Khai trương Bảo tàng Áo dài: Được ngưỡng mộ, nhưng vẫn gây tranh luận

23/01/2014 06:45 GMT+7 | Văn hoá



(Thethaovanhoa.vn) - Như Thethaovanhoa.vn đã thông tin, hôm qua (22/1) tại 206/19/30 Long Thuận, Q.9, TP.HCM, Bảo tàng Áo dài - có lẽ là đầu tiên tại Việt Nam và thế giới - đã chính thức khai trương. Với hơn 500 hiện vật áo dài và hơn 3.000 ảnh chụp, công phu mà nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng và cộng sự bỏ ra trong 10 năm qua xứng đáng được ngưỡng mộ. Thế nhưng xét về tiêu chí bảo tàng và công tác trưng bày, hẳn còn nhiều điều đáng bàn…

Trong một cuộc trò chuyện trước đây, Sĩ Hoàng hình dung không gian áo dài sẽ gồm có bảo tàng và nhà hát, với khuôn viên chừng 10ha, nay rộng 2ha, xem như cũng đi được 1/5 ước mơ. Anh đã nói: “… sẽ có rừng, ở đó sưu tập tất cả các loại tre trúc của Việt Nam, ngoài ra có hồ nhưng chỉ thả sen. Đó là những loại cây biểu tượng cho con người Việt Nam”. Nay thì khuôn viên phổ biến với dừa cùng các loại cây khác, tre và sen chưa thấy.

Sinh động áo dài


Phải công nhận một điều rằng, ngay với các tổ chức của nhà nước, để xây dựng được bảo tàng áo dài quy mô như thế này cũng không hề đơn giản, trong khi đây lại là do cá nhân thực hiện. Nơi đây được cho là có mẫu áo dài tứ thân thế kỷ 17, áo dài năm thân thế kỷ 18, áo dài Cát Tường (hiện đại) đầu thập niên 1930, áo dài hở cổ thập niên 1950, áo dài Sài Gòn thập niên 1960, áo dài hippy thập niên 1960…


Gọi áo của vương thân nhà Trịnh thế kỷ 18 là áo dài theo hình dung hiện tại, e là hơi gượng ép (!?)

Riêng về hoạt động trưng bày, bảo tàng sẽ luân phiên giới thiệu: áo dài qua các thời đại; áo dài của những phụ nữ cao quý; áo dài trẻ em; trong hội nhập quốc tế; trong sáng tạo chất liệu; trong tạo hình búp bê; do trẻ em vẽ trên giấy; trong văn học nghệ thuật, âm nhạc, phim ảnh…; phụ kiện và các dụng cụ liên quan đến may đo, trang trí áo dài… Ngoài ra, khách tham quan có thể tham gia “thiết kế” áo dài trên giấy; mua áo dài may sẵn; mặc thử áo dài trong không gian truyền thống; may áo dài cấp tốc một ngày; xem trình diễn thời trang và phim ảnh tài liệu về áo dài…

Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng thì: “… mỗi ngày tôi luôn “nghe ngóng” tìm xem ở đâu có người muốn tặng, muốn bán áo dài để bổ sung thêm. Sau khi bảo tàng ra đời, sẽ có một kế hoạch quảng bá rộng rãi, mời gọi mọi người sang nhượng, hiến tặng áo dài không sử dụng để kho hiện vật được phong phú hơn”.

Nhìn vào mô hình hoạt động khá sinh động như vừa kể, rõ ràng ban quản trị không muốn đây là một bảo tàng tĩnh, chỉ lưu giữ ký ức chết, mà cho nó một đời sống mới. Nếu tiêu chí: “bảo tồn - cách tân - hiện đại” được thực hiện hiệu quả thì tương lai đây sẽ là một địa chỉ đáng lui tới.

Áo dài bước qua 5 thế kỷ?

Lâu nay nhiều người vẫn hình dung áo dài là câu chuyện nội sinh, gần như xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, với Bảo tàng Áo dài thì không như vậy. Với những áo tứ thân hình thành từ thế kỷ 17, áo của vương thân nhà Trịnh thế kỷ 18, áo đoạn kép của hoàng đế thế kỷ 19, áo phượng bào Thu Đông của hoàng hậu thế kỷ 19… cũng được xếp vào áo dài thì tiêu chí về áo dài đã thay đổi.

Bởi nếu nhìn cởi mở như thế thì những vương phục, quan phục thời phong kiến là nguồn cội của áo dài Việt Nam (?). Đồng ý rằng những trang phục này có gợi hứng về ý tưởng để các họa sĩ, nhà thiết kế đầu thiết kỷ 20 vẽ nên chiếc áo dài quyến rũ và táo bạo như ta thấy. Nhưng nếu đẩy lịch sử áo dài về tận thế kỷ 17 (cách đây 5 thế kỷ), thì có vẻ như hơi gượng ép và cũng không sòng phẳng, bởi lịch sử trang phục của triều đình phong kiến Việt Nam không chỉ dừng lại ở cột mốc này.

Về cách trưng bày, việc bố trí áo dài của những tên tuổi hiện đại như Anh hùng Nguyễn Thị Định, gia đình nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ múa Vương Linh… xen kẽ và ngang bằng đẳng cấp với áo của hoàng thân nhà Trịnh, nhà Nguyễn, áo dài tứ thân… thì hơi bất cập. Đúng lý, nên phân lô riêng và nên xếp theo tiến trình lịch sử.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm