Đội tuyển Olympic Việt Nam dự ASIAD 17: 'Đi vào tâm bão'

09/09/2014 15:07 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Đêm qua, thầy trò HLV Toshiya Miura đã lên đường đi Incheon (Hàn Quốc) cho kỳ ASIAD 17 hứa hẹn có nhiều cam go thử thách.

1. Tại sao ông Miura lại chọn “ca khó” như ASIAD cho màn ra mắt chính thức trên cương vị HLV trưởng các ĐTQG, thay vì đáng ra nếu ông ở lại Việt Nam để tập trung cho ĐTQG chuẩn bị AFF Suzuki Cup, được cho là “thông minh” hơn nhiều?

ASIAD là sân chơi đẳng cấp châu lục và ở bất cứ cấp độ ĐTQG nào, nó cũng không giống như “ao làng” Đông Nam Á. Tất cả (bao gồm cả HLV Miura) đều biết điều đó.

Nhưng HLV trưởng người Nhật Bản đã chọn Incheon làm điểm xuất phát cho bản hợp đồng thời hạn 2 năm với bóng đá Việt Nam. Ông Miura giải thích: “Olympic Việt Nam chính là tương lai của đội tuyển Việt Nam và nếu chúng ta xác định kế hoạch dài hơi, thì sân chơi châu lục là cực kỳ bổ ích cho bóng đá trẻ. Tôi hy vọng qua các trận đấu với đối thủ mạnh, Olympic Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều điều”.

Olympic Việt Nam nằm ở bảng H, cùng với Iran và Kyrgyzstan, nên theo đánh giá của HLV Miura, khả năng lọt vào vòng 1/8 là rất sáng sủa. Cùng với mục tiêu ở ASIAD 17 của Olympic Việt Nam, ông thầy người Nhật Bản cũng hứa sẽ đem về chức vô địch AFF Suzuki Cup 2014, sân chơi chính quan trọng nhất trong năm của nền bóng đá dành cho ĐTQG, dù VFF không giao chỉ tiêu.

Sau trận thắng dễ Hong Kong (Trung Quốc), HLV Miura đã nói: “Áp lực là bất biến với nghề HLV bóng đá. Tôi kỳ vọng rằng đội tuyển Việt Nam sẽ có cơ hội thi đấu với nhiều đối thủ mạnh trước thềm AFF Suzuki Cup 2014. Tôi không muốn đá với những đội bóng mà chúng ta dễ dàng giành chiến thắng 6 hay 7 bàn cách biệt”.

2. Với thành tích lọt vào vòng 1/8 ở kỳ ASIAD gần nhất (Quảng Châu, Trung Quốc 2010), Olympic Việt Nam được xếp vào nhóm 2 (cùng với Kuwait và Trung Quốc). Tại Incheon, nếu vượt qua vòng bảng (với ngôi nhì bảng H, điều hoàn toàn trong tầm tay), Olympic Việt Nam nhiều khả năng sẽ gặp UAE hoặc Ấn Độ (bảng G) ở vòng “knock-out” đầu tiên. Cơ hội đi tiếp không phải là không có.

Trong khi Ấn Độ (Nam Á) vẫn bị xem là vùng trũng của bóng đá châu lục, thì UAE cũng không được đánh giá cao ở khu vực Trung cận Đông. Ở vòng đấu bảng Asian Cup 2007 trên sân nhà, Việt Nam từng giành chiến thắng 2-0 đầy thuyết phục trước UAE, qua đó, lần đầu tiên ghi tên mình vào Top 8 đội hàng đầu châu lục. UAE và Việt Nam có thêm vài lần đối đầu sau đó, gần nhất là tại vòng loại Asian Cup 2015.

Tại vòng loại Asian Cup 2015, đội tuyển Việt Nam dưới triều đại HLV Hoàng Văn Phúc (và quyền HLV trưởng Nguyễn Văn Sỹ trước đó) đã để thua UAE cả 2 lượt trận (1-2 trên sân nhà và 0-5 trên sân đối phương), nhưng ngay cả điều đó cũng không là thước đo chênh lệch đẳng cấp. Bóng đá trẻ vốn rất khó đoán và ai nghĩ rằng, Olympic Việt Nam có thể hạ Bahrain 3-1 ở kỳ ASIAD gần nhất cách đây 4 năm?!

Theo cách phân nhánh của BTC ASIAD 17, “hoạn lộ” của Olympic Việt Nam có vẻ rất hanh thông, khi tại tứ kết (nếu thầy trò HLV Miura làm được điều này), các đối thủ lớn nhất vẫn chỉ là Thái Lan, Triều Tiên (nhóm 1) và Trung Quốc (nhóm 2).

 Tại sao lại không mơ mộng, khi giấc mơ vốn dĩ chẳng bị đánh thuế bao giờ?! Xem chừng, việc HLV Miura chọn lựa đấu trường ASIAD chưa hẳn đã là thiếu khôn ngoan.

Như Thể thao & Văn hoá đã đưa tin, 24 tiếng trước khi lên đường tham dự ASIAD 17, HLV Miura đã gút danh sách còn 20 tuyển thủ. Một vài sự vắng mặt khá đáng tiếc, nhưng ông Miura cũng đã mang đi đủ những kỳ vọng (về nhân sự).

Tính cơ bắp trong đội hình Olympic Việt Nam lần này là cần thiết, bởi đấu trường châu lục, nơi chúng ta sẽ có cơ hội đối đầu với những nền bóng đá hàng đầu, không chỉ là đẳng cấp chơi bóng, mà còn về thể lực, thể hình - những thứ có thể nhìn thấy bằng mắt thường.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm