Ánh Nguyệt, Quốc Phong hâm 'nóng' làng bắn cung quốc gia

22/10/2024 06:20 GMT+7 | Thể thao

Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong, 2 cung thủ từng thi đấu tại Olympic Paris2024, sẽ góp mặt tranh tài và hâm nóng giải đấu số 1 của bắn cung trong hệ thống quốc gia.

Ánh Nguyệt và Quốc Phong là 2 cung thủ gây nhiều chú ý nhất tại giải VĐQG khi đã từng thi đấu tại Olympic 2024 hồi tháng 8. Dù chưa được tiếng vang về thành tích song việc giành vé chính thức và trải nghiệm quý báu ở sân chơi lớn nhất thế giới tạo nên những chuyển biến tích cực về chuyên môn.

Tâm điểm Ánh Nguyệt, Quốc Phong

"Sau Olympic 2024 tôi trở lại tập luyện và không dự thêm giải đấu quốc tế nào, gần nhất, chỉ thi đấu tại giải các đội mạnh quốc gia ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 9. Cá nhân tôi cũng tích lũy thêm nhiều bài học quý báu từ cuộc thi đấu tại Pháp, đặc biệt, tâm lý cũng trở nên vững vàng hơn và đã sẵn sàng bước vào tranh tài, hướng đến mục tiêu cao nhất ở giải đấu quan trọng trong năm", Ánh Nguyệt cho biết.

Trong khi đó, Quốc Phong cũng vừa trải qua giải đấu khá thành công kể từ sau Olympic 2024. Cung thủ sinh năm 2000 vừa giành 4 HCV các cự ly 90m, 70m, 30m, 25m cung 1 dây nam, 1 HCV nội dung đấu loại cá nhân cung 1 dây nam và 1 HCĐ nội dung toàn năng cung 1 dây nam tại giải các đội mạnh quốc gia. Phong độ chói sáng của Quốc Phong góp phần không nhỏ giúp Vĩnh Long đứng thứ 2 toàn đoàn với 7 HCV, 9 HCB và 9 HCĐ.

Giải VĐQG 2024 thu hút 196 VĐV (85 nữ, 100 nam) tham gia tranh tài ở các nội dung cá nhân, đồng đội cung 1 dây và cung 3 dây.

Ánh Nguyệt, Quốc Phong hâm nóng làng bắn cung quốc gia - Ảnh 1.

Sau Olympic 2024, Đỗ Thị Ánh Nguyệt tranh tài ở giải VĐQG. Ảnh: Hoàng Linh

Số này gồm toàn bộ các cung thủ xuất sắc nhất ở 18 địa phương tham gia tranh tài. Ngoài ra, những tín hiệu tích cực từ giải vô địch trẻ châu Á vừa kết thúc tại Đài Bắc - Trung Hoa với 2 tấm HCĐ ở nội dung đồng đội nữ cung 1 dây và đội nam nữ cung 1 dây U21 cũng hứa hẹn mang tới bất ngờ từ các cung thủ trẻ.

Cạnh tranh quyết liệt

Với số lượng xấp xỉ 200 cung thủ của 18 đoàn trên toàn quốc, hầu hết các giải đấu có chất lượng chuyên môn hàng đầu của hệ thống thi đấu quốc gia đều có sự cạnh tranh rất quyết liệt. So với nhiều môn Olympic, bắn cung cũng là môn có phong trào phát triển tương đối mạnh và có bề dày về thời gian ở nhiều địa phương.

"Hệ thống và điều lệ thi đấu, đặc biệt ở giải VĐQG đã khá ổn định từ nhiều năm qua và điều này giúp các địa phương tập trung trong việc đào tạo lực lượng để tranh tài. Bắn cung là môn đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài, bài bản và khá tốn kém về kinh phí nên để có một VĐV giỏi, đạt tới đẳng cấp cao tốn nhiều thời gian", HLV Cáp Mạnh Tân, người từng nhiều năm làm việc ở đội tuyển quốc gia cho biết.

Theo nhận định của HLV Cáp Mạnh Tân, ở kỳ giải năm nay, Hà Nội, Vĩnh Long và TP.HCM sẽ tiếp tục tạo nên cuộc đua tam mã tới 3 vị trí dẫn đầu xếp hạng toàn đoàn. Ngoài việc sở hữu lực lượng với nhiều cung thủ đang thuộc biên chế của đội tuyển quốc gia, đây cũng là 3 địa phương có đầu tư rất lớn từ nhiều năm qua cho bắn cung.

"Nếu chờ đợi thành tích đột biến của một VĐV ít tên tuổi ở giải đấu quốc gia như môn bắn cung thì gần như không bao giờ xuất hiện. Môn này đòi hỏi quá trình tích lũy và thành tích phụ thuộc vào độ ổn định cao nên ưu thế thường thuộc về những VĐV giàu kinh nghiệm. Dù vậy, vẫn có những tín hiệu đáng mừng từ Quảng Ninh, Hải Phòng và ngay cả địa phương còn khó khăn như Kiên Giang cũng có VĐV đạt thành tích tốt", HLV Cáp Mạnh Tân nhận định.

Theo lịch, giải VĐQG bắn cung diễn ra từ ngày 24 đến 30/10 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Thành tích ở giải VĐQG là một trong những cơ sở quan trọng để các nhà chuyên môn sàng lọc và chọn lựa nhân sự cho đội tuyển quốc gia bắn cung chuẩn bị các nhiệm vụ quốc tế trong năm 2025.

Bắn cung gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn lực xã hội

Là một trong những môn trọng điểm của thể thao Việt Nam (đã có 4 VĐV giành suất dự 2 kỳ Olympic gần đây) song bắn cung gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi và thu hút tài trợ từ các nguồn xã hội hóa. Trong nhiều giải đấu quy mô quốc gia được tổ chức trong thời gian qua, hầu như không có nguồn tài trợ nào đáng kể để hỗ trợ tiền thưởng cho các VĐV giành thứ hạng cao. "Phần lớn các VĐV bắn cung khi giành huy chương ở giải quốc nội đều không có tiền thưởng từ ban tổ chức mà chỉ được thưởng theo quy định khi trở về địa phương", một HLV chia sẻ.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm