Derby Manchester: Nếu Guardiola là HLV giỏi thì Mourinho là thiên tài!

09/09/2016 09:22 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Những con số thống kê nói rằng Pep đang là người chiến thắng nhiều hơn sau 16 lần đối đầu giữa họ trên ghế nóng. Nhưng bạn đừng để những con số đánh lừa bởi sự nghiệp cầm quân của họ lại kể một câu chuyện khác.


Mỗi khi nhắc tới Guardiola với tư cách HLV, người ta nhắc tới 4 năm huy hoàng với 14 danh hiệu của ông với Barca. Và cả trường phái tiki-taka mà Barca của Pep trình diễn và thống trị cả Tây Ban Nha lẫn Châu Âu.

Nhưng dù không thể phủ nhận năng lực của Pep cũng như thành công đạt đến mức tột đỉnh của ông trong giai đoạn 2008-2012 cầm quân ở Camp Nou, chúng ta vẫn phải xác định với nhau 2 điểm mấu chốt. Thứ nhất, tiki-taka là một trường phái bóng đá danh tiếng nhưng Pep không phải là người tạo ra trường phái ấy mà chỉ là người kế thừa và phát triển nó lên một mức cao hơn.

Ngay trong kỷ nguyên vàng son với Johan Cruyff cầm quân hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, Barca đã chơi tiki-taka rồi. Thứ 2, đúng là với Pep, Barca đã phát triển tiki-taka lên mức đỉnh cao nhưng sở dĩ tiki-taka của Barca thời Pep cầm quân đạt tới sức mạnh khủng khiếp như vậy là bởi đội bóng này sở hữu một dàn cầu thủ được “lập trình” hoàn hảo để thi triển lối chơi ấy nhờ họ được đào luyện từ cùng một lò “La Masia” nổi tiếng và/hoặc chơi bóng bên nhau từ rất lâu như Xavi, Iniesta, Puyol, Pique.... Và nhờ Barca sở hữu một Messi tài năng siêu đẳng.


Nếu không có trong tay những con người ấy thì tất cả những ý tưởng chiến thuật của Pep chắc chắn không bao giờ có thể đạt tới hiệu quả tối đa. Nhưng những cầu thủ nói trên thì không phải do Pep phát hiện và đào tạo. Tóm lại, Pep thành công cực lớn trong 4 năm cầm quân ở Barca nhưng thành công ấy có một phần nguyên nhân quan trọng là nhờ ông có trong tay một đội bóng có sẵn nền tảng nhân sự quá lý tưởng để ông triển khai các ý tưởng chiến thuật của mình.

Nếu ai không đồng ý với kết luận rằng môi trường nhân sự ở Barca đóng vai trò quyết định giúp Pep bước lên đỉnh cao của nghiệp HLV thì chỉ cần nhìn lại trải nghiệm 3 mùa của ông ở Bayern Munich sau đó để củng cố nhận định này. Bayern cũng là một môi trường bóng đá lý tưởng nhất nhì ở Châu Âu khi Pep đến đây.

Họ có tiềm lực tài chính hùng mạnh, có bộ máy điều hành giỏi cả chuyên môn lẫn kinh doanh, có thương hiệu hàng đầu và có dàn cầu thủ chất lượng cao bậc nhất Châu Âu. Nhưng khi chỉ một chút khác biệt về môi trường nhân sự xuất hiện, Pep đã thất bại.

Một cách khách quan, không thể nói 3 mùa chỉ cùng Bayern thống trị Bundesliga và đều bị loại ở bán kết Champions League của ông là thành công. Đơn giản, với một đội bóng có nền tảng mọi mặt ở mức chất lượng như Bayern cũng như khoảng cách quá lớn họ tạo ra với phần còn lại của Bundesliga thì chuyện họ thống trị ở trong nước là đương nhiên chứ không phải là chiến công của Pep.


Trái lại, 3 mùa dừng bước ở bán kết Champions League lại là thất bại rõ ràng của chiến thuật gia 45 tuổi này vì một đội bóng như Munich không thể bằng lòng với kiểu thành công...nửa vời như vậy suốt 3 mùa. Với Mourinho, ông không tạo ra trường phái nào, cũng không nâng tầm một trường phái nào.

Nhưng một trong những điều khiến ông trở thành “Người đặc biệt” đúng như cách ông tự xưng là vì Mourinho không chỉ thành công mà ông đạt thành công một cách đa dạng ở 4 môi trường bóng đá khác nhau, với 4 CLB khác nhau và không đội nào trong số đó có sẵn một nền tảng nhân sự lý tưởng như Barca thời Pep. Từ Porto ở Bồ Đào Nha tới Chelsea ở Premier League rồi Inter Milan ở Serie A và Real Madrid ở Liga, Mourinho đều giành được những chiến thắng quan trọng mà người ta dễ dàng nhận thấy tính chất khó khăn và vĩ đại của nó.

Ông giúp Porto vô địch cúp C1/Champions League sau 17 năm, giúp Inter Milan vô địch cúp C1/Champions League sau 45 năm, giúp Chelsea phá bỏ thế “độc tài” của Man United thời Alex Ferguson để vô địch Anh sau 50 năm, giúp Real Madrid lật đổ chính Barca của Pep để vô địch Liga 2011-12.

Thành tựu sự nghiệp không chỉ rực rỡ bởi sự dồi dào của những chiếc cúp mà còn bởi sự đa dạng và mức độ khó khăn của những thách thức được chinh phục cho thấy năng lực điều chỉnh, thích ứng với môi trường mới và xử lý về chuyên môn cũng như khả năng truyền cảm hứng và tạo ảnh hưởng của Mourinho ở các đội bóng ông cầm quân đã đạt đến mức bậc thầy.


Và đó là những khía cạnh mà cho tới lúc này Pep còn xa mới bắt kịp. Trong một trận đánh cụ thể, Pep vẫn đang là người thắng nhiều hơn thua trước Mourinho. Nhưng những chiến thắng của Pep không tạo ra một bước ngoặt lịch sử nào. Đơn giản chỉ là một trận thắng. Ngược lại, ít nhất đã 2 lần Mourinho thắng Pep và những chiến thắng ấy mở ra bước ngoặt dẫn đến thắng lợi sau cùng cho đội bóng của ông.

Chúng ta đang nói về dấu mốc Inter Milan của Mourinho chặn đứng Barca của Pep ở bán kết Champions League 2009-2010 trước khi Nerazzurri vô địch Châu Âu mùa ấy. Chúng ta cũng không quên Real của Mourinho từng đánh bại Barca của Pep ở lượt về Liga 2011-2012 và chiến thắng 2-1 ấy gần như “dán tem đảm bảo” cho chức vô địch Liga mùa ấy của đội bóng Hoàng Gia.

Cuối tuần này họ lại gặp nhau. Cuộc đấu tay đôi thứ 17 trên ghế nóng. Dù kết quả thế nào cán cân vẫn tạm nghiêng về Pep. Nhưng mặt khác ai cũng thấy Mourinho đã thắng Pep ngay cuộc chiến đầu tiên trên đất Anh. Đấy là giải “HLV xuất sắc nhất tháng 8” của Premier League vừa được trao. Liệu đó có phải là khởi đầu cho một chiến thắng khác, rực rỡ và vinh quang hơn nhiều vào cuối mùa của Mourinho trước Pep khi Man United vượt mặt Man City để vô địch Ngoại hạng Anh bất kể trận derby thành phố cuối tuần này kết thúc ra sao?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, trận derby Manchester có kết quả thế nào?


HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm