Facebook phát sóng bóng đá Anh: Cuộc chiến giữa sóng truyền hình và internet

24/09/2018 18:19 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Người Anh vốn bảo thủ nhưng trong bóng đá và bản quyền truyền hình, họ đã đi trước tất cả rất nhiều bước. Nhờ vậy mà gần 30 năm qua, sự ra đời của Premier League và bản quyền truyền hình đi kèm đã giúp giải đấu này giàu có hơn, mạnh hơn.

Xem pha dứt điểm như 'bóng đá Anh' của Anh Đức trước U23 Nepal

Xem pha dứt điểm như 'bóng đá Anh' của Anh Đức trước U23 Nepal

Từ quả tạt của đồng đội, Anh Đức đánh đầu hiểm hóc mở tỷ số cho U23 Việt nam trước U23 Nepal trong trận đấu thuộc khuôn khổ thứ hai vòng bảng ASIAD 2018

Bản quyền truyền hình và sự ra đời của Premier League

Đề xuất về việc thành lập một giải đấu mới thay cho First Division xuất hiện vào cuối mùa giải 1990-91. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của 18 thành viên của First Division cũng như Liên đoàn bóng đá Anh (FA) thông qua báo cáo "Blueprint for the Future of Football". Premier League dần được thành lập: Kí thỏa thuận của các thành viên sáng lập vào ngày 17/7/1991, biên bản rút lui khỏi Football League và sự phê chuẩn từ FA.

Lí do thành lập Premier League được giải thích là "để ngăn cản các CLB lớn phải nhường doanh thu cho các hạng thấp” theo quy định của Football League nhưng cũng nhằm mục đích tối đa hóa lợi thế của các CLB khi hợp đồng bản quyền truyền hình được giai hạn. Khi đó, ITV độc quyền phát sóng các trận đấu của Football League sau khi trả 44 triệu bảng trong giai đoạn 4 năm (1988–1992).

Premier League ra đời vào năm 1992 nhưng điều đáng nói khi đó là sự xuất hiện của Sky Television của tỉ phú Rupert Murdoch. Sky Television đã hợp nhất với BSB để lập ra một công ty mới BSkyB vào tháng 11/1990 nhưng vụ thôn tính này mang lại rắc rối cho Murdoch khi BSkyB lỗ mỗi tuần 14 triệu bảng. Đến cuối năm 1991, BSkyB lỗ 2 tỉ bảng và công ty có 3 lựa chọn để giải quyết tình hình: Kinh doanh phim khiêu dâm, phim bom tấn và độc quyền các sự kiện thể thao. Cuối cùng, họ quyết định tập trung vào bóng đá, dù đã có bản quyền giải cricket và rugby, và Premier League là mục tiêu số 1.

Những cuộc đàm phán kéo dài sau đó và thật khó để thuật lại chi tiết, chỉ biết một điều rằng, so với bản hợp đồng ít ỏi của ITV với Football League, BSkyB đã đưa ra đề nghị 304 triệu bảng cho hợp đồng 5 năm.

Premier League đã được hưởng lợi từ sự xuất hiện của BSkyB và kể từ đó giá trị bản quyền truyền hình của giải không ngừng tăng cùng với số trận phát sóng. Số liệu năm 2014 của Deloitte cho thấy, doanh thu của Premier League cao hơn bất cứ giải bóng đá nào trên thế giới, với tổng doanh thu của các CLB ở mùa giải 2012-13 là 2,5 tỉ bảng (hiện nay đã lên hơn 5 tỉ bảng). Đổi lại, BSkyB đã đạt lợi nhuận 62 triệu bảng trong năm 1993 sau khi thua lỗ năm trước đó. Nói như phóng viên David Conn trên tờ The Guardian thì BSkyB sử dụng Premier League để xây dựng công việc kinh doanh của công ty trong hơn 20 năm, đồng thời bình luận "... sức mạnh tài chính của đế chế Murdoch được xây dựng trên lòng trung thành của các CĐV bóng đá".

Miếng bánh chia năm xẻ bảy

Mãi đến năm 2006, thế độc quyền của BSkyB ở Premier League mới bị phá vỡ sau khi Uỷ ban châu Âu (EC) kết luận, bản quyền truyền hình không nên chỉ được bán cho một công ty. Nhờ vậy mà Setanta Sports xuất hiện sau đó, trước khi phá sản vào năm 2009. Rồi bản quyền truyền hình được bán cho ESPN. Đến tháng 6/2012, Premier League bán bản quyền cho BT trong 3 mùa giải với giá 246 triệu bảng/năm, mỗi mùa phát 38 trận. 116 trận còn lại thuộc về Sky với giá 760 triệu bảng/năm. Tính ra, tổng giá trị bản quyền truyền hình ở vương quốc Anh và Ireland đã tăng lên 3,018 tỉ bảng và lên 5,136 tỉ bảng khi Sky và BT kí mới hợp đồng đến mùa giải 2018/19.

Sự xuất hiện của mạng xã hội

Đến giờ, Premier League vẫn là giải đấu được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, phát sóng ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 643 hộ gia đình và khoảng 4,7 tỉ người theo dõi. Riêng tại châu Á, Premier League trở thành món ăn không thể thiếu của mỗi người dân khu vực này, từ Tây Á tới Đông Bắc Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Ảnh hưởng và sức hút của bóng đá Premier League giải thích tại sao những công ty lớn như Facebook hay Amazon không thể đứng ngoài cuộc. Riêng với Facebook, sau trận đấu tôn vinh Wayne Rooney năm 2016, mạng xã hội này đã phát một số trận đấu của giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB), bóng rổ trường đại học và Champions League tại Mỹ trên nền tảng internet cùng với Fox Sports.

Và trong khi Amazon giành quyền phát sóng 20 trận/mùa giải ở vương quốc Anh trong giai đoạn 2019-2022 thông qua nền tảng Amazon Prime thì Facebook cũng độc quyền Premier League ở Đông Nam Á, cụ thể là Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia, sau khi đã bỏ ra 200 triệu bảng và đánh bại những đối thủ như BeIn Sports và Fox Sports Asia.

Theo giới quan sát, việc thỏa thuận mua bản quyền Premier League của Facebook là nhằm duy trì số lượng người dùng và mở rộng doanh thu, nhất là đối với các thị trường mới nổi như châu Á, đồng thời cung cấp những nền tảng công nghệ cho phép người hâm mộ có thể tương tác.

Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tương lai gần, mạng Twitter, Google hay những công ty công nghệ như YouTube, Neflix, Apple nhảy vào tranh giành thị phần Premier League. Bởi họ có công nghệ để dễ dàng livestream các trận đấu, thu hút quảng cáo và quan trọng hơn, họ có tiền để làm vậy, trong khi các hãng truyền hình chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi nguồn thu chính của họ chỉ có từ quảng cáo.

Tác động của bản quyền truyền hình

Mặc dù khen ngợi những gì truyền hình mang lại cho Premier League nhưng Alex Ferguson, cựu HLV của M.U có nói rằng, cơ hội của bóng đá Anh tại châu Âu đã bị ảnh hưởng. “Đôi lúc anh rơi vào những tình huống khó xử khi thi đấu vào đêm thứ Tư ở châu Âu và phải ra sân vào trưa thứ Bảy…”, Ferguson nói.

Hay Arsene Wenger, cựu HLV của Arsenal thì phát biểu: "Lúc này, truyền hình quyết định hết. Anh không thể có những trận đấu quan trọng với một đội chơi vào thứ Sáu và thứ Ba, và một đội chơi vào Chủ nhật và thứ Ba.”

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm