14/11/2015 18:33 GMT+7 | Bóng đá Anh
Trong nước tăng
Thông thường, Premier League luôn đàm phán với các hãng truyền hình về bản quyền phát sóng ở vương quốc Anh và Ireland trước. Và quãng thời gian giữa hai hợp đồng trong nước và nước ngoài cách nhau đến gần một năm tùy thuộc vào việc đàm phán hợp đồng nước ngoài nhanh hay chậm.
Như đã biết, ngay từ tháng 2 năm nay, Premier League đã công bố bản quyền truyền hình trong ba mùa giải 2016-2019 trị giá 5,136 tỷ bảng với Sky và BT Sport. So với hợp đồng 2013-2016 trị giá 3,018 tỷ bảng, con số này tăng 70%. Theo hợp đồng mới, 168 trận đấu sẽ được phát sóng trực tiếp, tương đương 10,2 triệu bảng/trận. Trong số này, Sky trả 4,176 tỷ bảng để phát 126 trận/mùa giải, trong đó có những trận đấu lần đầu tiên diễn ra vào đêm thứ sáu và cả hai gói của ngày chủ nhật. Còn BT Sport trả 960 triệu bảng để phát 42 trận/mùa giải - nhiều hơn bốn trận so với hợp đồng hiện tại.
Để thấy rõ hơn, hiện Sky đang trả 760 triệu bảng một năm để phát 116 trận trực tiếp, tương đương 6,6 triệu bảng/trận. Không tính BT Sport, giá trị một trận đấu mà họ phải trả cho hợp đồng ba năm tới là 11 triệu bảng, tức tăng gần gấp đôi, còn BT là 7,6 triệu bảng/trận cho 42 trận một mùa giải.Giá trị bỏ thầu của Sky và BT Sport tăng đã giải thích tại sao bản quyền truyền hình của Premier League tăng vọt. Đừng nói gì đến châu Âu và so sánh với La Liga của Tây Ban Nha, Bundesliga của Đức hay Serie A của Italy, hợp đồng này đã đưa Premier League lên vị trí thứ ba trong danh sách những giải đấu có bản quyền truyền hình lớn nhất nếu tính theo năm và thứ tư nếu tính theo thời hạn. Dẫn đầu là giải bóng đá Mỹ (NFL) với giá trị hợp đồng một năm là 3,24 tỷ bảng và kéo dài trong tám năm (25,95 tỷ bảng), trong khi giải bóng chày Mỹ (MLB) tuy giá trị hợp đồng một năm chỉ là 1,02 tỷ bảng và kém xa 1,7 tỷ bảng của Premier League, họ có hợp đồng tới tám năm, tương đương 8,13 tỷ bảng so với hợp đồng ba năm trị giá 5,14 tỷ bảng của Premier League.
Để giải thích vì sao giá trị bản quyền truyền hình của Premier League tăng cao như vậy, các nhà phân tích đã đưa ra ba lý do. Thứ nhất là sự cạnh tranh. Ngoài Sky và BT Sport, các hãng truyền hình như Discovery (hãng sở hữu Eurosport) và BeIN sports của Qatar cũng muốn nhảy vào. Thứ hai là lựa chọn. Sky có khoảng 10,5 triệu thuê bao nhưng hãng không bao giờ tiết lộ có bao nhiêu thuê bao mua các kênh thể thao. Nghĩa là việc bỏ thầu bản quyền Premier League còn mang nhiều ý nghĩa hơn thể thao vì hãng có thể thu hút các thuê bao mua thêm nhiều gói dịch vụ gia tăng khác bên cạnh truyền hình.
Và thứ ba là bản thân sản phẩm, Premier League, và sức hấp dẫn mà giải đấu mang lại.
Mỉa mai ở chỗ, trong khi khán giả làm tăng giá trị của Premier League, họ cũng phải bỏ ra một số tiền lớn để có thể thưởng thức các trận đấu. Với những thuê bao, tiền mua kênh chắc chắn sẽ tăng và với những khán giả đến sân, tiền vé vào sân cũng không hề rẻ. Rốt cuộc, người được lợi nhiều nhất, bên cạnh các hãng truyền hình, là 20 CLB ở mỗi mùa giải vì với giá trị hiện tại, đội bóng đứng cuối bảng xếp hạng mùa giải 2016/17 sẽ bỏ túi tới 99 triệu bảng, lớn hơn ngân sách của nhiều đội bóng lớn tại châu Âu, trong khi đội vô địch nhận được 150 triệu bảng. Đó là chưa kể khoản phí mà họ sẽ có thêm nếu có trận đấu của họ được phát sóng trực tiếp.
Ngoài nước cũng kiếm bộn tiền
Do các cuộc đàm phán về hợp đồng bản quyền truyền hình trên toàn thế giới chỉ mới được Premier League khởi động cách đây không lâu và dự kiến kết thúc vào tháng 12, vì thế, họ chưa thể thông báo chính xác một con số cụ thể. Tuy nhiên, hồi tháng 2 vừa qua, tức là khi hợp đồng của Sky và BT Sport được công bố, người ta đã dự báo hợp đồng bản quyền truyền hình trên toàn thế giới có thể tăng 30% từ mức 2,2 tỷ bảng của giai đoạn 2013-2016 lên 3,25 tỷ bảng của giai đoạn 2016-2019.
Con số này được tính toán dựa trên 80 hợp đồng ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chỉ riêng hợp đồng của NBC tại Mỹ và trong sáu năm vừa được kí đã là 640 triệu bảng.
Để thấy rõ hơn, chúng ta có thể nhìn lại hợp đồng bản quyền truyền hình trên toàn thế giới trong giai đoạn 2013-2016 để biết rằng Premier League được quan tâm nhiều nhất ở đâu. Theo đó, khu vực châu Á bỏ ra 940,8 triệu bảng, khu vực châu Âu ngoài vương quốc Anh là 607,2 triệu bảng, khu vực cận Sahara châu Phi là 205 triệu bảng, khu vực Trung Đông và Bắc Phi là 204,8 triệu bảng, khu vực Bắc Mỹ và Caribbean là 179,2 triệu bảng và Nam Mỹ là 96 triệu bảng.
Riêng ở châu Á, con số trên đã tăng mạnh so với 531 triệu bảng mà Premier League nhận được ở khu vực này cho hợp đồng 2010-2013, nghĩa là tăng tới 77%. Còn trong khu vực châu Á, Thái Lan dẫn đầu (bao gồm cho cả Lào và Campuchia) với 204,8 triệu bảng, sau là Singapore (190,1 triệu bảng), Hong Kong, Trung Quốc (128 triệu bảng) và Malaysia (128 triệu bảng).
Trong khi đó, theo Sportingintelligence.com, Việt Nam đã chi 22,4 triệu bảng, tương đương 35 triệu USD, để mua bản quyền truyền hình của Premier League trong giai đoạn 2013-2016.
Và sự nhòm ngó của các nhà đầu tư
Với bản quyền truyền hình tăng, các nhà phân tích cũng dự báo trong tương lai, Premier League có thể phải đối mặt với những cuộc thôn tính từ các nhà đầu tư bên ngoài vương quốc Anh, sau khi 11 trong số 20 CLB đã thuộc sở hữu của các triệu phú, tỷ phú từ Nga, Trung Đông, Mỹ, Thái Lan, Italy… Trong thời điểm kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc thì rõ ràng, đầu tư vào bóng đá và nhất là bóng đá Anh mang lại lợi nhuận rất đáng kể. Đó là chưa kể đây còn là một hình thức quảng bá hình ảnh cho các nhà đầu tư khi Premier League hiện diện ở khắp mọi nơi, từ thị trường châu Âu cho tới Mỹ, từ châu Phi cho tới châu Á.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất