Covid-19: Chelsea, Arsenal thiệt hại vì chuyển nhượng mùa dịch

21/04/2020 21:21 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch Covid-19 có tác động tới mọi mặt của đời sống bóng đá, bao gồm cả thị trường chuyển nhượng. Nếu xét riêng ở Premier League, Chelsea và Arsenal là những đội bóng có thể chịu thiệt hại nặng nề vì chuyển nhượng mùa dịch.

 

Bóng đá hôm nay 21/4: Van Persie tiết lộ khoảnh khắc bị ‘đá’ khỏi MU. Serie A chốt kịch bản mùa giải 2019/20

Bóng đá hôm nay 21/4: Van Persie tiết lộ khoảnh khắc bị ‘đá’ khỏi MU. Serie A chốt kịch bản mùa giải 2019/20

Van Persie tiết lộ khoảnh khắc bị ‘đá’ khỏi MU. Quan chức Serie A chốt kịch bản mùa giải 2019/20. Crespo khuyên Martinez ở lại Inter thêm 3 năm. Tin tức bóng đá.

 

Mọi kịch bản kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay đều để ngỏ. Chỉ có một điều chắc chắn: Sẽ không có những thương vụ kỷ lục thế giới mới kiểu như Neymar chuyển đến PSG cách đây ba năm với mức phí 222 triệu euro (gần 200 triệu bảng).

Chuyển nhượng theo kiểu trả góp nhiều năm

Thương vụ ấy như một hiệu ứng domino kích hoạt hàng loạt bản hợp đồng mới khắp châu Âu. Barcelona sử dụng tiền thu được từ vụ Neymar để chiêu mộ Ousmane Dembele từ Dortmund và Philippe Coutinho từ Liverpool. Xa hơn, những kỷ lục thế giới về số tiền bỏ ra cho các thủ môn và hậu vệ được thiết lập. Không ai ngạc nhiên khi số tiền trung bình các đội bóng Premier League bỏ ra trên thị trường chuyển nhượng tăng từ 8,5 triệu bảng mùa 2015-16 lên tới 18,8 triệu bảng chỉ hai năm sau, mức tăng lên tới 120%.

Mức phí chuyển nhượng tăng phi mã trở thành cái bẫy ngọt ngào cho nhiều đội bóng, nhất là những đội bóng hàng đầu châu lục. Họ phải trả nhiều hơn để chiêu mộ các tân binh nhưng thay vì trả một cục ngay lập tức cho đội bóng chủ quản, khoản tiền ấy được trả dần trong nhiều năm. Mặt trái của điều ấy dĩ nhiên là chi phí để trả cho các thương vụ sẽ tăng dần qua từng năm. Chẳng hạn, số tiền mua một cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm ngoái sẽ tác động đến báo cáo tài chính của các CLB suốt từ năm ngoái kéo dài đến tận năm 2022, thậm chí lâu hơn thế nữa. Ngược lại, những CLB bán cầu thủ sẽ càng ngày càng tích thêm tiền vào ngân quỹ, hệ quả từ sự lạm phát mức phí chuyển nhượng. Thị trường chuyển nhượng như vậy tạo ra một khái niệm không mấy xa lạ: Lợi nhuận từ việc bán cầu thủ.

Kẻ được, người thua vì chuyển nhượng mùa dịch

Đó là thị trường chuyển nhượng thời trước đại dịch Covid-19. Những giải đấu bị tạm ngưng chưa hẹn ngày trở lại sẽ làm bong bóng chuyển nhượng xẹp đi nhanh chóng. Điều này những đội bóng như Chelsea hay Arsenal không hề thích thú chút nào. Đã từ lâu, lợi nhuận từ việc bán cầu thủ là một phần trong chiến lược tài chính của Chelsea. Họ thu về số tiền lên tới 332 triệu bảng nhờ việc bán đi các cầu thủ không còn hữu dụng trong suốt 5 năm. Nếu gạt ra một bên khoản tiền béo bở ấy, The Blues đáng ra đã chịu khoản lỗ lên tới gần 90 triệu bảng mỗi năm thay vì con số chỉ ở mức 23 triệu bảng. Nếu dịch Covid-19 không bùng phát, Chelsea được kỳ vọng sẽ tăng lợi nhuận trong báo cáo tài chính mùa này từ số tiền bán Eden Hazard cho Real Madrid hồi mùa Hè năm ngoái. Bây giờ, con số ấy chưa chắc đủ bù đắp cho những khoản thâm hụt và chẳng có gì bất ngờ nếu đội bóng áo xanh cần đến sự viện trợ của tỷ phú Roman Abramovich cho một chạy đua vũ trang mua sắm.

Bong da, Tin tức bóng đá, Chelsea và Arsenal thiệt hại vì chuyển nhượng mùa dịch, bóng đá, bong da hom nay, Chelsea, Arsenal, bóng đá Anh, Ngoại hạng Anh, Covid-19, covid
Những chuyển dịch của thị trường chuyển nhượng mùa dịch khiến Chelsea và Arsenal mất đi cơ hội tăng lợi nhuận

Một đội bóng khác ở London đi theo con đường tương tự là Arsenal. Suốt từ năm 2003 đến mùa trước, tình hình tài chính của đội chủ sân Emirates luôn khỏe mạnh nhờ hai yếu tố: Tham dự Champions League đều đặn và số tiền thu được khi bán các cầu thủ cho các đội bóng khác với giá cao gấp nhiều lần. Những ngày tháng như thế rất khó quay trở lại với Pháo thủ, một phần bởi số tiền 135 triệu bảng để mua sắm tân binh, trong khi chẳng thu về thêm một đồng nào từ việc bán người thừa.

Ngược với hai đội bóng London nêu trên, Tottenham sẽ cảm thấy vui mừng khi đại dịch giúp họ không quá lo lắng vì số tiền chỉ gần 11 triệu bảng thu về từ việc bán đi những cái tên không còn hữu dụng. Vấn đề với đội bóng của HLV Jose Mourinho lại nằm ở chỗ làm thế nào để tìm đường trở lại với đấu trường Champions League mùa tới trong bối cảnh món nợ sân bóng mới vẫn lơ lửng trên đầu. MU cũng là một trường hợp được hưởng lợi khác, dù con số 1,7 triệu bảng nếu trừ đi lợi nhuận bán cầu thủ chẳng có nhiều ý nghĩa tài chính.

Thật dễ hình dung kỳ chuyển nhượng năm nay sẽ rất dài và ảm đạm. Những bom tấn về mức phí chuyển nhượng không còn nữa, khiến cơ hội để các thương vụ trên 100 triệu bảng ngày càng nhỏ đi trông thấy. Chiến lược của các CLB ở Premier League nói riêng và khắp châu Âu nói chung sẽ phải thay đổi căn bản, không chỉ nằm ở việc những đội bóng như Arsenal hay Chelsea mất đi cơ hội tăng lợi nhuận từ các thương vụ “mua rẻ, bán đắt” trong nhiều năm qua.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm