giả truyền hình. Ảnh: K.H

Cho tới trước khi AVG xuất hiện cùng bản hợp đồng bản quyền truyền hình bóng đá VN có thời hạn lên tới 20 năm cùng VFF, việc thương thảo giữa VFF với các đài truyền hình lớn để bán bản quyền phát sóng V-League, giải hạng Nhất hay Cúp QG chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng, mà lý do chủ yếu là vì bóng đá VN vẫn chưa phải là món ăn giải trí hấp dẫn trên truyền hình nên nếu xét theo góc độ kinh doanh thì các nhà đài không mấy mặn mà.

Bởi thế, việc phát trực tiếp V-League và giải hạng Nhất trên sóng truyền hình chỉ theo mục tiêu phục vụ là chính, và tiền bán bản quyền truyền hình bóng đá VN đến giờ vẫn chưa phải là một khoản thu đáng kể, cho dù là với VFF hay với các CLB. Do đó, không ai ngạc nhiên khi VFF đã không quá khó khăn để nhận lời trước việc AVG đề nghị mua bản quyền phát sóng với thời hạn lên tới 20 năm và giá trị hợp đồng lũy tiến 10% theo từng năm.

Vì đây là một bản hợp đồng kinh tế giữa một tổ chức xã hội nghề nghiệp là VFF và một doanh nghiệp tư nhân là AVG, nên chắc chắn không có quan hệ cấp trên cấp dưới hay bất cứ một sự miễn cưỡng ép buộc nào, mà cơ sở duy nhất để VFF và AVG bắt tay nhau là tinh thần tự nguyện hợp tác giữa 2 bên. Dông dài như thế để thấy AVG không hề có lỗi trong việc ký hợp đồng bản quyền truyền hình với VFF trong thời hạn 20 năm, vì thực chất AVG chỉ là người đưa ra lời đề nghị, còn chấp thuận hay từ chối phải là VFF, phải là các CLB.

Cách đây 3 tháng, khi bầu Kiên lần đầu tiên lên tiếng phản đối về bản hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF, đã mạnh mẽ bác bỏ bằng tuyên bố: “Thông tin anh Kiên nói các CLB không biết về việc ký hợp đồng giữa VFF với AVG là chưa chính xác. Ngày 1/7/2010, tại Nha Trang có cuộc họp về vấn đề bản quyền truyền hình và có tham vấn các CLB.

Các CLB đều đồng ý về vấn đề bản quyền truyền hình. Hôm đó HN.ACB không có đại diện dự họp nên có lẽ anh Kiên không nắm được vấn đề. Chúng tôi cũng có đầy đủ văn bản pháp lý để đảm bảo rằng hợp đồng được ký giữa VFF và AVG về bản quyền truyền hình là hợp pháp và công khai minh bạch”.

Nếu các CLB và các đài truyền hình lớn thực sự quan tâm đến bóng đá VN, thực sự muốn góp tay xây dựng bóng đá VN thì lẽ ra họ phải giúp đỡ VFF bằng cách sớm phối hợp hợp với VFF để phát sóng trực tiếp V-League, giải hạng Nhất và giải QG liên tục, lâu dài với giá cả hợp lý, chứ không phải để một đơn vị sản xuất truyền hình đến giờ vẫn còn chưa phát sóng chính thức nhưng đã bắt đầu sở hữu bản quyền bóng đá VN từ năm 2011 như AVG nhảy vào thì mới cuống cuồng đòi lại thứ tài sản mà họ từng có quyền đồng sở hữu.

Hoàng Huy

Tôi khẳng định bản quyền truyền hình của V-League thuộc về VFF, giống như bản quyền World Cup thuộc FIFA, bản quyền EURO thuộc về UEFA. Các CLB được chia 50% giá trị bản quyền là VFF quan tâm đến các CLB. Trước đây, các CLB khó tìm tài trợ, người ta luôn hỏi có truyền hình trực tiếp không? Nếu không thì giá trị hợp đồng tài trợ rất thấp. Trước đây, số trận được tường thuật trực tiếp rất nhỏ nên rất khó có hợp đồng tài trợ lớn. Mùa vừa rồi, với cách làm mới, tỷ lệ số trận được tường thuật trực tiếp lên đến 85% và mùa tới, chúng tôi đặt mục tiêu tường thuật trực tiếp 100% số trận đấu. Đó là cách tạo điều kiện để các CLB được truyền hình trực tiếp, nâng cao thương quyền, bán quảng cáo… Điều này quan trọng hơn số tiền được chia từ bản quyền. Một vài CLB lên tiếng đòi đồng sở hữu bản quyền vì được chia lợi nhuận. VFF tôn trọng quyền lợi không đồng nghĩa với quyền sở hữu. Giống như anh đến ở trọ nhà tôi rồi sau đó anh lại kiện đòi quyền sở hữu căn nhà. Bản quyền này có được chuyển sang cho công ty mới hay không thì chúng tôi sẽ bàn tiếp nhưng sẽ không làm trở ngại trong việc triển khai công ty mới. Cái nào đồng thuận thì triển khai trước, cái nào vẫn tranh cãi thì để tiếp tục thảo luận để hài hòa lợi ích cho tất cả các bên”, phát biểu của ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF, trong cuộc giao lưu trực tuyến trên báo Bóng đá điện tử vào ngày 3/10/2011).

Tôi cho rằng sẽ không có gì khó khăn nếu đôi bên đàm phán với nhau trên tinh thần vì sự phát triển của bóng đá VN và lợi ích của người hâm mộ. Quan điểm của tôi từ trước đến giờ vẫn là nên xem lại hợp đồng VFF đã ký với AVG, nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan”, phát biểu của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB bóng đá HA.GL kiêm Phó Chủ tịch HĐQT VPF.


Hoàng Huy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm