Asian Indoor Games 3: Cập rập các kiểu !

25/10/2009 07:53 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Ngày 30/10/ 2009 khai mạc AIGs 3, nghĩa là thời gian chuẩn bị cho đến giờ khai cuộc không còn nhiều. Thế nhưng công tác chuẩn bị cho Đại hội vẫn còn lăng xăng chuyện này, chuyện nọ.

Vướng mắc đầu tiên là tiền đâu?

Trong tuần này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhận được văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM cho tiếp tục triển khai 3 tuyến xe buýt con thoi phục vụ miễn phí giới truyền thông trong đại hội. Nhưng chỉ mới tuần trước đó đã có ý kiến không thực hiện nội dung này nhằm tiết kiệm ngân sách, và Sở VH,TT&DL TP.HCM đã phải cấp tốc tham mưu trở lại cho UBND TP đây là một trong các quy định của UB Olympic châu Á đối với nơi đăng cai AIGs. Cũng với mục đích tiết kiệm, UBND TP.HCM yêu cầu BTC AIGs 3 tại TP.HCM thực hiện tuyên truyền về cho AIGs 3 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một số đường phố và các địa điểm thi đấu theo phương thức xã hội hóa, và hủy việc trang hoàng đường phố. Không phải bỗng dưng TP.HCM muốn thắthầu- bao trước cơ hội quảng bá về TP tại sự kiện thể thao châu lục, tập họp hơn 4.000 HLV, VĐV của 43 quốc gia, vùng lãnh thổ.


Ảnh: Thúy Hạnh

Khó khăn về kinh phí đã được “báo động” từ giữa năm nay, khi BTC T.Ư nói là cấp cho TP.HCM 16 tỷ đồng chi phí tổ chức, trong đó hết 9 tỷ của MPC (trung tâm báo chí) và IBC (trung tâm truyền hình), nhưng dự trù kinh phí của các tiểu ban tại TP.HCM khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn chi về y tế, an ninh, giao thông, hậu cần do ngành chủ quản ở T.Ư cấp trực tiếp cho 6 địa phương đăng cai thi đấu (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh), riêng ngành y tế TP.HCM đề xuất dự trù chi phí cho AIGs 3 là 1,5 tỷ đồng nhưng tổng kinh phí phục vụ y tế của toàn đại hội chỉ gói gọn trong 2 tỷ đồng. Theo ông Hoàng Dự, TBT báo Thể thao VN đồng thời là Phó trưởng tiểu ban tuyên truyền của đại hội, tổng kinh phí cho tuyên truyền khoảng 7 tỷ đồng, con số khiêm tốn so với khoảng 40 tỷ đồng ở SEA Games 22. Những điều này càng bộc lộ nỗi khó kinh phí, mà sâu xa có liên quan đến chuyện vận động tài trợ không hiệu quả.

Vận động tài trợ chậm chạp

Tháng 2/2009, BTC AIGs T.Ư vẫn phải chờ văn bản của liên bộ tài chính - Kế hoạch đầu tư để việc kêu gọi tài trợ diễn ra đúng thủ tục. Sau khi có văn bản này, BTC mới “chào mời” doanh nghiệp, và chọn một đơn vị độc quyền về vận động tài trợ, với yêu cầu đơn vị này đạt được mức huy động tài trợ ít nhất là 60 tỷ đồng (khoảng 3,5 triệu USD), trong đó số tiền mặt phải đạt 50% vì còn phải nộp cho UB Olympic châu Á (OCA) 2,5 triệu USD. Lẽ ra, theo kế hoạch hồ sơ mời tài trợ cần triển khai từ tháng 12/2008. Ngoài việc, việc nhượng quyền sử dụng logo, mascot, bài hát, tuyên truyền cho AIGs 3 đến thời điểm đó vẫn hoàn toàn án binh bất động. Như vậy, sự chậm trễ này không đơn thuần do thủ tục.

Giữa tháng 6/2009, BTC T.Ư mới nhẹ nhõm phần nào khi tìm được công ty SWC là nhà tư vấn độc quyền về vận động tài trợ với mức cam kết là 22 tỷ đồng, tức là 1/3 so với mục tiêu tối thiểu ban đầu. Đầu tháng 7/2009, ông Hoàng Vĩnh Giang thuyết phục được OCA giảm bớt 1,5 triệu USD trong 2,5 triệu USD nước đăng cai phải nộp cho OCA, xem như gánh nặng về vận động tài trợ nhẹ hẳn.

Tháng 8/2009, nhà tài trợ đầu tiên của AIG xuất hiện, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, với cam kết tổng trị giá tài trợ gần 10 tỷ đồng. Ngày 11/10, BTC lại công bố 5 nhà tài trợ nữa. Trớ trêu thay, số tiền mặt BTC được nhận không ở mức 50% trị giá tài trợ, mà hầu hết là sản phẩm, dịch vụ phục vụ công tác tổ chức, cụ thể: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có hợp đồng tài trợ tri giá 10 tỷ đồng, trong đó là 1 tỷ đồng tiền mặt, 1 tỷ đồng bằng hiện vật, 8 tỷ đồng bằng sản phẩm, dịch vụ của VNPT (chủ yếu là cước truyền dẫn tín hiệu truyền hình giữa các địa điểm thi đấu với trung tâm báo chí, trung tâm truyền hình). Các đơn vị còn lại là Tập đoàn Tài chính- Bảo hiểm Bảo Việt độc quyền dịch vụ bảo hiểm; Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ ROBO cung cấp độc quyền máy tính để bàn; công ty Cổ phần Điện tử Tân Bình- VTB cung cấp tivi...

Khủng hoảng kinh tề toàn cầu là lý do khách quan để lý giải cho vận động tài trợ AIGs 3 không như ý. Nhưng không ít danh nghiệp bộc bạch lý do họ chưa mặn mà với AIGs 3 còn do cách làm việc của BTC, như giám đốc một công ty quảng cáo ở TP.HCM cho biết: “Dù mất thời gian làm kế hoạch để rồi ra Hà Nội dự hội nghị khách hàng, cuối cùng chúng tôi xin rút vì BTC làm việc không thực sự chuyên nghiệp và quá sơ sài”.

Cập rập các kiểu

Nhớ lại quá trình chuẩn bị SEA Games 22, có quy mô (căn cứ vào 9 QG khu vực tham dự) bằng 1/5 so với AIGs 3, vốn được khởi động từ hơn 2 năm trước khai mạc, mới thấy AIGs 3 triển khai cập rập. Ngày ấy, ban chỉ đạo SEA Games 22 tại TP.HCM và 12 tiểu ban chức năng, trong đó có 7 tiểu ban do lãnh đạo ban, ngành khác (không phải TDTT) “cầm trịch” được thành lập từ năm 2001, và họp định kỳ theo tháng từ năm 2002 để đến cuối tháng 3/2003 đã hoàn tất dự trù kinh phí từng tiểu ban, ra mắt trang web đại hội, bắt đầu tuyển chọn hơn 5.800 tình nguyện viên, có phương án xe bus phục vụ đại hội, thông báo số điện thoại đường dây nóng của BTC... Bởi theo thông lệ quốc tế, cứ khoảng 6 tháng trước khai diễn đại hội là các nơi bắt đầu liên hệ với BTC địa phương để tìm hiểu thông tin về thi đấu, nơi ăn nghỉ. Trong khi đó, hơn 9 tháng trước khai diễn AIGs 3, sự chuẩn bị rõ nét nhất của TP.HCM là đề xuất dự trù kinh phí nâng cấp, sửa chữa CSVC thi đấu và tờ trình ngày 18/12/2008 của Sở VH, TT&DL để thành lập BTC đại hội tại TP.

Sự cập rập này dĩ nhiên có liên quan đến đầu mối là BTC T.Ư (cũng cập rập không kém), điển hình qua tiến trình tổ chức vận động tài trợ nêu trên. Thậm chí, sát nách đại hội, tháng 8/2009, BTC tại TP.HCM phát hiện vướng mắc trong việc chuẩn bị xe đưa đón BTC, VĐV các đoàn thi đấu, về nguyên tắc là giao cho tiểu ban giao thông cũng như kinh phí cho phần việc này được Bộ Giao thông vận tải cấp trực tiếp cho Sở Giao thông vận tải các địa phương. So Sở Giao thông vận tải TP.HCM (phụ trách tiểu ban giao thông-BTC AIGs 3 tại TP.HCM) không có sẵn đội xe du lịch phục vụ “chuyên nghiệp” cho hoạt động này, nên Saigontourist chủ động chuẩn bị. Đáng tiếc là, đến đầu tháng 10/2009, TP.HCM vẫn chưa thấy T.Ư phản hồi dù TP đã đề xuất giải quyết theo hướng Sở GTVT được ủy nhiệm ký hợp đồng với Saigontourist.

Gần đây, 2 tuần trước AIGs 3, người ta lại phát hiện đồng hồ điện tử lắp đặt ở cung điền kinh trong nhà của Jinling (Trung Quốc), thay vì của Omega (Thụy Sĩ) hoặc Seiko (Nhật) - vốn được Liên đoàn điền kinh thế giới thừa nhận đủ tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế. Thắc mắc này vẫn chưa có lời đáp khi Liên đoàn điền kinh Việt Nam nói đó là công việc của Sở VH,TT&DL và Sở Xây dựng Hà Nội, còn Sở VH,TT&DL lại “chuyển” cho Sở Xây dựng... Việt Nam đã kinh qua công tác tổ chức SEA Games 22 - năm 2003 nên không thể nói là thiếu kinh nghiệm trong triển khai một đại hội thể thao quốc tế. Sự cập rập về tổ chức AIGs 3 phải chăng còn xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm?  

Ngọc Doanh

AIGs 3 tại Việt Nam có 27 địa điểm thi đấu: Hà Nội gồm: Cung thi đấu điền kinh trong nhà, Khu liên hợp thể thao dưới nước Mỹ Đình (môn bơi, lặn), Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa (dancesport), NTĐ Từ Liêm (petanque), NTĐ Trịnh Hoài Đức (wushu), NTĐ Hà Tây (đá cầu), NTĐ Hoàng Mai (cầu mây), NTĐ Cầu Giấy (Kabadi), NTĐ Gia Lâm (Kurash), NTĐ ĐH Bách khoa ( E- sport), NTĐ Sóc Sơn (Jujitsu&Beltwrestling); TP.HCM gồm: NTĐ Phú Thọ (futsal nam), NTĐ Tân Bình (Futsal nữ), NTĐ Lãnh Binh Thăng (bóng rổ 3 người nam), NTĐ ĐH Sư phạm TDTT (bóng rổ 3 người nữ), NTĐ Rạch Miễu (muay), NTĐ Vân Đồn (kick boxing), NTĐ Quân khu 7 (Vovinam), Saigon SuperBowl (bowling), NTĐ Phan Đình Phùng (billiard&snooker), NTĐ Nguyễn Du (múa lân sư rồng); Bắc Ninh: boxing nữ; Hải Phòng: NTĐ Thanh niên (bắn cung), NTĐ đa năng (aerobic gymnastic); Quảng Ninh: NTĐ tỉnh (cờ vua), khách sạn Hạ Long Pearl (cờ tướng); Hải Dương: NTĐ tỉnh (pencak silat).


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm