Với Coquelin, Arsenal không còn lo vấn đề 'cơ bắp'

15/04/2015 05:10 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Sự đi lên của tiền vệ người Pháp mùa giải này có hơi hướm giống như câu chuyện của Harry Kane ở Tottenham. Anh là một sự phát hiện... hoàn toàn may mắn của Arsene Wenger.

1. Từ đầu năm 2015 tới nay, hai tờ báo The Telegraph và The Guardian của nước Anh đã không ít lần dùng cụm từ “những ngày như mơ” để nói về sự thăng hoa của Harry Kane.

Từ địa vị của một cầu thủ U21, Kane bất ngờ được đá chính do Emmanuel Adebayor và Roberto Soldado đã mang đến màn đen u tối phủ vào mắt người hâm mộ Tottenham. Ban đầu Kane chơi hay ở Europa League, người ta ngờ rằng vì Adebayor và Soldado quá tệ nên cần thận trọng(!).

Rồi Kane tỏa sáng ở Premier League, vươn vào nhóm các chân sút cạnh tranh danh hiệu Vua phá lưới. Đỉnh cao cho “những ngày như mơ” của Kane là việc anh được gọi lên ĐT Anh (và ghi bàn trong trận ra mắt) trước khi gia hạn hợp đồng và nhận băng đội trưởng của Tottenham.

Cũng ngay tại Bắc London, có một cái tên khác đang trải qua “những ngày như mơ”. Nhưng anh ta không hiền lành, vẻ ngoài không giống như đang “mơ” nên không nhiều người dùng từ ngữ bay bổng cho anh. Đó là Francis Coquelin.

2. Nghe tưởng như là phũ phàng, nhưng quả thực sự tỏa sáng của Francis Coquelin ở Arsenal là điều hoàn toàn... may mắn.

Mọi thứ bắt đầu từ cơn bão chấn thương - mối lo mang tính “truyền thống” của Arsenal. Ngày 12/12/2014, Arsenal bất ngờ tuyên bố triệu tập Coquelin trở lại. Chưa đầy 2 tuần trước đó, HLV Wenger đã đồng ý cho anh ở lại Charlton Athletic thêm 1 tháng (tới 1/1/2015) theo hợp đồng mượn cầu thủ.

Đó là thời điểm mà Mikel Arteta bắt đầu nghỉ dưỡng thương dài hạn. Jack Wilshere chưa hẹn ngày trở lại, Aaron Ramsey gặp vấn đề 3 hôm trước đó, trong trận gặp Galatasaray. Không cần nhắc đến Abou Diaby nữa. Santi Cazorla và Alex Oxlade-Chamberlain phải lui về trung tâm - vị trí không phải sở trường.

Coquelin nhận lời triệu tập trở lại Arsenal khi tâm thế đang hướng về trận tiếp theo của Charlton. Anh lập tức băng qua sông Thames, về đại bản doanh của “Pháo thủ:. 24 giờ sau đó, Coquelin đá chính từ đầu trong trận giữa Arsenal và Newcastle tại Premier League.

Ngày hôm ấy, anh mặc áo số 34. Chẳng có ấn tượng nào về số áo này, kể cả với những CĐV trung thành của Arsenal. Coquelin trước đó mặc các số áo 35, 22 rồi 39. Số áo chẳng quan trọng với anh, bởi dù sao thì... anh cũng không được đá chính. Xét về vị trí thi đấu thì Coquelin từng lấp đủ loại chỗ trống, từ hậu vệ trái, hậu vệ phải, tiền vệ cánh ở Arsenal.

3. Tóm lại, thành công của Arsenal trong việc “phát hiện” Coquelin ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn với bàn tay của... số phận. Dĩ nhiên không thể phủ nhận nỗ lực của cá nhân cầu thủ này.

Trở về Arsenal, Coquelin đã mang đến một giá trị tinh thần tương đối mới mẻ cho đội bóng: thái độ không chấp nhận thất bại.

Đã từ lâu, ở CLB chủ sân Emirates, vị trí thứ tư đã được coi là đáng hài lòng, để thủng lưới có thể khuây khỏa bằng việc ghi bàn, thua một trận lớn có thể gỡ gạc bằng vài chiến thắng trước các đội tiểu nhược.

Khi Mikel Arteta nhận băng đội trưởng, đó chính là hình ảnh tiêu biểu cho giá trị của Arsenal: một cầu thủ ổn định của các đội bóng nhỏ, hiền lành, dễ mến nhưng chẳng bao giờ vươn tới đỉnh cao thực sự.

Arsene Wenger liệu có nhận ra điều đó hay không? Câu trả lời là trong thời gian qua, ông đã dần cơ bắp hóa Arsenal, chấp nhận chơi phòng ngự phản công chủ động, hệ thống đánh chặn được bố trí co cụm hơn so với những năm trước. Coquelin là đại diện tiêu biểu cho công cuộc này, kéo theo sau là Danny Welbeck, Alexis Sanchez, Gabriel Paulista.

Arsenal dường như đang tìm về sự cân bằng của quá khứ. Năm 2004, họ lên đỉnh với một tập thể cân bằng giữa nghệ sĩ và chiến binh.

Sự trở lại và tỏa sáng của Coquelin là một điều may mắn. Wenger cần biến sự may mắn này thành một hệ thống có kiểm soát để đưa CLB đi lên.

Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm