Hay là Jose Mourinho đã hết thời?

02/02/2016 06:49 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - HLV Jose Mourinho phải viết "tâm thư" dài những 6 trang để xin việc ở M.U? Báo chí cứ đăng, người của ông thì cứ phủ nhận. Chuyện hơi khó tin. Nhưng dù báo chí "dựng chuyện" đi nữa, cũng có cơ sở. M.U mà không rước Mourinho, dễ gì ông kiếm được đội bóng mới? Thế giới bóng đá bao la rút cuộc lại đang trở nên quá hẹp để HLV đại tài Mourinho tìm chốn dung thân!

Vẫn biết, Mourinho không có nhiều chọn lựa trước tiên bởi một HLV kiêu ngạo và thực dụng như ông sẽ chẳng bao giờ chấp nhận mức lương tầm thường. Nhưng ngược lại, đau đớn thay, cũng vì quá giỏi mà Mourinho không dễ kiếm việc. Rước một HLV như Mourinho đồng nghĩa phải rước thêm khá nhiều vấn đề. Chẳng hạn phải chấp nhận quỹ chuyển nhượng và bộ sậu phụ việc do ông đề nghị, hoặc phải chấp nhận áp lực mà Mourinho đem đến. Thà rằng Mourinho chỉ là một tài năng... bình thường, thà ông chưa có quá nhiều danh hiệu, có khi lại đơn giản hơn. Ông mà ở đẳng cấp của Juergen Klopp, biết đâu câu chuyện về "bức tâm thư" kia phải đảo ngược: M.U viết thư mời ông huấn luyện?

Thực hư chuyện Mourinho gửi thư xin việc ở Man United

Thực hư chuyện Mourinho gửi thư xin việc ở Man United

Người đại diện của Jose Mourinho đã nói những tin tức về việc HLV người Bồ Đào Nha viết thư cho Man United xin làm HLV tiếp theo của Old Trafford là “hoàn toàn lố bịch và hết sức ngớ ngẩn”.


* Mourinho vượt trội tất cả

Nhìn lại các biểu đồ về kết quả và phong độ của Chelsea kể từ đầu thiên niên kỷ mới, người ta thấy rõ: Mourinho vẫn hơn hẳn những người kế nhiệm hoặc tiền nhiệm. Các đỉnh điểm về kết quả của Chelsea trong thời kỳ đầu Mourinho cầm quân (2004-2007) không chỉ vượt xa những HLV còn lại. Đấy còn là giai đoạn mà Chelsea gặt hái kết quả tốt nhất trong toàn bộ lịch sử CLB. Ở thời kỳ thứ hai (2013-2016), Mourinho chỉ thua... chính mình trong thời kỳ đầu. Carlo Ancelotti (2009-2011) là HLV duy nhất tiếp cận được với Mourinho trong thời kỳ thứ hai, khi so sánh những kết quả tốt nhất. Đáng lưu ý: những điểm thấp nhất trong biểu đồ về kết quả của Chelsea dưới thời Mourinho (ở cả hai giai đoạn) đều nằm cao hơn so với điểm cao nhất trong giai đoạn Claudio Ranieri huấn luyện (2001-2004).


Mourinho cũng vẫn vượt trội tất cả trong biểu đồ về phong độ của Chelsea từ năm 2001 đến nay. Ngoài Mourinho, các HLV khác từng dẫn dắt Chelsea trong thế kỷ 21 là Ranieri, Avram Grant, Luiz Felipe Scolari, Ancelotti, Andre Villas-Boas, Roberto Di Matteo, Rafael Martinez. Đâu phải ít!

Cũng cần lưu ý: khi vẽ biểu đồ về thành tích và phong độ của Chelsea suốt 15 năm qua, giới chuyên môn đã cân nhắc để chọn phương pháp nghiên cứu và cách thể hiện phù hợp. Tất nhiên, bóng đá luôn có hàng trăm lăng kính khác nhau để người ta so sánh mức độ thành công của các HLV. Năm 2012, dù chỉ là HLV tạm quyền, Roberto Di Matteo vẫn đem về cho Chelsea thành tích vang dội nhất trong lịch sử CLB: vô địch Champions League. Nhưng chỉ vài tháng sau, Di Matteo lại bị sa thải trong tư cách HLV trưởng. Đấy là HLV giỏi hay HLV "gặp thời"? Đấy là HLV không có thực tài hay ông mất ghế vì "gặp hạn"?

Rất khó nói! Bóng đá đỉnh cao còn có cơ man những trường hợp tương tự: thiên hạ khen đấy, rồi lại chê đấy. Mùa trước, Ronald Koeman mới lần đầu tiên dẫn dắt Southampton đã thành công ngoài mong đợi. Nhưng mùa này, Koeman có lúc lao đao và đối diện nguy cơ bị sa thải. Ở Serie A, CLB AS Roma vừa sa thải Rudi Garcia, một HLV mà chỉ cách nay không lâu còn được xem là "hiện tượng". Brendan Rodgers, sau những thành công vang dội ở Swansea, suýt giúp Liverpool vô địch Premier League 2014. Nhưng Rodgers rút cuộc đã bị sa thải trong mùa bóng này.

Đấy chính là chỗ khác biệt. HLV nào cũng có thể gây tiếng vang trong bóng đá đỉnh cao, lúc này hoặc lúc khác. Nhưng thành công nhiều lần, ở nhiều nơi như Mourinho, làng huấn luyện có bao nhiêu vị? Người ta xếp Mourinho chung nhóm với Marcello Lippi, Louis Van Gaal, Fabio Capello, Arrigo Sacchi... cũng là vì thế. Đấy là những tên tuổi lớn mà khi nói về họ thì không nhất thiết phải giới thiệu xem họ đã có danh hiệu gì.

Họ phải có nhiều danh hiệu, trong một giai đoạn lâu dài, trong đó có những danh hiệu được giành lại sau khi chính họ đã thất bại. Khả năng gượng dậy sau khi vấp ngã, rồi lại thành công oanh liệt, chính là điều làm nên thương hiệu cho những Van Gaal hoặc Mourinho.


Guardiola (trái) đã chọn Man City, Mourinho có đến Man United?

* Đã qua khỏi chu kỳ thành công?

Vấn đề đặt ra: khi nào thì họ... gục hẳn? Có lẽ đây mới là câu hỏi lớn cho tương lai của Mourinho. Ông có thể nắm M.U trong những ngày tới, hoặc mùa bóng tới, cũng có thể sang Serie A với Juventus, ký một hợp đồng chắc chắn phải bộn bạc với Paris SG... Cũng không loại trừ khả năng Mourinho được mời dẫn dắt đội tuyển BĐN. Ở đâu cũng được, bất quá ông chỉ đến rồi lại đi. Nhưng, Mourinho có còn khả năng thành công ở đẳng cấp cao?

Chính ông từng nói, ngay giữa vinh quang chói lòa: "Một ngày nào đó, thất bại sẽ đến. Những kết quả tồi tệ sẽ xuất hiện. Tôi sẽ phải chấp nhận những kết quả ấy". Mourinho nói về thất bại khi ông vừa đưa Porto lên ngôi vô địch Champions League 2004. Bây giờ, khi bị Chelsea sa thải, ông đã nhắc lại những gì mình nói, rồi bình luận thêm: "Nghề này là vậy. Bóng đá là vậy. Thất bại đã chờ tôi suốt 11 năm qua".

Vâng, thất bại đã... chờ Mourinho, cũng như thất bại đã kiên nhẫn chờ để chụp xuống biết bao tượng đài khác trong làng huấn luyện. Lippi bất ngờ đưa Azzurri lên ngôi vô địch World Cup 2006, trong một hoàn cảnh kỳ lạ. Nhưng đấy chính là vinh quang cuối cùng, sau khoảng chục năm liên tục thành công (5 chức VĐQG, 1 lần vô địch và 3 lần vào chung kết Champions League trong giai đoạn 1995-2003). Lần thứ hai Lippi dẫn dắt đội tuyển Italia là một thảm họa. Rồi ông giải nghệ sau 2 năm huấn luyện ở... Trung Quốc. Fabio Capello chỉ chói sáng trong giai đoạn 1992-2001. Sau này, ông chỉ dẫn dắt đội Anh hoặc đội Nga một cách nhạt nhòa. Ngày xưa, Bill Shankly có 9 năm gần như là cả một lịch sử nhỏ ở Liverpool... Dù được gọi là "phù thủy" như Guus Hiddink đi nữa, rồi cũng có lúc thất bại nối tiếp thất bại. Gần đây, HLV nổi tiếng này đâu có làm được điều gì đáng kể!

Tất nhiên, thi thoảng cũng có ngoại lệ. Alex Ferguson hoặc Giovanni Trapattoni chẳng hạn. Họ đi vào huyền thoại rồi. Ở đây, chúng ta đang nói về đẳng cấp HLV lớn. Có một chu kỳ khoảng chục năm dành cho cỡ HLV như Mourinho? Họ chỉ thành công trong giai đoạn đỉnh cao ấy? Và nỗ lực trở lại đỉnh cao của họ sẽ trở nên vô ích sau khoảng chục năm đỉnh cao?

Mourinho vô địch Champions League ở các đội bóng khác nhau. Ông đã vô địch ở nhiều giải đấu khác nhau - BĐN, Anh, Italia, TBN. Ông đã là HLV xuất sắc nhất năm không biết bao nhiêu lần. Tóm lại, ông đã ngự trị hơn chục năm rồi - từ 2003 đến 2015. Tám danh hiệu VĐQG và 2 lần vô địch Champions League là quá đủ để Mourinho hãnh diện đáp trả những ai nghi ngờ tài năng của mình. Đau đớn thay, cũng là quá đủ để người ta bắt đầu bàn về một khả năng... hết thời. Thà rằng "người đặc biệt" vẫn chưa kéo dài thành công của mình qua một thập kỷ, có khi ông lại được trọng vọng hơn. Thà rằng ông chỉ mới 2 lần VĐQG như Juergen Klopp, có khi người ta lại chờ đợi ông tiếp tục vươn lên bằng khao khát cháy bỏng của loại HLV... chưa đạt đến đẳng cấp tượng đài!

Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm