05/12/2022 19:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Lúc hấp hối trên giường bệnh, ông hoàng kinh doanh vẫn tự giận bản thân vì chưa kịp làm điều này.
Andrew Carnegie (1835-1919) là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là Vua Thép. Ông là người giàu thứ 3 trong lịch sử thế giới. Theo Wiki, toàn bộ tài sản của ông thời đó tương đương với 373 tỉ đô la năm 2014, hơn cả khối tài sản của ba người giàu nhất trên thế giới thời bấy giờ là Jeff Bezos, Bill Gates, và Warren Buffett cộng lại.
Ít ai biết rằng, Andrew Carnegie từng có thời kỳ vô cùng nghèo khó, bắt đầu với công việc sản xuất ống chỉ, thợ thông nhà vệ sinh cho tới nhân viên đưa tin. Mãi về sau, ông mới theo đuổi tham vọng xây dựng một đế chế thép mang tên mình. Nhờ vào chất lượng thép và uy tín cá nhân mà ông có được hợp đồng xây dựng cầu sắt và đường ray tàu hỏa với chính phủ Mỹ.
Dần dần, Công ty Thép Carnegie bắt đầu kiểm soát kinh doanh sắt và thép tổng hợp quy mô lớn trên khắp nước Mỹ. Doanh nghiệp này trở thành "ông trùm" lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trong ngành công nghiệp thép ở Mỹ với việc sở hữu nhiều nhà máy sản xuất gang, thép ray, than cốc và đầu máy xe lửa.
Andrew Carnegie (1835-1919) là một doanh nhân người Mỹ và được mệnh danh là Vua Thép. Ảnh: Forbes
Năm 1889, công ty Carnegie Steel Corporation thậm chí vươn lên làm công ty thép lớn nhất thế giới. Năm 1901, khi mà giá trị của Carnegie Steel Corporation lên tới 480 triệu USD, tương đương 2,1% GDP nước Mỹ lúc đó, Carnegie quyết định bán lại công ty cho J.P Morgan. Nếu tính theo GDP nước Mỹ năm 2014, số tiền này lên tới 372 tỷ USD.
Sự nghiệp kinh doanh thành công vang dội đã đưa Carnegie trở thành người rất giàu có. Ông nổi tiếng là người có quan điểm tìm kiếm tri thức và giá trị chứ không chỉ tìm kiếm tiền bạc trong suốt cuộc đời. Do đó, Carnegie quyết định buông tay sự nghiệp và nghỉ hưu ở tuổi 65.
Kể từ đó, ông vua thép tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là giáo dục và hòa bình thế giới, nghiên cứu khoa học cũng như quyên góp tài sản xây dựng các cơ sở giáo dục, các quỹ từ thiện ở Mỹ và Scotland, như Carnegie Corporation ở New York, Viện Carnegie ở Washington, Đại học Carnegie Mellon, Bảo tàng Carnegie ở Pittsburgh, Quỹ Tài trợ Hòa bình quốc tế, Quỹ Anh hùng…
Tổng cộng, trong 18 năm cuối đời, Carnegie đã đem 90% tài sản tương đương 350 triệu USD làm từ thiện. Tuy cho đi với tốc độ nhanh chóng như vậy, đến thời điểm hấp hối trên giường bệnh, ông vẫn rất giận bản thân mình vì vẫn chưa kịp quyên góp nốt 30 triệu USD trong tài sản.
Có thể thấy, ông vua thép chưa bao giờ đánh mất "cái tôi" của mình từ ngày đầu khởi nghiệp. Cho dù thời điểm trở thành một trong những người giàu nhất thế giới, ông vẫn tâm niệm rằng: "Đàn ông phải tôn sùng thứ gì đó, nhưng tôn sùng sự giàu có là một trong những điều tồi tệ nhất." Điều đó đã được viết trong bức tâm thư mà ông tự gửi cho bản thân ở tuổi 33, khi mới chỉ nhận mức thu nhập 50.000 USD mỗi năm.
Cuối thư, Carnegie khuyến khích bản thân tham gia các vấn đề cộng đồng, đặc biệt là cải thiện giáo dục và điều kiện sống của tầng lớp nghèo khổ.
Năm 1889, trong bài luận The Gospel of Wealth, Carnegie một lần nữa thể hiện rõ quan điểm người giàu nên dùng tài sản để giúp đỡ xã hội. Ông viết: "Người đàn ông để lại tài sản triệu đô sau khi chết sẽ không được thương tiếc, vinh danh hay ngợi ca. Cái chết trong sự giàu sang là cái chết đáng hổ thẹn".
Ông khuyến khích người giàu nên làm từ thiện ngay từ lúc sống bằng cách đầu tư vào một lĩnh vực "không bao giờ được chăm lo đầy đủ", đó là giáo dục.
Nguyên nhân khiến Carnegie đặc biệt quan tâm đến giáo dục cũng xuất phát từ tuổi thơ nghèo khó của ông. Khi đó, ông vua thép không có nhiều điều kiện để đăng ký những chương trình giáo dục cao cấp. Ông chỉ có thể đến thư viện công của Đại tá James Anderson để đọc sách miễn phí. Chính những cuốn sách này đã cho Carnegie kiến thức để sau này thành công.
Về sau, ông đã hỗ trợ mở 3.000 thư viện công ở nhiều nước. Ngoài thư viện, Carnegie còn thành lập Viện Công nghệ Carnegie ở Pittsburgh, hiện là Đại học Carnegie-Mellon cùng nhiều quỹ hỗ trợ học tập. Điều này đúng với tinh thần mà ông luôn muốn lan tỏa: "Giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn những gì bạn đã thấy là một động lực cao quý".
Trong một bộ phim tài liệu về Carnegie, cựu thủ tướng Anh Gordon Brown đã đưa ra nhận định về Andrew Carnegie rằng: "Ông là người đã truyền cảm hứng để người giàu nhận thức sứ mệnh rõ ràng hơn của mình. Ông luôn tập trung tạo ra sự khác biệt chứ không chỉ đầu tư vào sở thích cá nhân".
Ngày 11/8/1919, Andrew Carnegie trút hơi thở cuối cùng trong khi chưa kịp quyên góp hết 30 triệu USD cuối cùng. Tuy nhiên, theo di chúc để lại, số tiền này vẫn sẽ tiếp tục được cho đi, gửi tới các quỹ và các tổ chức từ thiện cần đến nó.
Carnegie có một con gái. Ông để lại cho cô một căn nhà cùng một khoản tiền chỉ đủ để sống thoải mái. Về sau, do chi phí bảo trì căn nhà quá tốn kém, người con gái của vua thép đã bán nhà đi.
Hành động này như một lời khẳng định cho sự quan tâm chân thành nhất mà Carnegie dành cho cộng đồng. Điều này cũng được thể hiện thông qua rất nhiều thói quen nhỏ thường ngày của vị vua thép. Ông luôn cho rằng, cần phải công nhận tiềm năng của người khác đúng với giá trị mà họ xứng đáng. Ông cũng vui mừng cho sự thành công của người khác, dành cho họ lời khen ngợi chân thành, chú trọng xây dựng mối quan hệ với nhân viên bên cạnh cũng như với các đối tác để thúc đẩy công việc làm ăn kinh doanh. Môi trường làm việc lý tưởng sẽ tạo nên tập thể làm việc đoàn kết, gắn bó.
Hiểu và nhân rộng những giá trị trong triết lý kinh doanh, cách đối nhân xử thế của "vua thép nước Mỹ" sẽ giúp mọi người có thể sở hữu những mối quan hệ tốt đẹp, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và tạo dựng nên sự nghiệp thành công như chính Carnegie đã làm.
Các tỷ phú trên thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg đã noi gương của ông bằng cách để lại phần lớn tài sản của mình cho xã hội.
*Theo Toutiao
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất