Câu chuyện thể thao: Chơi cho Arsenal ư? Đừng mơ!

10/02/2016 20:44 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Khi những Tuấn Anh, Công Phượng sang các giải hạng Hai của Nhật cũng đồng nghĩa là giấc mơ sang Anh chơi bóng cho đội bóng "mẹ" Arsenal của họ tan vỡ. Nhiều cầu thủ được đào tạo ở chính Học viện của Arsenal tại London thực ra cũng không thể đạt được ước mơ đó. Câu chuyện dưới đây lý giải tại sao.  

Học viện chỉ có chức năng phát hiện?

Dòng khẩu hiệu ở cuốn sách giới thiệu học viện Arsenal viết: “Hãy cống hiến 100% sức lực vào mọi thứ bạn làm và sau cùng bạn sẽ thành công”. Đoạn quảng cáo này thực dối trá. Kể từ cầu thủ Ashley Cole, Arsenal chỉ giới thiệu thêm được 1 thành viên tự đào tạo của học viện lên đội 1 là Jack Wilshere (không tính cầu thủ mua từ học viện khác). 

Mới đây tờ The Guardian kể câu chuyện của Fagan. Anh đã dành 12 năm ở đội nhi đồng rồi thiếu niên Arsenal, 8 năm thi đấu ở đội trẻ với một học bổng bóng đá chu cấp đến năm 21 tuổi. Nhưng không như người bạn Bellerin hiện đã đường hoàng trở thành hậu vệ cánh phải ở đội 1, ở tuổi 21, Fagan đang chơi ở giải hạng 5, một giải đấu gồm cả những CLB bán chuyên.


Fagan đang chơi ở giải hạng 5, một giải đấu gồm cả những CLB bán chuyên

“Khi còn ở đội trẻ, anh chàng nào cũng nghĩ rằng mình là một tài năng đặc biệt”, Fagan trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, “nhưng chỉ một số ít trong số họ thành công mà thôi mà thôi. Bạn cứ nghĩ: "Ôi tuyệt, mình sẽ chơi cho đội U10, U14, lĩnh học bổng và rồi Arsene Wenger sẽ tới bảo ‘Tôi muốn cậu ở trong đội bóng của tôi’. Bạn nghĩ mình sẽ chơi 30 trận đấu ở Premier League và rồi lên đội tuyển Anh cơ đấy, nhưng không có chuyện đó đâu. Đây là một môi trường rất khó khăn. Những người quyết định tương lai của bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Họ chịu áp lực từ cấp trên. Rồi HLV sẽ đến với bạn, bảo rằng đó là việc làm ăn. Và rồi bạn bị loại bỏ”.

Nhưng họ vẫn rầm rộ phát triển. Họ vẫn đổ hàng đống tiền vào những cậu nhóc mà chỉ vài năm sau họ sẽ đẩy chúng ra đường. Tháng 5 năm ngoái, Arsenal chi 10 triệu bảng cho cậu bé 11 tuổi Charlie Patino từ Luton Town. Cậu bé nhỏ xíu lên báo với tấm hình chụp với chú chó lông xù. Vài năm trước, Chelsea mở champagne ăn mừng vì thoát án phạt của UEFA sau khi tiếp xúc trái phép với “Zidane da màu” Gael Kakuta. Kakuta chơi 6 trận cho họ rồi ra đi vào mùa Hè năm ngoái.

Các CLB không hy vọng xây dựng một đội bóng toàn cầu thủ học viện. Học viện bóng đá là một bài tập đầy kiên nhẫn, gạn đục khơi trong, để tìm kiếm ngọc sáng trong số 1 triệu cầu thủ. Thứ nữa, đầu tư vào học viện cũng vẫn có thể thu lời. Ví dụ khi Afobe từ Wolves tới Bournemouth, Arsenal nhận được 1,5 triệu bảng cho công đào tạo được ràng buộc trong hợp đồng cầu thủ ấy ngày trước. Nếu thực sự là HAGL thu được ít tiền nào từ việc cho ba cầu thủ sang Nhật và Hàn Quốc chơi bóng, thì họ cũng sẽ phải chia cho các đối tác ngoại của học viện. 

Buôn cầu thủ quan trọng hơn đào tạo

Cũng giống như khi HAGL tuyển chọn các tài năng nhí, các CLB ở Anh cũng chọn lựa những cầu thủ nhỏ tuổi cho học viện bóng đá. Afobe được Arsenal phát hiện vào năm 6 tuổi. Lingard đã ở Man United từ năm lên 7, còn Borthwick-Jackson kém hơn anh 1 tuổi. Các đội không muốn tuyển chọn cầu thủ lớn hơn 8 tuổi vì lo rằng ở độ tuổi đó, những cậu bé đã hình thành “thói quen xấu”. Có những trường hợp đặc biệt, ví dụ Joe Willock, nhận được học bổng bóng đá Arsenal năm 4 tuổi, khi cậu nhóc đang tung hứng với bóng bên đường biên trong lúc quan sát người anh trai thi đấu. 


Borthwick-Jackson đã được đôn lên đội một của Man United

Nước Anh đã có một ngành “công nghiệp bóng đá” từ rất sớm. Trước thế chiến thứ nhất, các tay tuyển trạch viên đã chọn nhiều cậu bé người Scotland vào đội của họ. Nổi bật trong số này là Mats Busby, một HLV trứ danh trong lãnh địa tuyển chọn nhân tài. Trong những năm chiến tranh, chính ông ươm mầm cho Manchester United một thế hệ cầu thủ huyền thoại. Những cậu bé ấy được ông tìm ra từ những sân đá bóng trong trường học, hoặc trên những con phố. Mãi đến năm 1998, nước Anh mới có những hệ thống đào tạo trẻ chính thức.

Nhưng rốt cuộc thì các học viện bóng đá mang đến điều gì? CLB điều hành hàng chục học viện và kí hợp đồng với những cậu bé 9 tuổi, trong khi… nhòm sang học viện của đối phương. Họ thống nhất rằng độ tuổi nhỏ giống một tờ giấy trắng, là thời điểm tốt nhất để truyền đạt các phẩm chất bóng đá. Nhưng nguyên tắc cơ bản của “bóng đá công nghiệp” lại là thành tích. Vì thành tích, các đội sa thải HLV. Có HLV mới, họ phải chiêu mộ cầu thủ phù hợp. Vì vậy, mua cầu thủ thay vì dạy dỗ là quan trọng nhất.

Bản sắc cũng không phải điều được cân nhắc nữa. Tháng 10 năm ngoái, người ta thống kê được rằng trong số 3 trận derby địa phương ở Premier League, chỉ có 4 cầu thủ “cây nhà lá vườn”, trong tổng cộng 66 cầu thủ.

Nhưng đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ

Theo Fagan, “có nhiều cầu thủ trẻ để các đội bóng chọn lựa. Khi không thể mơ ước xa xôi, bạn không thể từ chối những lời đề nghị cho bạn ngồi dự bị. Bạn phải chấp nhận chúng bởi chúng là cơ hội đầu tiên”. Nhiều trường hợp chỉ được chơi ở các đội bóng tí hon, ở những giải đấu cấp thấp, nhưng sau này lại trở thành những cầu thủ lớn.

Giải Ngoại hạng Anh mùa này đang chứng kiến sự tỏa sáng của những cầu thủ từng vô danh, như Jamie Vardy (Leicester), Troy Deeney (Watford) hoặc Matt Grimes (Swansea). “Bạn phải tin vào khả năng của mình”, Fagan nói. “Nếu cứ không được chơi một CLB lớn là buồn bã, thì bạn chưa có niềm tin đủ lớn. Bạn hãy luôn luôn làm việc, không phải vì hiện tại, mà là vì tin tưởng chắc chắn, sẽ có cái kết tốt đẹp cho câu chuyện của mình”.

Mới đây, khi Siêu thị Aeon Mall ở Long Biên (HN) đã đưa đội bóng Yokahama trong đó có tân binh Tuấn Anh  đến để giao lưu với khách hàng thì chúng ta có thể hiểu rằng, những vụ cầu thủ HAGL sang Nhật, Hàn chơi bóng có thể là những thương vụ quảng cáo. Nhưng nếu tận dụng được cơ hội, họ vẫn thể có một tiền đồ sáng lạn.

Trong một buổi họp báo, khi được hỏi về tương lai cầu thủ 19 tuổi Jerome Sinclair, người vừa từ chối gia hạn hợp đồng, HLV của Liveprool, Juergen Klopp nói rất thẳng thắn: “Một CLB không thể giúp một cầu thủ trẻ hạnh phúc. Đó không phải ưu tiên hàng đầu”. Nghĩa là cầu thủ trẻ phải tự lo cho mình sau khi “tốt nghiệp” ở một học viện và trong số “không được lo” ấy có những người phải thi đấu ở những hạng thấp hơn.  

1: Chỉ 1% số học viên ở các học viện bóng đá trở thành cầu thủ chuyên nghiệp 700: Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp của Anh thống kê hàng năm, có 700 cầu thủ bị các CLB thanh lý hợp đồng. 

50: 50% số cầu thủ bước vào bóng đá chuyên nghiệp ở tuổi 16 phải rút khỏi nó sau 2 năm. Con số này với độ tuổi 21 là 75%. 

130: Ở Anh, tính đến năm 2014, có 130 cựu cầu thủ bóng đá đang ngồi tù. Phần lớn trong số này dưới 25 tuổi và bập vào ma túy.

 40: 40% cầu thủ ở Anh phá sản chỉ sau 5 năm rời bỏ bóng đá


Đỗ Hiếu (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm