Arsene Wenger rời Arsenal: Bản anh hùng ca của sự tận tụy và tình yêu

20/04/2018 17:30 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - 22 năm ở Arsenal, Arsene Wenger trở thành HLV vĩ đại bậc nhất của lịch sử bóng đá thế giới. Phong cách quản lý, xây dựng đội bóng, sự thông tuệ của ông, sẽ là bất tử ở Arsenal. Bài viết dưới đây là một tổng hợp tạm thời về 22 năm dẫn dắt Arsenal của Wenger, một bản anh hùng ca của sự tận tụy và tình yêu. Thể thao & Văn hóa dịch từ Bleacher Report.

Từ khi tới Arsenal vào tháng 9/1996, có một đặc điểm của Arsene Wenger gây ấn tượng mạnh với cầu thủ Arsenal. Đó không phải là các tít báo ("Arsene là ai?", tít của tờ Evening Standard). Đó không phải là chất Pháp của ông, sự chuyên nghiệp và thanh lịch. Đó là vì chưa có HLV nào khuyến khích cầu thủ như cách của Wenger.

“Ông ấy rất dễ chịu”, Martin Keown, một hậu vệ trứ danh của Arsenal thời Wenger nói với Bleacher Report. “Là cầu thủ, bạn thường xuyên bị la mắng, đay nghiến, bị áp đặt. Bạn phải làm quen với điều đó. Với ông ấy, chuyện đó không xảy ra. Không thể tin ông ấy lại đối xử với chúng tôi như thể tất cả đã trưởng thành”.

Ngày nay, chúng ta sống trong thế hệ một HLV điềm tĩnh, những nhà quản lý kĩ trị như Eddie Howe, Brendan Rodgers, Roberto Martinez hay Garry Monk. Wenger là hình mẫu thúc đẩy xu hướng này. Wenger tới nước Anh và mang theo tính cách dễ chịu, sự lễ độ và thúc đẩy cầu thủ tự tìm giải pháp cho mọi vấn đề.

Sol Campbell nhớ lại việc Wenger đưa anh về Arsenal năm 2001: “Tôi đã gặp nhiều trường hợp mà HLV tỏ ra biết mọi thứ còn bạn chẳng biết gì… Với ông ấy, tôi gặp một ca mới. Ông ấy bảo: Cậu đang nghĩ gì?”.

Các cầu thủ Arsenal nghĩ rằng, dưới thời của HLV này, họ có thể tiến xa.

Sự liều lĩnh của Dein

Wenger được đưa về Arsenal bởi David Dein, người sau này thay thế Bruce Rioch giữ chức Phó Chủ tịch CLB. Lúc đó, họ bảo Dein đang chơi một canh bạc lớn. Bản CV của Wenger không hề lấp lánh. Trải qua sự nghiệp cầu thủ được mô tả là “bình thường”, ông rời đội bóng đầu tiên trong sự nghiệp HLV (Nancy) sau khi họ xuống hạng, trước khi đột ngột nhảy lên làm việc ở Monaco vào năm 1987.

Việc đó cũng tương tự như ở thời nay, Sean Dyche của Burnley dẫn dắt Chelsea vậy. Sau khi tiếp quản di sản và mang về Monaco những Glenn Hoddle và Jurgen Klinsmann, Wenger vô địch cả Ligue 1 lẫn cúp Quốc gia trong 7 mùa giải tại vị trước khi bị sa thải vào tháng 9/1994, vì khởi đầu mùa giải nghèo nàn. Sau đó, ông dành một năm làm việc ở Nhật Bản.


Wenger đã dẫn dắt Monaco giành các danh hiệu

Sau này, HLV Sir Alex Ferguson của Manchester United chào đón Wenger tại Arsenal bằng câu nói: “Ông ta là một kẻ học việc và nên cố nhớ những bài học từ bóng đá Nhật”.

Tuy nhiên, Dein, khẳng định trong suốt một thời gian dài rằng, người đàn ông này có thể thay đổi mọi thứ. Ông bị Wenger quyến rũ từ mùa Hè năm 1994, khi mời HLV người Pháp lên chiếc du thuyền thăm thú Monte Carlo. Họ dành cả buổi tối trò chuyện và chơi giải ô chữ cực kì vui vẻ.

Người đàn ông ấy rất thông tuệ, thực tế và sâu sắc, Dein kết luận lại sau cuộc gặp. Nó khiến Dein mất gần 2 năm thuyết phục ban lãnh đạo đội chủ sân Highbury rằng người Pháp vô danh kia sẽ khởi động một kỉ nguyên mới cho Arsenal.

Wenger mang đến Arsenal một nền tảng, xé toạc sự mệt mỏi và tính dễ thỏa mãn của các HLV người Anh. Mọi thứ thay đổi.

Keown nhớ các đồng đội đã ngỡ ngàng thế nào khi biết nhà bếp không phục vụ món khoai tây rán và nước sốt cà chua nữa, thay vào đó, chỉ phục vụ những món có lợi cho cầu thủ như rau hay thịt gà hầm. Wenger kết thúc thói quen nhậu thả cửa của Tony Adams sau EURO 1996. Ông dạy cầu thủ căng cơ đúng cách, sử dụng bác sĩ châm cứu và chuyên gia xoa bóp, thậm chí dạy cầu thủ tập yoga.


Wenger là HLV đỉnh cao hiếm hoi từng làm việc ở Nhật Bản

Nhưng ông chỉ yêu cầu mà không cưỡng ép. Cầu thủ không còn phải chịu đựng tiếng quát chói tai của các HLV truyền thống của Anh, mà thay vào đó được khuyến khích tự quyết định sau khi Wenger cho họ những phương án.

“Ông ấy tạo ra môi trường để học hỏi”, Keown nói. “Và chúng tôi chỉ làm theo. Ông ấy khuyến khích mọi người như vậy, thúc đẩy mọi người quyết định đúng”.

Và sự thúc đẩy này có thể thấy rõ nhất trên sân tập. Bob Wilson, HLV thủ môn của Wenger đã 7 mùa giải, nói rằng chứng kiến vị tân HLV làm việc khi ấy, ông thấy có nhiều khác biệt. Wenger sẽ đứng một bên để cầu thủ tự tìm cách kiểm soát, khuyến khích họ tự tìm ra giải pháp.

“Tôi nhớ có lần chứng kiến một buổi tập với Dennis Bergkamp”, Wilson nói. “Cậu ta tranh luận rất căng với Ray Parlour. 'Chết tiệt chuyền cho tôi đi chứ', cậu ấy hét lên. Chỉ cần chuyền bóng cho tôi rồi di chuyển thôi”. Arsene đã thay đổi phương thức thi đấu bằng cách để Dennis tự chỉ ra việc phải làm. Họ thường chuyền bóng cho cậu ấy rất nhanh rồi trở lại vị trí”.


Khả năng động viên cầu thủ giúp Wenger thành công

Alan Smith, cựu tiền đạo của Arsenal, nhớ lại cách Tony Adams ngạc nhiên trước cách cầu thủ được chỉ đạo. “Ông ấy để cầu thủ tự thể hiện mình và các chàng trai ấy luôn miệng nói những việc họ muốn làm, hệt như một sự giải phóng”, Smith nói.

Nhưng phương pháp huấn luyện sẽ không gặt hái danh hiệu. Có một lợi thế khác mà Wenger mang tới cho Arsenal những ngày đầu: sự hiểu biết về bóng đá châu Âu. Kết quả của sự hiểu biết ấy rất rõ rệt, hoàn toàn đánh bại những đội quốc nội trong việc tìm ra những cầu thủ hiếm ai biết với giá rẻ: Patrick Vieira, Robert Pires, Thierry Henry - những nhân tố nổi bật xây dựng một đội bóng chinh phục danh hiệu.

“Điều quan trọng nhất là phải sử dụng đúng cầu thủ mình cần”, Wilson nói. “Những ngày đó, Arsene là chuyên gia. Ông ấy không có một sự nghiệp thi đấu xuất sắc nhưng biết cách nhìn người. Tôi nhớ những lời của ông ấy về Jack Wilshere thế này: 'Trận đấu nói chuyện với cậu ấy'. Đó là một câu quá hay. Nó tóm gọn khả năng nhận ra điều tốt đẹp nhất của ông ấy”.


Sự liều lĩnh của David Dein (phải) đã được đền đáp

Trong gần 1 thập kỉ, phương pháp của Wenger giúp xây nên một giấc mơ: 3 lần vô địch Premier League, giành 3 cúp FA và 1 lần vào chung kết Champions League (2005-06). Sự hiểu biết, thông minh và triết lý của ông đưa Arsenal lên tầm cao mới.

Kết quả của thành công là "Invincibles", đội hình bất bại cả mùa 2003-04, chơi thứ bóng đá hoàn hảo nhất trong số những đội xuất sắc nhất. Nó là minh chứng rõ rệt về con người Wenger: Thái độ khi thành công cũng quan trọng như bản thân thân thành công.

“Thứ bóng đá ông ấy hướng Arsenal đi theo quả thật rất đẹp mắt”, Giáo sư Christopher Brown, cựu giám đốc bảo tàng lịch sử nghệ thuật Ashmolean ở Oxford, người không giấu giếm lòng ngưỡng mộ dành cho vị giáo sư của bóng đá, nói. “Ở đỉnh cao, cách họ luân chuyển trái bóng thật sự rất rất hấp dẫn. Đó là cảm hứng nghệ thuật của Wenger. Chưa từng có đội nào chơi thanh lịch ở trình độ này, cứ nhìn Chelsea là biết”.

 

"Chuyên gia thất bại"

Sau khi Tony Pulis từ chức HLV Stoke City vào cuối mùa 2012-13, vài ngày sau khi Sir Alex Ferguson tuyên bố rút khỏi cương vị HLV Man United, mạng xã hội nhanh nhảu phát hiện: Ngoại trừ Arsenal, tính từ khi Arsenal giành Cúp FA năm 2005, mọi đội bóng ở Anh đều đã thay HLV. Có hai cách hiểu thống kê này. Hoặc là Arsenal đề cao chính sách dài hạn hơn các đội khác, hoặc là Arsenal từ chối nhận ra HLV của họ đang dần cổ hủ.

Điều này thật sự lôi cuốn Jose Mourinho. Tháng 2/2014, Mourinho công khai thừa nhận Chelsea của ông không phải ứng viên vô địch dù đang có phong độ cao. Wenger bình luận rằng Mourinho “đang sợ thất bại” và rồi cuộc khẩu chiến nổ ra.

“Ông ta là chuyên gia thất bại, tôi thì không”, Mourinho nói. “Vì thế, nếu có khả năng ông ấy đúng và tôi là người sợ thất bại, thì bởi vì đã lâu rồi tôi chưa thất bại. Có thể, ông ta đúng. Tôi không thường thất bại. Sự thực, ông ta là chuyên gia thất bại, bởi vì đã trắng tay trong 8 năm, đó là thất bại. Nếu tôi lâm vào cảnh đó ở Chelsea, 8 năm… tôi sẽ rời London. Tôi sẽ không trở lại”.

Như một sự trùng hợp đen đủi, Wenger dẫn Arsenal tới Stamford Bridge gặp Mourinho, trận thứ 1000 của ông trên cương vị HLV Pháo thủ được xem là màn đối đầu trực tiếp giữa hai ứng viên vô địch.

Đó là trải nghiệm tồi tệ của Wenger. Khi Chelsea thắng 6-0, đám đông CĐV ầm ĩ ăn mừng chiến thắng. Ở bàn thứ ba, khu khán đài Matthew Harding ầm ào tiếng hô “Chuyên gia thất bại” mà fan Chelsea gào lên trêu chọc Wenger.

Điều tồi tệ hơn cả với Wenger là không chỉ kẻ thù chỉ trích ông. Trên sân mới Emirates, tâm trạng fan Arsenal đầy chua chát. Là đội có giá vé đắt nhất Premier League, họ cay đắng chứng kiến những cầu thủ hay nhất bị đối thủ “đem” đi mỗi mùa Hè, trong khi đội bóng không hề nỗ lực thực hiện những bản hợp đồng chất lượng, và đội hình bất bại 2004 chỉ là hoài niệm.


CĐV Arsenal mất niềm tin vào Wenger 

Có một người chịu đựng cho tất cả những vấn đề đó: Arsene Wenger. Người đàn ông Pháp bị chính CĐV Arsenal chỉ trích. Phương pháp của ông bị xem là hết thời, cách chơi “để cầu thủ tự thu xếp” của ông bị xem là không thỏa đáng, và việc bướng bỉnh không chịu nhìn vào sai lầm gây ra hoang mang.

Thậm chí, khi đã giành cúp FA năm 2014, những lo ngại vẫn không chấm dứt. Chiến thắng trước Hull ở chung kết bị xem là may mắn, bằng chứng cho thấy điểm yếu cốt lõi của Arsenal vẫn không được Wenger giải quyết.

Sợ rằng trái tim sẽ chai lỳ với những thất bại, các CĐV lên tiếng. Cuối tháng 11/2014, sau một trận đấu với West Brom ở Hawthorns, một nhóm CĐV Arsenal căng lên một banner thể hiện thái độ cương quyết: “Arsene, cảm ơn vì những kí ức đẹp, nhưng đã đến lúc tạm biệt nhau”. Một tháng sau, sau trận đấu với Stoke, Wenger bị CĐV nhà quát mắng trên chuyến tàu cùng đội.

“Gần đây, khi chúng tôi thua Man United trên sân nhà (tháng 2/2015), tôi đã nói, có thể đó là dấu chấm hết, có thể đã đến lúc thay đổi”, Ian Stone, người dẫn chương trình và diễn viên hài, CĐV lâu năm của Arsenal cho biết. “Thành thật, tôi nghĩ một HLV trẻ hơn, tươi mới hơn, vững chãi hơn là giải pháp tốt lúc này. Juergen Klopp và Pep Guardiola rất giỏi”.


Đội hình bất bại mùa 2003-04

Trong số những fan Arsenal trung thành, không ít người đồng tình. Theo Philippe Auclair, một nhạc sĩ và nhà văn người Pháp, bạn tâm giao của Wenger, chính Wenger cũng đã nghĩ đến việc ra đi. Ông lấy dẫn chứng là thời điểm Wenger trì hoãn việc kí hợp đồng mới hồi năm 2014.

“Ban lãnh đạo không muốn chia tay ông ấy; lời đề nghị vẫn ở đó, trên bàn”, Anclair nói với Bleacher Report. “Ông ấy chưa từng đợi lâu thế để kí một hợp đồng. Ông ấy rõ ràng không hài lòng với chính mình. Mọi người luôn cho rằng đó là người cố chấp, nhưng sự thật, ông ấy rất dễ bị tổn thương. Thua 0-6 trong trận đấu thứ 1000 là kết quả tồi tệ. Arsenal không chơi thứ bóng đá hay nhất trong suốt thời gian dài, và điều ấy khiến ông ấy đau đớn”.

Wenger không chỉ có cảm hứng xây dựng một đội bóng chiến thắng, mà còn là một đội bóng thắng có phong cách, đàng hoàng bởi ông luôn là người trọng cái đẹp.

“Ông ấy ghét thất bại, Wenger thật sự ghê tởm những thất bại”, Wilson nói. “Nhưng điều ông ấy muốn nhất là CĐV cảm nhận được sau khi xem một trận đấu: nó đáng tiền. Thắng, thua hay hòa, ông ấy muốn CĐV cảm thấy họ được phiêu lưu. Ông ấy coi bóng đá là một dạng nghệ thuật, như nhà hát hay opera”.

“Ưu tiên của ông ấy luôn là lấn lướt đối thủ và chơi thật lôi cuốn. Chiến thắng không phải lúc nào cũng được mang ra đong đếm. Có lẽ đặc điểm này khác với CĐV, những người muốn Arsenal chiến thắng”.

Vấn đề là, Arsenal ngày càng ít chiến thắng như vậy. Ở Manchester United, từ coi thường, Sir Alex Ferguson nhận ra Wenger là đối thủ nguy hiểm nhất, và ông nhanh chóng sao chép chế độ ăn uống cho cầu thủ và phương pháp tập luyện của HLV người Pháp.

Sự bùng nổ của trào lưu HLV nước ngoài tại Anh, trong đó nổi bật là Mourinho, mang đến những ý tưởng mới. Wenger không chỉ bị bắt kịp, mà còn bị vượt qua.


Chính Wenger tham gia góp ý trong việc thiết kế sân Emirates

“Vấn đề là, Arsene không chú trọng nâng cao khả năng huấn luyện của mình”, Auclair nói. “Cách chuẩn bị chiến thuật của ông ấy bao lâu nay vẫn thế. Các cầu thủ kể với tôi rằng, các buổi tập của ông ấy có cường độ rất cao, các bài tập rất ngắn, được duy trì trong nhiều năm. Chúng là một cuộc cách mạng khi Wenger mới mang chúng tới Anh, nhưng giờ chúng trở nên cũ kĩ”.

“Đó là HLV rất kém chiến thuật, đặc biệt thay người rất tệ”, Auclair nói thêm. “Ông ấy chú trọng đến khả năng di chuyển hơn là các phương án chắc chắn. Mourinho làm việc dựa trên các phương án. Trước một trận đấu, Mourinho sẽ vạch ra các kịch bản và giải pháp. Wenger không bao giờ làm như vậy. Ông chỉ để cho cầu thủ tự làm việc”.

Việc gắn bó quá lâu với một ban huấn luyện cũng là vấn đề. Wenger không làm mới ban huấn luyện. Họ thiếu sự trẻ hóa. Pat Rice đã làm việc cho Arsenal rất lâu năm, là hiện thân của sự cũ kĩ trong khi thế hệ HLV ngày càng trẻ và giỏi giang”.

“Ông ấy thật sự ghét đối đầu”, Wilson nói. “Điều này đôi khi có hại. Nó khiến ông ấy không thể đưa ra những quyết định nghiêm khắc”.

Smith đồng ý: “Ông ấy không thích chỉ trích. Bạn có thể thấy cách ông ấy phản ứng với thất bại. Ông ấy phản ứng rất tệ khi thất bại, đôi khi khiếm nhã”.

Đó là lý do mà một vài cựu cầu thủ Arsenal, như Vieira ở Man City và Dennis Bergkamp hay Henry không được mời trở lại ban huấn luyện Arsenal. Họ là những cá tính rất mạnh, những người từng rất thích phương pháp của Wenger, có thể thẳng thừng chê nó vào thời điểm này.

Trong thời đại bóng đá cần những thống kê, Wenger hoàn toàn tụt hậu: “Ông ấy đưa ra rất ít chỉ dẫn và hầu như không nghiên cứu”, Auclair nói. “Ông ấy chỉ phân tích những video từ mùa trước. Tôi nhớ, hai ngày trước chung kết Champions League 2006, tôi hỏi ông ấy cách đánh bại Barca. Ông ấy trả lời: 'Ổn thôi, ngày mai tôi sẽ tìm hiểu'. Trước một trận đấu lớn đến thế mà chỉ dành 24 giờ nghiên cứu một đối thủ rất đáng gờm?”.

Còn một lý do nữa khiến Arsenal tụt hậu: tiền bạc. Các đối thủ có tiền để mua bất cứ thứ gì họ muốn. Theo Wilson, Wenger bẩm sinh đã là người dè sẻn, coi tiền của CLB như tiền của chính mình, và do đó, ngăn cản đội bóng lao vào những cuộc chạy đua.


Ngoài sân Emirates có tượng của Wenger

Wenger đảm bảo giúp Arsenal mùa nào cũng được dự Champions League. Arsenal xây sân mới và sau đó trở thành đội có thu nhập cao nhất nước Anh. Chỉ nhờ vào nội lực, Arsenal không cần những tài phiệt.

Wenger tin rằng, nội lực là đủ cho Arsenal, họ không cần chi tiền tấn mua cầu thủ. Ông tin vào CLB, tin vào sân vận động mới. Ông dành hàng giờ theo dõi các kế hoạch xây Emirates, làm việc với các kiến trúc sư về bản vẽ chỗ ở cho cầu thủ, nói cho họ chi tiết những yêu cầu.

Ông yêu Arsenal thật sự, sâu sắc và điên cuồng, không thể nghi ngờ điều đó.

Wenger muốn các cầu thủ cũng có tình yêu ấy giống mình, nhưng không phải ai cũng vậy. Trong nhiều năm, các cầu thủ giỏi của Arsenal liên tục tìm đến các đối thủ, vì tiền bạc và tham vọng danh hiệu: Ashley Cole, Henry, Cesc Fabregas, Samir Nasri, Robin van Persie.

“Trong vòng 5 năm, cứ mỗi mùa Hè, chúng tôi chứng kiến một cầu thủ giỏi nhất ra đi”, Stone nói. “Đó là sự tra tấn từ từ, khi thấy đội bóng tiến gần danh hiệu nhưng không thể chạm vào. Đó là một chiếc lồng vàng”.

Trong quá khứ, Wenger luôn có thể thay cầu thủ đã ra đi bằng người giỏi hơn, nhưng bây giờ thì không thể được. Liverpool mua Fernando Torres từ Atletico Madrid, Chelsea mua Michael Essien từ Lyon, Manchester United kí hợp đồng với Patrice Evra từ Monaco và Nemanja Vidic từ Sparta.  Đó đều là những cầu thủ mà Wenger hỏi mua trước.

Sự bướng bỉnh chính là phẩm chất lãnh đạo của Wenger, nhưng đôi khi, nó khiến tất cả cảm thấy nhàm chán. Ông không thích chỉ trích cầu thủ cho dù họ có lỗi.

“Ông ấy luôn bảo vệ cầu thủ, đó là một việc đúng”, Smith nói. “Nhưng khi tuần nào cũng vậy, ông ấy nói: Chúng tôi đã cho thấy tinh thần chiến thắng, bạn có thể nhận thấy trong mắt ông ấy, sự thừa nhận rằng đội bóng chơi chưa tốt”.

Sức ép ngày càng lớn, đến tháng 5/2014, Wenger đã tính tới việc từ bỏ. “Ông ấy đáng lẽ đã ra đi nếu Arsenal thua Hull ở chung kết cúp FA, tôi tin điều đó”, Perry Groves, cựu tiền vệ của Arsenal bình luận: “Ông ấy lưỡng lự giữa các khả năng”.

Cuối cùng, Wenger đã rời Arsenal

Mùa Xuân 2015, mọi thứ hoàn toàn thay đổi với Arsenal. Sau khi đội bóng bảo vệ thành công Cúp FA giúp Wenger trở thành HLV giành nhiều cúp này nhất trong lịch sử, người đàn ông từng rất già cỗi bỗng chốc trẻ ra và như được tái sinh nhờ thuốc tiên. “Tôi chưa từng thấy ông ấy nhẹ nhõm đến thế”, Smith nói. “Như thể ông ấy trút được ngàn tấn gánh nặng trên vai”.

Chuyện gì đã xảy ra? Điều gì đã khiến Wenger trở lại đường ray và mỉm cười nhiều đến thế?

Câu trả lời đơn giản là: không phải lo nghĩ về tiền. Tình hình tài chính của Arsenal đã được cải thiện. CLB đã trả xong nợ từ hồi xây sân Emirates. Tiền là yếu tố không thể thiếu để cạnh tranh chức vô địch Premier League.

 

CLB từng nợ tới 243 triệu bảng nhưng nay hết nợ, Wenger và Arsenal chi 120 triệu bảng mua nhiều ngôi sao, trong đó có Alexis Sanchez và Mesut Oezil, trong vòng 2 năm (chưa cầu thủ nào ra đi cả). “Chúng tôi đã rút ngắn khoảng cách với các đội xếp trên và đã sẵn sàng tiến xa hơn”, Wenger nói vào mùa Hè 2015 trên Telegraph. “Sự bền vững cho chúng tôi sức mạnh. Trước đây chúng tôi hỏi “Ai sẽ ra đi?” thì bây giờ là “Ai sẽ tới?”. Vị thế của đội trên thị trường chuyển nhượng đã lớn hơn”.

Giải pháp quản trị của Wenger cũng thay đổi. “Trước đây, Arsene ít khi lắng nghe người khác còn bây giờ, ông giao quyền cho họ nhiều hơn”, Smith nói. “Steve Bould quản lý hàng thủ. Neil Banfield, một HLV tuyệt vời, chú trọng đến hàng tiền vệ. Quan trọng hơn cả, các ý kiến của bộ phận khoa học thể thao được lắng nghe nhiều hơn, giảm những chấn thương nặng”.

Vậy điều gì khiến Wenger thay đổi?

“Tôi không chắc ông ấy đã thay đổi”, Smith nói. “Nhưng ông ấy không phải thay đổi khi trao cơ hội cho người xung quanh tạo ảnh hưởng lên công việc”.

“Tôi luôn so sánh phương pháp làm việc của Wenger với thủ lĩnh một ban nhạc Jazz”, nhạc sĩ Auclair nói. “Ông ấy quan sát những tương tác đều đặn trên sân. Ông ấy lắng nghe tâm trí mình, và khi Arsenal chơi không tốt, ông ấy thấy chói tai. Khi họ chơi tốt, như trước Aston Villa ở chung kết cúp FA, đó là sự hài hòa hoàn hảo”.

“Và ông ấy là người cầu toàn. Những âm thanh thôi thúc là thứ mà ông ấy tìm kiếm, không phải các danh hiệu. Ông ấy rất không vui sau chung kết cúp FA 2005. Ông ấy thấy Arsenal đã đá rất kém và không muốn điều đó tái diễn nữa. Tôi nói với ông ấy: “Nhưng Arsenal đã giành cúp mà”. Ông ấy trả lời: “Điều đó không quan trọng. Cúp thôi thì không đủ”.

“Tôi nghĩ người ta sẽ chỉ đánh giá đúng mực về Arsene khi ông ấy rời Arsenal”, Wilson nói. “Chúng ta đang may mắn vì được tận hưởng những gì ông ấy cống hiến. Bạn nghĩ đơn giản cứ mang những cầu thủ hay nhất về thì đội bóng sẽ thành công. Không phải vậy. Bạn cần người như Arsene làm việc”.

Cách đây không lâu, khi đề cập đến chuyện giải nghệ, Wenger nói với Daily Mail: “Thỉnh thoảng, ý nghĩ đó thoáng qua đầu tôi, nhưng tồn tại không quá 5 giây, bởi tôi hơi hoảng loạn... Tôi đang tận tụy hơn bao giờ hết. Đó là cách bạn yêu những việc mình làm. Và tình yêu không nên bị hủy hoại bởi quãng thời gian mà bạn đã làm nó”.

Wenger tiết lộ trong một lần chạm mặt Ferguson: “Tôi nói, 'Thôi nào, ông về hưu thật ư?', Wenger kể lại. “Ông ấy nói đã cảm thấy đủ. Nhưng ông ấy có ngựa đua. Tôi thì không”.

Wenger không như Ferguson, người yêu thích đọc về lịch sử nội chiến Mỹ, yêu rượu vang, nghệ thuật quản lý hoặc đến nhà hát. Tất cả những gì Wenger có là hàng đống video các trận đấu trên chiếc giá tại nhà riêng. Bóng đá là khởi đầu và kết thúc trong thế giới của Wenger. Đó là lý do ông không dễ dàng chấp nhận từ bỏ.

Như Smith nói đầy súc tích: “Ông ấy là một con nghiện”.

Nhưng rồi, cuối cùng ông đã rút lui. Ngày 20/4/2018, Arsene Wenger thông báo sẽ chia tay Arsenal vào cuối mùa.

Merci Arsène!

CHÍNH THỨC: HLV Arsene Wenger thông báo rời Arsenal vào cuối mùa

CHÍNH THỨC: HLV Arsene Wenger thông báo rời Arsenal vào cuối mùa

HLV Arsene Wenger đã chính thức thông báo rằng ông sẽ chia tay Arsenal vào cuối mùa giải này, sau 22 năm dẫn dắt “Pháo thủ”.

Gia Hưng

Theo Bleacher Report

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm