Arsenal: Thay Wenger không khó bằng thay Sir Alex?

04/03/2016 06:10 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Khi Arsenal tiếp tục thất bại thế này thì câu hỏi bao giờ Arsene Wenger ra đi càng được đặt ra nhiều hơn. Thay thế người đã gắn bó 20 năm với CLB liệu có khó như việc thay Alex Ferguson ở Manchester United?

Wenger không phải độc tài

Chuyện HLV gắn bó quá lâu với một đội bóng, và xây dựng triều đại ở đó, là thói quen quản lý gần như chỉ xảy ra ở Anh. Nếp nghĩ của họ xưa nay vẫn vậy: HLV thâu tóm quyền lực, có quyền quyết định từ chuyên môn đến quản lý.

Lịch sử 138 năm của Manchester United chứng kiến hai triều đại, một kéo dài 24 năm của Sir Matt Busby và một dài 27 năm của Sir Alex Ferguson. Họ là đội vô địch Anh nhiều lần nhất, nhưng chỉ có 3 HLV của Man United từng làm được điều này.

Jose Mourinho là một HLV ngắn hạn, nhưng thậm chí đã nghĩ tới việc xây dựng triều đại ở Chelsea. Ông sắp tới Man United và không loại trừ khả năng lại có tham vọng này.

Làm quá nhiều việc ở một vị trí trong thời gian dài, dễ dẫn tới sự chuyên chế và độc tài. Chưa bao giờ thừa nhận, nhưng Sir Matt Busby bị cho đã giật giây các quyết định ở Old Trafford. Cầu thủ không nghe lời người kế nhiệm Wilf McGuinness, tới mức Busby đã phải tái xuất một thời gian. Alex Ferguson có phải độc tài? Chắc chắn. Không tác động lên David Moyes và Van Gaal sau này, nhưng khi tại vị, ông đuổi cổ rất nhiều cầu thủ hỗn hào mà không cần xin ý kiến ai.

Arsene Wenger không phải người như vậy. Ông rất bảo thủ và là nhân vật có tiếng nói cuối cùng trong hầu hết quyết định nhân sự. Nhưng ông không quát bay tóc học trò mình, và có lẽ không phải mẫu người quay lại giật dây.

Tất cả học trò đều thừa nhận Wenger rất dễ chịu. Ông không áp đặt, mà để cầu thủ tự cố gắng. Sol Campbell bảo đã rất sốc khi có một HLV không quát mắng mà chỉ tiến tới hỏi han: “Cậu nghĩ gì?”.

Arsenal sa sút: 5 vấn đề lớn nhất của Wenger là gì?

Arsenal sa sút: 5 vấn đề lớn nhất của Wenger là gì?

Thua 2 trận Premier League liên tiếp, Arsenal đã bị Leicester đầu bảng bỏ cách 6 điểm. Nguyên nhân nào đã khiến Pháo thủ sa sút?

Cesc Fabregas mang áo số 4 là vì Wenger muốn người ta coi Cesc là một tiền vệ phòng ngự. Khi ấy, họ chỉ đánh giá anh ở các kĩ năng phòng ngự thay vì những phẩm chất nổi trội hơn là kiến tạo và ghi bàn. Cesc nhờ thế thoải mái và theo kí giả Simon Kuper, đó là cách người cha bảo vệ đứa con.

Không sức ép thành tích hậu Wenger

Đúng là Arsene Wenger đã giành rất nhiều cúp với Arsenal và cũng là người thay đổi nhận thức về dinh dưỡng, quản lý, lối chơi ở Anh. Nhưng những di sản đó rất khó đong đếm. Những gì xảy ra từ năm 1996 đã dần trở thành máu thịt của bóng đá những năm 2016. Trong khi đó, Arsenal thời Wenger không vô địch Premier League 12 năm, chỉ vào bán kết Champions League 1 lần trong 10 năm qua và chưa bao giờ vô địch giải này.

Gánh nặng với người kế nhiệm sẽ không phải như Sir Alex tại Man United. Ferguson đã gắng gượng vượt qua kì tích 18 lần vô địch nước Anh của Liverpool trước khi về hưu. Ông vô địch Champions League 2 lần và 2 trận chung kết ấy đều khó quên.

Ở Arsenal, ngay cả các dấu ấn lối chơi bây giờ cũng không rõ ràng. Bóng đá của họ đã trở nên quen thuộc, nhưng để duy trì nó, thì một đội như Swansea đôi khi cũng làm được.

Nếu có cầu thủ phù hợp, thậm chí ngôi sao, tin rằng người kế nhiệm chỉ cần giành 1 chức vô địch Premier League là đủ rũ bỏ cái bóng Wenger. Nó rất khác một Lobanovskyi tại Dinamo Kiev đã đi đầu cho lí thuyết pressing và áp dụng khoa học kĩ thuật vào bóng đá. Arsenal bất bại năm 2004 là một biểu tượng vĩnh cửu, nhưng Arsenal 2016 thì quá bình thường.

Dự đoán

Dấu ấn của Wenger ở Arsenal đã quá rõ ràng, nên nếu ông về hưu thì chúng xứng đáng trở thành những di sản bất hủ. Nhưng có thứ di sản hợp thời đại như sự nhạy bén trong dụng nhân của Alex Ferguson, có những di sản chỉ để trưng bày trong viện bảo tàng như quan điểm quản lý “để cầu thủ quyết định” của Wenger bây giờ.

Wenger đã thất bại quá nhiều các năm qua nên chẳng quá đáng nếu người ta đánh đổi 12 năm mỏi mòn lấy một vụ thử nghiệm ngay từ bây giờ. Sự “ổn định” của Arsenal đã gây chán nản cho chính CĐV của họ, khác với Man United thời Sir Alex, luôn cố gắng mới mẻ để vươn lên.

1,82 Trận thua Swansea khiến số điểm trung bình của Arsenal mùa này tại Premier League là 1,82/trận. 10 năm gần nhất, con số này là 1,92.

1,57 Sau 28 trận, Arsenal chỉ ghi 1,57 bàn/trận. Với đà này, họ sẽ ghi 60 bàn/mùa. Con số này thấp nhất từ năm 1999.

3 Arsenal đã thua 3 trận liên tiếp trên mọi đấu trường. Đây là lần đầu tiên từ năm 2010 xảy ra chuyện này.


Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm