Kí sự calcio: Giữa những cơn giận dữ Roma

10/11/2008 22:08 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Tôi tự cho mình là một người may mắn, và nếu nói quá lên một chút, là người đem lại may mắn cho Roma. Bạn không tin ư? Trong vòng một năm, tôi đã ngồi trên những khán đài của sân Olimpico bốn lần, lần nào Roma cũng chiến thắng, thắng cả trong lần khó khăn này nữa, khi không một ai tin nổi Roma có thể thoát ra khỏi đường hầm thất bại, khi đối thủ của họ là Chelsea, đội bóng mạnh nhất nước Anh hiện tại. Ở Olimpico, trong một bầu không khí sôi sục đến nghẹt thở trước, trong và sau trận đấu, tôi hiểu hơn nữa thế nào là tifosi và thế là Romanista.

Neurosis, chứng loạn thần kinh chức năng. Đấy là từ diễn tả đúng nhất với những CĐV Roma mà chỉ có Chúa mới hiểu tình yêu của họ với đội bóng lớn đến nhường nào. Lando Fiorini cách đây chưa lâu đã từng hát rằng, những Romanista có trái tim quá lớn, trái tim chất chứa quá nhiều niềm vui và nỗi đau, mang nặng tình yêu, lòng thù hận, những giấc mơ và thực tại. Sau những thất bại, họ tìm cách thoát khỏi những gánh nặng tâm lí kinh khủng trong lòng họ bằng cách trút vào những người khác, bằng cách tạo ra những sức ép lớn lao lên cả họ lẫn Roma. Mà xem ra, hình như họ có lí. Stefano, một sinh viên trường đại học Roma 3 mà tôi gặp ở sân Olimpico tuyên bố: “Họ (chỉ các cầu thủ - PV) lĩnh hàng triệu euro mỗi mùa chỉ để ăn, ngủ, luyện tập và mỗi tuần, hoặc cùng lắm 3 ngày một lần, chỉ có việc ra sân và thi đấu trong 90 phút. Chúng tôi phải đối mặt với biết bao rắc rối trong cuộc sống, với học bổng chết đói, với những chương trình học chán ngắt muốn chết, với một tương lai không có lối ra khi không thể kiếm được việc làm, nền kinh tế thì suy thoái và xã hội nhìn chúng tôi như lũ hư hỏng. Chúng tôi đâu đòi hỏi điều gì quá đáng ngoài việc cho chúng tôi thấy họ xứng đáng với tình yêu của chúng tôi thế nào?”.
 
Tác giả (trái) và các CĐV Roma trên sân Olimpico trong trận Roma – Chelsea 3-1 ở Champions League
 
Stefano nói đúng. “Thế hệ ăn bám” (bamboccioni, như cựu bộ trưởng kinh tế Padoa-Schioppa đã định nghĩa lớp trẻ Ý hiện tại) cũng muốn có tiếng nói của riêng mình. Stefano cùng hàng trăm nghìn sinh viên Italia khác đã xuống đường biểu tình và bãi khóa trong suốt mấy tuần để chống những biện pháp cắt giảm ngân sách giáo dục của chính phủ, mà theo Stefano, là giết chết tương lai của họ. Giờ đây, những trận thua liên tiếp của đội bóng đem đến cho họ biết bao hy vọng và hạnh phúc những năm qua đang giết chết tình yêu của họ, chất chứa trong họ những nỗi hận thù. Họ yêu nhanh bao nhiêu, thì họ cũng ghét bóng bấy nhiêu. Trên nước Ý của những điều đẹp đẽ và xấu xa này, dường như không ai biết đến những giới hạn. Một nhà bình luận bóng đá ở đây đã nói, Roma của những Romanista không biết sống mà cũng không muốn chết. Mỗi cuộc khủng hoảng là một sự vật vã liên hồi trong cơn điên loạn của chính họ hơn là của đội bóng.
 

 
Suốt một tuần qua, các tifosi ngày nào cũng biểu tình ở ngoài cổng sắt ở trại tập Trigoria, đòi lấy đầu không sót bất cứ ai, từ chủ tịch, HLV, quan chức cũng như cầu thủ. Spalletti đích thân ra nói chuyện với họ, khẳng định ông buồn bã và mệt mỏi biết bao trước sức ép, rằng ông lo lắng cho 2 đứa con ông, những Romanista đích thực, một đứa học trung học, đứa kia cấp 2, cũng đang sống trong cảnh chịu đựng hệt những tay tifosi mặt hằm hằm sát khí kia. Chỉ một tiếng sau, những tuyên bố của vị HLV khốn khổ đã bị bóp méo hoàn toàn sự thật, khiến cảnh sát cũng phải ái ngại và để mắt đến sự an toàn của Spalletti, vợ ông Tamara và 2 Spalletti con, hiện đang sống ở Ostia, cách Roma 40 ây số.
 
Các tifosi phát rồ và làm náo loạn bên ngoài SVĐ trước thời điểm bóng lăn
 
Những tifosi muốn bi kịch hóa vấn đề và đổ hết tội lỗi lên đầu ông hay bởi báo chí thích thêu dệt những câu chuyện ầm ỹ nhằm lật đổ Spalletti? Có lẽ cả hai, vì trên mặt báo và trên đài phát thanh, người ta đọc và nghe được những điều ông không hề nói: các con của Spalletti bị chế nhạo và có lẽ đã bị đánh ở trường học bởi những đứa trẻ Romanista điên cuồng khác. Spalletti đang muốn trốn chạy khỏi thủ đô Italia bởi ông không thể tiếp tục sống và làm việc trong hoàn cảnh căng thẳng cực độ như thế này!
 
24 năm trước, khi Roma thua Liverpool ở loạt penalty trong trận chung kết Cúp C1, người ta cũng nghĩ ra đủ mọi chuyện để trút nỗi bực dọc và thất vọng vì trận thua ngay trước mắt mình, chính tại Olimpico. Một Romanista già kể cho tôi nghe rằng, ngày đó, các tifosi truyền tai nhau nghe, rằng sở dĩ chân sút hàng đầu Pruzzo đá kém như thế trong trận đấu là vì ông bị...tiêu chảy trong thời gian nghỉ giữa giờ, Falcao từ chối đá penalty trong loạt luân lưu vì ông sợ hãi thất bại, Conti và Graziani sợ các cầu thủ Anh đến mức tiểu cả ra quần và Di Bartolomei không chịu thừa nhận là mình đã đá quá tồi. Năm 2004, đám CĐV điên rồ ấy đã từng làm hoãn cả một trận derby khi tràn xuống sân sau khi tung tin đồn cảnh sát đã chẹt chết một em bé. Sự điên rồ lên đến đỉnh điểm khi một CĐV Roma bắn một quả pháo sang khán đài đối diện làm chết một CĐV Lazio trong trận derby năm 1979. Không một Romanista nào có lòng vị tha, sự kiên nhẫn cũng như đức tính chấp nhận thất bại. Mà hình như tifosi Ý nào cũng thế.
 
Trọng tài chuẩn bị dẫn hai đội ra sân để bắt đầu trận đấu
 
Ở Roma, không một tifosi nào biết sống một cách bình thường. Không phải họ khác người quá nhiều, mà văn hóa sống và văn hóa cổ vũ bóng đá đã ăn sâu vào từng thớ thịt của họ, được nhân lên bội phần bởi 4 kênh radio nói về bóng đá suốt cả ngày, bởi một 1 nhật báo dành riêng cho họ có tên “Romanista”, bởi những diễn đàn tifosi không bao giờ nguội lạnh.
 
Sự giận dữ không có giới hạn đã ngày càng “thăng hoa” trong hoàn cảnh cuộc sống luôn chất chứa nhiều sức ép. Một ngày trước trận Roma-Chelsea, những tấm biểu ngữ đầy tính đe dọa vẫn được chăng bên ngoài sân tập Trigoria. Một tấm biển thông báo có tính trào lộng “Bán Roma đi, lật đổ luôn(chủ tịch) Rosella Sensi, cho không Spalletti” vẫn được dán vào hàng rào. Các tifosi ném hàng tá xu vào xe của Taddei, Vucinic, Baptista một cách hào hứng không kém gì những du khách đã ném xu xuống đài phun nước Trevi nổi tiếng với ước mong một ngày trở lại Roma, thành phố vĩnh cửu. Họ muốn nói: Đấy, các triệu phú, nếu cần thêm tiền, chúng tôi chỉ có xu cho các ngài. Các ngài cũng chỉ đáng giá vài xu.
 

 
Năm 2000, sau khi Roma bị Atalanta loại khỏi Cúp Italia, chiếc Jaguar của Montella bị đập móp, xe máy của Gurenko, Poggi, Cafu và cả của Totti bị đập tan tành. Hậu vệ người Brazil Antonio Carlos Zago khẳng định cả tuần liền anh không dám cho con cái ra đường, vì sợ bị đánh, bị phân biệt chủng tộc và dọa sẽ rời khỏi đội nếu tình hình căng thẳng còn tiếp diễn. Capello, vị HLV đã đưa Roma đến Scudetto một năm sau đó trong niềm vui khôn tả của các tifosi, từng nói: “Ở đây, người ta không thể suy nghĩ và làm việc cho bóng đá theo đúng giá trị của nó”. Thế rồi, ông nhận lời làm HLV cho Juve và bỏ đi không một lời từ biệt, để rồi trở thành kẻ thù số 1 của các tifosi. Từ mấy năm qua, khu Trigoria và sân Olimpico đã trở thành một nơi thờ cúng, nơi luôn diễn ra những cuộc tế lễ mà vật hiến tế chính là đội bóng mà các tifosi yêu mến.
 
Phút 90, bảng tỷ số trên sân Olimpico hiện kết quả mà chẳng mấy ai ngờ tới

Tôi cảm nhận được không khí nghẹt thở và đầy căng thẳng ấy khi đến Olimpico cho trận đấu với Chelsea. Những khán đài trống vắng một nửa, không phải vì cơn mưa dữ dội đổ xuống thành phố vào buổi chiều trước trận đấu khiến đường phố ngập nước ở hàng trăm điểm, cây đổ khắp nơi, trong đó một cây cổ thụ đã đè chết một tifoso Roma mới 13 tuổi ở cách nhà tôi 4 cây số, mà vì sự thất vọng. Những người không còn niềm tin vào đội bóng không muốn chứng kiến một màn hành hình nữa đã chọn giải pháp sẵn sàng biểu tình một lần nữa để đòi sa thải Spalletti ngay trong trường hợp Roma thất thủ trước đội bóng đang tàn phá Premier League (họ vừa vùi dập Sunderland đến 5-0). Stefano nói: “Chúng tôi không muốn nhìn thấy mặt ông ta thêm một ngày nào nữa. Chúng tôi đã hết kiên nhẫn. Ban lãnh đạo Roma phải làm một điều gì đó cấp thiết. Nếu không chúng tôi sẽ phá Trigoria”. Có lẽ vì sợ điều đó, mà người ta đã phải điều đến Trigoria 4 xe cảnh sát. Khi Roma ngày càng tụt sâu xuống đáy sâu của bảng xếp hạng Serie A và cuộc khủng hoảng, chẳng gì có thể ngăn cản nổi các tifosi điên cuồng. Tôi sợ rằng, nếu cảnh sát ngoài sân Olimpico cứ kiểm tra chiếu lệ như trong trận đấu với Chelsea vừa qua, thể nào cũng có ngày các tifosi điên tiết đem bom vào sân để tung hê tất cả.

Cơn giận dữ ở Olimpico kéo dài suốt nửa tiếng. Những người đến sân không nằm trong những kẻ chuẩn bị làm loạn nếu đội thất bại. Họ vẫn còn một chút niềm tin nào đó, họ vẫn yêu đội bóng, nhưng cũng có không ít người đến sân chỉ vì cái tên Chelsea. Họ hát bài ca chính thức của đội bóng do Antonello Venditti viết ở đầu trận đấu. Họ phất những lá cờ đỏ vàng ở những curva (khán đài sau sân). Họ la hét ầm ỹ khi Chelsea ra sân. Họ còn hét to hơn nữa khi “những kẻ thất bại” và “yếm thế” trong bộ quần áo đấu mang sắc Roma bước ra sân. Có những người chửi bới và la mắng họ. Có những người hô vang “Spalletti cút đi”. Roma chiến đấu trên sân trong nỗi lo phấp phỏng bị dẫn điểm, trong hoàn cảnh Chelsea ép sân từ đầu trận, tung ra vài cú sút nguy hiểm, và nỗi sợ hãi bị các tifosi chờ ở ngoài cổng sắt để sỉ nhục, ném cà chua và trứng vào xe của đội khi trận đấu kết thúc. Tôi không biết cái văn hóa ném đủ thứ lên đầu người khác này có xuất xứ đâu ra, chỉ biết những tifosi Roma ném đồ thuộc loại “đỉnh” nhất thế giới. Họ đã chẳng làm ông trọng tài Frisk máu me trong một trận đấu Champions League 4 năm trước đó sao?
 
Niềm vui khôn tả của những CĐV Roma sau chiến thắng lịch sử của đội nhà
 
Nhưng rồi cơn giận dữ cũng lắng xuống, nhường chỗ cho một niềm vui tràn ngập bởi bàn thắng của Panucci, rồi 2 bàn nữa của Vucinic. Những tifosi ôm nhau điên cuồng không kém gì khi chửi bới đội bóng. Những ai đứng ở trên hàng ghế cao tít nhảy xổ ra hàng rào sắt đá vào đó như những kẻ phát khùng. Pháo được ném xuống đường piste nổ ầm ầm. Nỗi tức giận và uất ức dồn nén trong 2 tháng qua đã được xả ra hết chỉ trong 30 phút của một trận đấu mà lâu lắm các tifosi mới thấy Roma đá hay đến thế. Nhưng Roma của họ đã từng trải qua những giây phút khó khăn và lúng túng vô cùng ở nửa đầu hiệp 1, khi ai cũng nghĩ, trước sau gì đội bóng của mình lại thủng lưới. May thay, điều đó không diễn ra, và các tifosi hát những bài quen thuộc nhất, mà bài cuối cùng được dành cho Lazio. 10 ngày nữa, ở đây sẽ có trận derby. Roma đã trở lại trong chiến thắng và sự thanh thản. Bầy thú đói trên những khán đài đã được ăn no và ngủ yên trong chốc lát. Những vết thương đã tạm lành. Nhưng mùa bóng vẫn còn rất dài. Sẽ còn tiếp những cơn thịnh nộ mới.
 
Anh Ngọc (Roma, Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm