Hiện tượng của Man United: Nghiêm túc như Scholes, Rashford sẽ tiến xa

02/03/2016 06:37 GMT+7 | Man United

(Thethao & Văn hóa) - Tài năng cần thời gian phán xét, nhưng về tính cách, Marcus Rashford là cầu thủ đáng để Man United hy vọng. Anh ham học hỏi, rất nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Ghi 4 bàn sau 2 trận ra mắt Europa League và Premier League, trở thành cầu thủ trẻ nhất của United ghi bàn ra mắt ở cúp châu Âu, Marcus Rashford không tổ chức tiệc ăn mừng. Anh đi học, theo mô tả của The Sun, trên chiếc Audi A3 màu xám khiêm tốn. Anh học chung trường Ashton tại Manchester với 1.475 học sinh khác. “Một cậu bé rất thông minh, hiểu tầm quan trọng của việc học hành”, một nguồn tin nói.

Cầu thủ thời iPhone

Trường học này dạy dỗ những cầu thủ khác của Man United như Darren Fletcher, Danny Welbeck và Jonny Evans. Họ học bóng đá ở học viện và được CLB trả tiền học phí văn hóa. Việc học của cầu thủ thường bị đánh giá thấp, bởi sức ép từ công việc đá bóng choán hết thời gian. Nhưng không thể phủ nhận, việc học phản ánh ý thức của người trẻ.

Học viện Man United từng có những người được đánh giá cao, nhưng lụi tàn vì lối sống. Sir Alex Ferguson đã nhận xét về Ravel Morrison: “Người xuất sắc nhất của thế hệ sinh năm 1993”. Nhưng ông cũng phải bó tay vì Morrison hủy hoại mình. Tiệc tùng, gái gú thâu đêm, ở tuổi 18, anh đã hầu tòa vì cáo buộc tấn công người khác.

Bầu Đức của Việt Nam có câu: “Cầu thủ càng lớn càng mất dạy”. Jose Mourinho ở bên Tây bảo: Cầu thủ càng trẻ càng hám tiền. “Trước kia, họ cố gắng đá tốt với mong muốn giàu có khi giải nghệ. Bây giờ, cầu thủ kiếm tiền quá dễ. Họ kiếm chác từ hợp đồng đầu tiên dù chưa đá trận nào ở Premier League, chẳng biết Champions League là gì”, Mourinho nói.

Không khó tìm ra những ví dụ. Mario Balotelli năm nay 25 tuổi, vẫn chưa làm sao lớn dù từng được dự đoán sẽ vĩ đại. Nguyên nhân: Ý thức chuyên nghiệp quá kém. Thay vì tập trung tập luyện, anh tập trung phá phách. Liverpool cho Milan mượn anh từ đầu mùa và HLV Juergen Klopp cũng chẳng buồn kéo lại. Ở Man United, vì xao nhãng mà Depay sa sút. HLV Van Gaal đã đẩy anh xuống đội trẻ, mãi gần đây, anh mới tiến bộ.

Marcus Rashford: Người tạo cơn 'khoái cảm' ở Man United

Marcus Rashford: Người tạo cơn 'khoái cảm' ở Man United

Man United đang chơi như ở trạng thái “hứng tình” (từ của Van Gaal) với hai chiến thắng ấn tượng trước Midtjylland tại Europa League và Arsenal ở Premier League. Ngôi sao của hai trận đó: Marcus Rashford.


Thế hệ 1992 là tấm gương

Không phải tài năng, chuyên nghiệp và khổ hạnh mới là phẩm chất đáng trân trọng nhất của thế hệ 1992. Gary Neville tự tách mình khỏi bạn bè, vì bóng đá. David Beckham tập đá phạt với lốp cao su sau vườn. Ryan Giggs đều đặn tập yoga, và là cầu thủ chăm sóc cơ thể tốt nhất, theo đánh giá của Ferguson. Paul Scholes hiếm khi trả lời phỏng vấn. Anh nhút nhát, khiêm tốn và chăm chỉ. Cuối sự nghiệp, người ta hỏi Scholes: “Anh hài lòng về khía cạnh nào của sự nghiệp đã qua?”. Scholes trả lời: “Hài lòng sao được. Tôi ghi quá ít bàn”.

Những câu chuyện thành công của Man United đều có mẫu số chung như thế. George Best, số 7 nghiện rượu là ngoại lệ. Nhưng bóng đá những năm 1960 hiển nhiên khác hẳn bây giờ, thời của sự cạnh tranh, thời của mạng xã hội, của sự tập trung và kiên nhẫn trở thành hiếm hoi. Tháng 9 vừa rồi, khi được yêu cầu so sánh thế hệ Patrick Kluivert những năm 1990 tại Ajax với nhóm cầu thủ trẻ Man United, Van Gaal nói: “Không thể đánh giá được. Cầu thủ bây giờ trên tay lúc nào cũng có iPhone. Ngày xưa làm gì có!”.

Ai cũng yêu những cầu thủ cá tính. Nhưng cần tách bạch cá tính ấy với thái độ. Trên sân, Eric Cantona rất hoang dã. Cú kung-fu vào một CĐV của Crystal Palace năm 1995 là ví dụ. Nhưng thật ra, Cantona là người chuyên nghiệp. Năm 1992, Alex Ferguson gọi điện cho Giám đốc kĩ thuật đội tuyển Pháp Gerard Houllier hỏi về Cantona trước khi chuyển nhượng. Houllier trả lời: “Cứ nhắm mắt mà chọn cậu ta. Việc của ông chỉ là quản lý tốt. Cậu trai đó yêu công việc, ham thích tập luyện, chỉ cần được tin tưởng. Cậu ta không bao giờ làm loạn”.

Lịch sử chứng minh những gì Houllier nói. Đội bóng của những công nhân thành phố công nghiệp Manchester luôn có chỗ cho một Cristiano Ronaldo, Eric Cantona, hoặc tài năng trung bình nhưng chuyên nghiệp như Phil Neville, nhưng không chứa chấp một Ravel Morrison. Những người trẻ thành danh nhờ Van Gaal đều khiêm tốn, chăm chỉ: Xavi, Iniesta, Puyol, Mueller, Seedorf, Kluivert… Đây là những tấm gương sáng của thế hệ Rashford.

Man United sẽ buộc phải tăng lương cho Rashford thời gian tới, nếu không muốn anh trở thành Paul Pogba thứ hai. Khi ấy, ý thức của cầu thủ 18 tuổi sẽ lập tức trả lời câu hỏi: Anh sẽ đi tới đâu? Tới đỉnh cao nếu anh vẫn giữ thái độ này. Tới sự quên lãng nếu anh cư xử như một Morrison. Không cần đi đâu xa, pho sử Old Trafford cũng đủ dạy Rashford rất nhiều điều.

2,95 Gõ Marcus Rashford lên Google ở thời điểm ngày 1/3, thấy ngay 2,95 triệu kết quả. Để so sánh, Raheem Sterling, thi đấu chuyên nghiệp sớm hơn Rashford 7 năm, có 1,65 triệu.

51 18 tuổi 117 ngày, Marcus Rashford ghi bàn ra mắt cúp châu Âu cho Man United, trẻ nhất lịch sử CLB, phá kỉ lục tồn tại 51 năm của huyền thoại George Best.

9 Hai trận vừa rồi, Marcus Rashford sút 9 cú trúng đích. Anh ghi 4 bàn. Trung bình, 43 phút/bàn.

Rashford sắp được tăng lương

Mới đây, báo Anh tiết lộ Rashford chỉ hưởng mức lương 500 bảng/tuần ở Man United, ít hơn 600 lần so với tiền lương của người đàn anh Wayne Rooney (khoảng 300 nghìn bảng/tuần) tại Old Trafford. Trang Football Insider cho biết Man United đang có ý định thưởng cho Rashford bằng cách tăng lương cho anh. Trong khi đó, tờ báo thể thao uy tín của Italy là Gazzetta dello Sport đã chọn cầu thủ trẻ của Man United vào Đội hình xuất sắc nhất châu Âu tuần qua.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm