Tiếng nói M.U: Nơi tình yêu bắt đầu

23/04/2013 14:04 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Trong triết học có một khái niệm gọi là “Quy luật lợi ích cận biên giảm dần”. Đại loại nói về nhu cầu vật chất, nhu cầu của con người sẽ giảm dần đều theo số lần được đáp ứng. Ly rượu đầu làm ta hứng khởi, ly rượu thứ hai và thứ ba làm ta hưng phấn, ly rượu thứ năm thứ sáu làm ta chếnh choáng và các ly sau đó ta không sẽ còn cảm giác gì.

Chức vô địch mùa bóng 2012-2013 là chiếc cup thứ 20 của Man United. Thứ 13 cho Sir Alex Ferguson và huyền thoại sống Ryan Giggs. Nhưng là lần đầu cho những Welbeck, Cleverly, Kagawa và đặc biệt cho Van Persy. Họ hưng phấn là đúng rồi, cái gì lần đầu chẳng háo hức và phấn khích cơ chứ. Ly rượu đầu tiên, men say chiến thắng đầu tiên họ được thưởng thức mà.

Thế còn Sir Alex và những người như R. Giggs hay W. Rooney thì sao nhỉ? Có ai không quên được hình ảnh họ ăn mừng chức vô địch tối qua trên sân Old Trafford không? Này nhé, “ông lão” Ferguson 71 tuổi và “ông già” Giggsy 40 tuổi cũng nhảy nhót la hét không thua gì lũ “trẻ trâu” như Cleverly hay Rafael đâu nhé.

Có chút gợn khi Rooney bị thay ra ở phút 71. Nhưng các fan của United sẽ “nhẹ lòng” khi nhìn hình ảnh anh cười toe toét nhảy lên ôm cổ Persy lúc ăn mừng. Hình ảnh ăn mừng đơn giản thế thôi nhưng nhiều ý nghĩa lắm lắm. Mùa này Rooney đã hy sinh rất nhiều cho lợi ích và cho chiến thắng của đội bóng. Không ai quên được cú phất bóng của Wazza cho Persy khi bàn thứ 2 trong trận thắng Aston Villa tối qua. Cú ra chân trái bóng sống của Persy là tuyệt phẩm thể hiện “bản năng gốc” của sát thủ người Hà Lan. Nhưng pha chuyền bóng mẫu mực của Rooney phác họa chân dung của anh mùa bóng này: Người hùng thầm lặng.


Rooney đã hy sinh rất nhiều vì tập thể mùa giải này

Hình ảnh Persy nhấc bổng Rooney lên pha làm bàn là một “tuyệt phẩm” mang tên “tinh thần United”: Tất cả đoàn kết vì chiến thắng chung (từ “United” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là đoàn kết).

Đừng hỏi vì sao United giành lắm cup thế. Cũng đừng hỏi tại sao cái tên United lại mê hoặc thế. Mê hoặc đến nỗi Persy chơi cho Arsenal những 8 năm chẳng thấy xi nhê gì, mới chuyển về United được dăm bữa đã thốt lên “Tôi nghiện Man United mất rồi”.

Van Persie đã hai chín tuổi. Đã chơi bóng chuyên nghiệp rất lâu. Nhưng chỉ đến khi gặp được United anh mới hiểu như thế nào là mối tình đầu. Mối tình đầu này ngọt ngào lắm đúng không Persy? Mỗi khi đã “nghiện”nó rồi, chắc chắn anh chẳng dứt ra được đâu. Anh muốn thế. Sir Alex muốn thế. Và tất nhiên tất cả những ai yêu màu áo đỏ của United càng muốn thế. Mùa sau đổi số áo từ 20 sang 21 nhé, chàng Hà Lan bay.

Lúc này đây, Sir Alex có lẽ đang nhâm nhy ly sâm banh mừng chiến thắng quen thuộc. Persy mới uống có ly rượu đầu tiên, anh “điên” vì phấn khích là đúng rồi. Sir Alex đã uống đến ly rượu chiến thắng thứ 13 thế mà vẫn “điên”, vẫn phấn khích. Cứ như lần đầu tiên vậy!

Thật chẳng có quy luật nào sánh nổi sự đam mê bất tận của con người đáng kính này nữa!

Có lẽ nên quẳng cái quy luật triết học “Nhu cầu cận biên giảm dần” vào sọt rác đi. À mà thôi, nên thay đổi cái quy luật này thành “Quy luật nhu cần cận biên tăng dần” thì đúng hơn.

Bởi vì tại Man United, cho dù là mùa bóng đầu tiên như đối với Van Persy hay mùa bóng thứ … 25 đối với Sir Alex Ferguson, tất cả đều như mối tình đầu.

Man United – nơi tình yêu bắt đầu. Và sẽ không có kết thúc

Nguyễn Đức Sơn

Richard Moore Associates

 
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm