Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội

18/03/2024 18:35 GMT+7 | Văn hoá

Bác sĩ Charles-Édouard Hocquard (1853 - 1911) có mặt ở Bắc kỳ năm 1884, đã đưa ra một nhận xét rất khái quát về nghề thêu mà ông thấy được ở Hà Nội: "Một trong những ngành buôn chính của Hà Nội là lụa thêu. Nghề thêu chiếm một phường lớn…trên đường từ khu nhượng địa vào thành".

Bác sĩ Hocquard mô tả thêm: "Nhà nào cũng có cửa hàng mặt phố, sản phẩm bày ngay trước xưởng thợ: Thảm, hài thêu, trang phục võ quan và tấm che ngực (bối tử), tóm lại là mọi thứ hấp dẫn người qua lại".

Từ ghi chép của bác sĩ Hocquard

Về vật liệu, Hocquard cho biết đồ sang trọng thì là lụa của Tàu, còn chất lượng thấp hơn là lụa nội địa (Bắc kỳ); chỉ nhiều màu sắc có cả chỉ bằng vàng. Ông mô tả khá kỹ về tổ chức phân công sản xuất trong một xưởng thêu và quy trình tạo tác một sản phẩm.

Về kỹ thuật, Hocquard cho biết: "Người An Nam có nhiều cách thêu, có cách theo lối cổ, có cách tựa lối thêu móc xích và nhiều cách khác với những màu khác nhau, tạo hiệu quả rõ rệt".

Ông còn nhận xét rằng tuy mẫu mã ít thay đổi, nhưng người An Nam thật sự khéo phối hợp các màu chỉ thêu "tạo được một tổng thể màu sắc rực rỡ, hài hòa mà không lòe loẹt". Cuối cùng, ông đưa ra một đánh giá chung: "Phần lớn hàng thêu ở Bắc kỳ xuất sang Trung Quốc tạo ra một ngành buôn quan trọng. Xem người An Nam làm việc, tôi tự hỏi liệu những sản phẩm kia mà bày ở các cửa hiệu châu Âu thì có nổi hơn các hàng hóa khác hay không? Tôi nghĩ muốn thế cũng chẳng tốn bao nhiêu công sức. Chỉ cần thay những vải nền lòe loẹt (đỏ chói hoặc xanh lét) bằng những sắc màu nhã hơn đưa từ châu Âu sang là xong".

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 1.

Một xưởng thêu ở Hà Nội

Chỉ 2 thập niên sau, những gì bác sĩ Hocquard gợi ý đã được thực hiện. Cuộc Đấu xảo Hà Nội 1902 do chủ trương của Toàn quyền Paul Doumer đã mở ra một chính sách quan trọng nhằm khai thác nguồn nhân lực "nông nhàn" rất phong phú ở Bắc kỳ bằng việc khai thác các sản phẩm thủ công của các làng nghề và mở ra tại chính khu đấu xảo các lớp dạy nghề mới du nhập từ nước ngoài, trong đó có các nghề thêu ren theo phong cách châu Âu.

Địa điểm đấu xảo trở thành Bảo tàng Nông Thương (sau này mang tên Toàn quyền Maurice Long). Nghề thêu cũng được đưa vào nội dung giáo dục gia chánh ở nhiều trường nữ học. Tổng đốc Hoàng Trọng Phu trong cuộc "cải lương hương chính" (cũng tựa như xây dựng nông thôn mới bây giờ) đã thành công ở tỉnh Hà Đông trong việc bảo tồn và phát triển các làng nghề, trong đó có nghề thêu.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 2.

Thêu và vẽ là 2 nghề “cặp kè” với nhau

Phố thợ thêu nay đâu?

Có một vấn đề đặt ra là nghề thêu có từ lâu, rải rác ở nhiều vùng. Nghề thêu tạo ra những sản phẩm chủ yếu phục vụ tầng lớp trên trong việc làm đẹp các trang phục, đồ thờ tự, hoặc vật dụng…chắc chắn nó sẽ phát triển rất mạnh thời kinh đô đóng ở Thăng Long. Và lịch sử nghề thêu gắn với vị tổ nghề được xác nhận là một vị quan triều Lê là Lê Công Hành (24/2/1606 - 7/7/1661), tương truyền đi sứ qua Trung Quốc rồiđưa nghề này về nước.

Vậy mà khi điểm lại các dấu tích về các phố nghề của thành Thăng Long qua các ca dao, không hề thấy nhắc đến phố đồ thêu, hoặc thợ thêu. Chỉ thấy mô tả cũng tương tự như bác sĩ Hocquard năm 1884, là trên một đoạn phố nối 2 con đường "trục" từ phía sông Hồng đến Cửa Nam thành Thăng Long-Hà Nội. Đó là tuyến đường phía Bắc Hồ Gươm qua Hàng Gai, Hàng Bông đến Cửa Nam và con đường sau này người Pháp thiết lập ở phía Nam Hồ Gươm, nối từ khu nhượng địa qua Tràng Thi, cũng hướng tới Cửa Nam, xa hơn là khu vực xây Phủ toàn quyền.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 3.

Thợ thêu truyền thống gắn với nghề làm lọng và các loại đồ thờ bằng vải

Con đường nối ngang 2 tuyến phố ấy có một phần là bờ phía Tây Hồ Gươm, từng được biết nhiều hơn với cái tên Hàng Trống, sau đó Tây đổi thành Jules Ferry (tên một ông thủ tướng có đầu óc thực dân khét tiếng của nước Pháp). Đoạn chạy sát hồ thì bây giờ lại đổi tên là một phần của phố Lê Thái Tổ, phần còn lại vẫn là Hàng Trống.

Như vậy, phố Hàng Thêu có vẻ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và sự mô tả cũng không rõ ràng. Cách mô tả của bác sĩ Hocquard thì có vẻ ở phía đầu tiếp giáp với Tràng Thi, còn các nhà nghiên cứu trong nước thì mô tả ở đầu đối diện chỉ có chừng 40m, nơi tiếp giáp phố Hàng Gai và lan tỏa sang cả Hàng Bông.

Nếu vậy, thì trước khi người Pháp xuất hiện, có thể nó tập trung ở phía Hàng Gai, vì đấy là trục đường truyền thống của cư dân bản địa và từ khi Pháp đặt nhượng địa thì cũng giống như phố Thợ Khảm hình thành suốt dọc con đường mà người Âu hay qua lại… Riêng phố Hàng Trống, không chỉ có nghề làm trống, mà còn nổi tiếng với nghề vẽ, một phần quan trọng của nghề thêu…

Vả lại, ngôi đình Tú Thị ở phố Yên Thái của dân làng thêu Quất Động thờ tổ nghề cũng chỉ mới được xây vào năm 1891, khoảng 7 năm sau thời điểm Hocquard có mặt tại Hà Nội…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 5.

Một lớp học thêu ren và móc đăng-ten theo kiểu Tây

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 6.

Gia đình thợ thêu với sản phẩm là tranh và các bức trướng

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 7.

Các lão nghệ nhân

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 8.

Và các thợ trẻ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 9.

Cha truyền con nối

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 10.

Nghề thêu gắn bó với nghề vẽ, nhưng cũng gắn với nghề làm trống, vì có rất nhiều đồ thêu phục vụ thờ phụng và lễ hội

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 11.

Thợ thêu Phan Văn Khoan vẽ Chùa Một Cột làm mẫu thêu. Ảnh của Salles(1860-1929)

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 12.

Thợ thêu Phan Văn Khoan bên ban thờ gia tiên Tết 1898. Ảnh của Salles (1860 - 1929)

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 13.

Sản phẩm thêu được trưng bày trong đấu xảo

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 14.

Gian hàng đồ thêu trong các hội chợ ở Hà Nội thập niên 1920

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 15.

Nghề thêu ren mới mẻ được du nhập vào nước ta

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 16.

Đào tạo nhiều thợ trẻ thêu ren

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 17.

Một lớp học nghề thêu chuyên nghiệp

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 18.

Thêu thùa thành món gia chánh trong gia đình

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 95): Nghề thêu và phố thợ thêu ở Hà Nội - Ảnh 19.

Mẹ con, chị em dạy nhau

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm