Góc nhìn: Klopp, hãy cẩn trọng với khoái cảm của truyền thông Anh

31/10/2015 09:40 GMT+7 | Liverpool

(Thethaovanhoa.vn) - Juergen vẫn đang kiếm tìm trận thắng đầu tay ở Premier League và trớ trêu thay, chiến thắng đầu tay ấy của ông có thể sẽ là dấu chấm hết cho một đồng nghiệp.

1. Nếu “Người bình thường” Klopp đả bại “Người đặc biệt” Mourinho tại Stamford Bridge đêm nay, HLV người BĐN chắc sẽ không thể tự nhận mình là người hạnh phúc nữa và kết cục nào chờ đợi ông đầu tuần tới là thứ mà ai cũng có thể hình dung rõ ràng.

Có thể, ngoài đời, Klopp rất tôn trọng Mourinho, thậm chí là dành những cảm tình đặc biệt đi nữa, thì trên sân cỏ, tất cả những gì ông có thể mang lại chỉ là mấy tiếng “không khoan nhượng”. Cuộc đấu là nơi người ta phải thể hiện khát vọng và nỗ lực để chiến thắng. Còn sự cảm thông, nó sẽ chỉ đến khi trận cầu đã chấm dứt. Tất cả đều hiểu rõ nguyên tắc ấy và Klopp cũng vậy. Việc Mourinho bị sa thải có thể khiến Klopp chạnh lòng đi nữa thì ông vẫn phải góp thêm một tay để thực thi nó. Đơn giản, Klopp đang trong giai đoạn khẳng định giá trị của mình ở nước Anh và ông cần tận dụng mọi cơ hội để làm điều đó. Song, đằng sau câu chuyện ấy, Klopp cũng nên nhìn vào Mourinho như một bài học lớn về Premier League, về truyền thông Anh quốc và thân phận của một HLV đánh thuê.

2. Hôm thứ Năm vừa rồi, tờ L’Equipe đưa hình ảnh Mourinho ra trang bìa với cái tít “Mourinho, la Disgrâce” (tạm dịch: Mourinho, kẻ sa cơ). L’Equipe chủ yếu phân tích về thất bại của Mourinho, với nguyên nhân chính là hàng thủ và sự chủ quan ở mùa Hè trong việc tăng cường lực lượng. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, báo chí Anh đã hồ hởi tung tin “Mourinho bị L’Equipe gọi là disgrace”, với sự mập mờ nằm chính trong từ ‘disgrace’ ấy. Trong tiếng Anh, nó cũng có nghĩa ‘sa cơ’ như tiếng Pháp nhưng nó cũng có thêm ý nghĩa là ‘nỗi ô nhục’. Tất nhiên, ai muốn hiểu theo cách nào là tùy người đó nhưng điều quan trọng là tại sao báo chí Anh lại hưng phấn đến vậy vì một sản phẩm của đồng nghiệp bên kia eo biển Manche? Dễ hiểu, truyền thông Anh vẫn luôn hằn học với các HLV ngoại như một truyền thống suốt hai thập niên qua.

Ngày Wenger ra mắt ở Arsenal, chính báo chí Anh cũng giật cái tít rất ‘khinh người’ là ‘Arsene nào thế?’. Sau một giai đoạn minh chứng được giá trị của mình, Wenger cũng chẳng hề yên ổn với báo giới sở tại được bao nhiêu. Họ luôn tìm cơ hội để dấy lên những đợt công kích ông, đề nghị ông từ chức và thậm chí giễu cợt đội bóng không danh hiệu của ông mỗi khi có thể. Ngay cả Ferguson cũng không phải là ngoại lệ. Những ngày khởi nghiệp ở Man Utd, người đàn ông Scotland cũng luôn là tâm điểm công kích của báo chí Anh. Sau danh hiệu đầu của ông với Man Utd (Cúp FA), chính giới truyền thông còn nhắn nhủ Fergie rằng “Ừ thì cũng chứng minh mình có được danh hiệu. Giờ thì về Dublin được rồi”. Sau này, những HLV như Houllier, Scolari… cũng luôn phải chịu các áp lực ghét bỏ như thế mà điển hình là Brendan Rodgers, người tiền nhiệm của Klopp. Chính Rodgers đã cay đắng kết tội truyền thông Anh là thủ phạm khiến Liverpool sa thải ông chứ không phải ai khác.

3. Nói tóm lại, có lẽ vì nước Anh không có HLV tài năng nên báo chí Anh có một khoái cảm đặc biệt là ‘chặt chém’ các HLV ngoại bất chấp việc họ hiểu rằng chính các HLV ấy đã tạo ra giá trị cho giải đấu của mình.

Bởi thế, Klopp cần phải nhìn từ bài học Mourinho để hiểu rằng, chỉ có những thành tích mới giúp ông bịt miệng truyền thông mà thôi. Bằng không, ông sẽ là nơi để truyền thông Anh quốc trút hết những cơn bực bội của họ, nhất là khi ông đến từ Đức, một nền bóng đá đại kình địch của người Anh. Đơn giản, truyền thông Anh quốc mạnh mẽ, chuyên nghiệp nhưng không có tim. Như Mourinho đấy thôi, ở lúc này, khi ông đang còn đang bạc đầu vì cha mình đang nằm viện sau đợt phẫu thuật não, truyền thông Anh cũng chẳng thèm đếm xỉa tới mà cứ thế tiếp tục khoái cảm nhẫn tâm của họ.

Bài học ấy, chắc Klopp sẽ rùng mình vì sợ.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm