18/11/2024 10:48 GMT+7 | Đời sống
Theo phóng viên TTXVN tại London, theo báo cáo nghiên cứu đầu tiên vừa được Ủy ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nông thôn của Anh (FFCC) công bố, thói quen ăn uống không lành mạnh ngày càng gia tăng đang gây thiệt hại khoảng 268 tỷ bảng mỗi năm (338 tỷ USD) đối với nền kinh tế của nước này, một con số vượt xa ngân sách của toàn bộ Dịch vụ Y tế công (NHS).
Trong số đó, 92 tỷ bảng là số tiền mà chính phủ phải chi trả trực tiếp để giải quyết các tác động của "hệ thống thực phẩm không lành mạnh của Anh", bao gồm chi tiêu của NHS (67,5 tỷ bảng), chi phí cho dịch vụ chăm sóc xã hội (14,3 tỷ bảng) và hệ thống phúc lợi (10,1 tỷ bảng) để giải quyết các bệnh có liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống, như bệnh tiểu đường tuýp 2, các vấn đề về tim và bệnh thận.
Khoản tiền 176 tỷ bảng còn lại là chi phí gián tiếp cho năng suất bị mất từ những người ốm yếu không thể làm việc do bệnh liên quan đến chế độ ăn uống (116,4 tỷ bảng) và chi phí nhân sự, như đau đớn và tử vong sớm (60 tỷ bảng).
Báo cáo của FFCC cho rằng thói quen ăn uống hiện nay hoàn toàn không có lợi. Việc tiêu thụ ngày càng nhiều thực phẩm nhiều chất béo, muối và đường hoặc đã được chế biến kỹ đang có tác động "tàn khốc" đến sức khỏe con người và tài chính của Anh.
Cũng theo tính toán trong báo cáo, người dân Anh đang chi 101,5 tỷ bảng mỗi năm cho thực phẩm. Để đảm bảo ăn uống lành mạnh và ngăn ngừa các bệnh mãn tính liên quan đến ăn uống không khoa học, bằng cách ăn nhiều rau, trái cây và chất xơ hơn, đồng thời giảm tiêu thụ khoai tây chiên, đồ ăn nhẹ và nước sốt, mỗi hộ gia đình tại Anh sẽ phải chi thêm 38 bảng một tuần, tương đương 57 tỷ bảng trong một năm.
Để thực hiện được điều này, chi phí thực phẩm của các hộ gia đình giàu sẽ tăng thêm một phần ba, trong khi chi tiêu hàng tuần của những hộ nghèo sẽ tăng gấp đôi.
Một số nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho rằng Anh đang có một hệ thống thực phẩm tư nhân hóa lợi nhuận và xã hội hóa tác hại từ thực phẩm xấu. Các công ty thực phẩm đã hy sinh sức khỏe của người tiêu dùng khi chọn con đường nhanh nhất để thu nhiều lợi nhuận nhất bằng cách sử dụng hương vị, bao bì và các chiêu trò tiếp thị thông minh để khuyến khích mọi người mua thực phẩm gây hại cho sức khỏe của họ.
Những phát hiện mới của FFCC sẽ càng làm gia tăng áp lực buộc chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer phải hành động cứng rắn hơn nhằm hạn chế tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và thực hiện lời hứa trước bầu cử bao gồm giải quyết tình trạng dân số ngày càng ốm yếu và khôi phục NHS đang gặp khủng hoảng.
Chính phủ Công đảng cầm quyền đang đặt mục tiêu cấm quảng cáo đồ ăn vặt trên TV trước 9 giờ tối và trên các nền tảng trực tuyến. Ngoài ra, chính phủ đang có kế hoạch cấm bán đồ uống tăng lực cho trẻ em dưới 16 tuổi, hạn chế bán đồ ăn nhanh trong các trường học và tăng thuế đối với đường để giảm bớt tình trạng béo phì.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất