Anh Đức: Phiêu lưu với múa đương đại

02/11/2013 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Học múa truyền thống từ nhỏ, nhưng cho đến năm 2000, khi tham gia Festival Huế, Anh Đức mới đến với nghệ thuật múa đương đại khi gặp gỡ với biên đạo múa người Pháp Regine Chopinot. Từ đó, anh quyết tâm theo đuổi con đường múa đương đại một cách phiêu lưu: xin rời khỏi Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và hoạt động độc lập.

Xuất hiện trong Liên hoan Múa đương đại châu Âu gặp châu Á 2013 với tác phẩm hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, Underground của John Bateman và Nguyễn Anh Đức đã gây được ấn tượng đẹp với khán giả. Nhưng đây không phải là tác phẩm đầu tiên Anh Đức được công chúng đón nhận. Trước đó, nhóm +84 của Anh Đức ra đời từ 2007 đã cho ra đời nhiều tác phẩm được công diễn trong và ngoài nước.

TT&VH Cuối tuần đã có dịp trò chuyện với biên đạo múa Anh Đức ngay trước khi anh tiếp tục các dự án hợp tác của mình với Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Bắc.



* Trong làng múa đương đại Việt Nam, anh không còn là một cái tên mới. Và đã từng có mặt trong các liên hoan múa trong và ngoài nước nhưng tại sao với Liên hoan Múa đương đại châu Âu gặp châu Á lần thứ 3 - 2013, mới thấy anh xuất hiện?

- Thực ra tôi và biên đạo múa John Bateman đã có nhiều dịp làm việc với nhau lâu rồi. John Bateman đã từng làm việc trong suốt 15 năm với Regine Chopinot - người mà có thể nói đã đưa tôi đến với múa đương đại. Qua những lần làm việc cùng nhau, những ý tưởng chung đã nảy sinh và chúng tôi đã có những dự định hợp tác. Điều còn lại là không có điều kiện hiện thực hóa những ý tưởng đó đến với công chúng. Vì vậy nhờ có liên hoan năm nay mà một trong những “giấc mơ” của chúng tôi đã thành hiện thực.

* Vừa là biên đạo, vừa là diễn viên múa tham gia liên hoan, anh thấy gì sau 3 năm chương trình được tổ chức tại Việt Nam?

- Tôi nghĩ rằng cái được nhiều nhất thuộc về khán giả. Khán giả có cơ hội tiếp cận múa đương đại với nhiều nội dung và phong cách thể hiện khác nhau trên thế giới. Nhất là mỗi năm, số lượng của các đoàn tham gia liên hoan ngày một tăng. Đó là tín hiệu của sự chào đón và ghi nhận từ phía công chúng.

Tuy nhiên, tác phẩm có sự tham gia của biên đạo Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Qua ba năm, mới chỉ có hai người: năm 2011 là tác phẩm Dấu trừ của biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh và năm 2013 là tác phẩm Underground hợp tác giữa tôi và John Bateman.


* Sự khiêm tốn này phải chăng là vì múa đương đại ở Việt Nam vẫn chưa hết “mới” và trình độ của chúng ta thì vẫn còn phải “cập nhật” nhiều?

- Nói về khả năng múa của nghệ sĩ Việt Nam, tôi nghĩ họ không đến mức có một khoảng cách quá xa so với các nghệ sĩ quốc tế. Nếu thước đo dành cho các nghệ sĩ quốc tế là 10 thì các nghệ sĩ Việt Nam cũng đạt ở mức bảy, tám. Song, trở ngại là vì chúng ta hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp ngay từ đầu nên cơ hội phát triển bị hạn chế.

Với cá nhân mình, tôi cho rằng múa đương đại ở Việt Nam vẫn còn đang trên đường tiến tới sự phổ biến rộng rãi. Cũng vì điều này mà những nghệ sĩ múa như chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn để phát triển. Mỗi nghệ sĩ - đặc biệt là những người trẻ như chúng tôi vẫn luôn khát khao được diễn nhưng với con đường vẫn còn đang “khai khẩn” này, chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về sự cọ xát, lại chịu nhiều áp lực trước những thử thách khó khăn, từ điều kiện luyện tập là sàn tập phải chuẩn cho đến kinh phí tổ chức biểu diễn.

Nhiều năm qua, nếu không có các nhà tài trợ, những trung tâm văn hóa tổ chức phi lợi nhuận thì thực sự, những nghệ sĩ hoạt động như chúng tôi rất khó khăn. Thậm chí có cảm giác như các nghệ sĩ đang bị “đóng băng”.




* Khó khăn như vậy mà tại sao anh lại chọn cho mình sự tự do để hoạt động? Anh không nghĩ là “đơn thương độc mã” như thế còn khó khăn hơn nhiều so với việc ở lại một đơn vị tập thể, có được sự bảo trợ?

- Vâng. Mặc dù khi lựa chọn cho mình sự tự do, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Năm 2008, tôi mới 32 tuổi, rất nhiều nhiệt huyết. Ở thời điểm đó, phong trào nghệ thuật đương đại đang nở rộ ở hầu hết các lĩnh vực, từ âm nhạc, hội họa đến múa. Điều đó càng thôi thúc tôi muốn mình được “vùng vẫy” ở một môi trường rộng hơn. Lúc đó, tôi cũng nghĩ rằng ra ngoài chắc không quá khó khăn, nếu có thì mình cũng chống đỡ được. Điều quan trọng là mình độc lập, chủ động hơn trong thời gian, trong công việc và được làm những việc mà mình yêu thích. Còn tất nhiên, thực tế mà tôi gặp phải khi ra ngoài cũng “đưa đẩy” đến nhiều cái không như mình mong muốn.

* Vậy sau bao nhiêu năm “một mình”, anh có “chống đỡ” được không? Anh có thấy hối tiếc vì quyết định này?

- Hối tiếc thì không còn “chống đỡ” thì vẫn là về vấn đề kinh tế mà thôi!

Sau 8 năm gắn bó với Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (2000 - 2008), tôi và hai người bạn Văn Hiền, Thi Ngọc đã thành lập nhóm +84 và dàn dựng nhiều tác phẩm được trình diễn ở Hà Nội, Thái Nguyên, các trường đại học, tham gia các liên hoan trong và ngoài nước như Huế, Thụy Điển, Hà Lan. Chúng tôi có sáng tác đầu tiên là vở +84 (năm 2006). Năm 2007, chúng tôi đoạt giải nhất với tác phẩm Tam Nguyên tại cuộc thi sáng tác múa đương đại do Đại sứ quán Đan Mạch và Bộ Văn hóa tổ chức. Điều đáng ghi nhận ở cuộc thi này đó là giải thưởng đánh giá dựa trên số phiếu khán giả bình chọn. Cuối năm 2008, chúng tôi mở hội thảo với các diễn viên Nhà hát Ca Múa nhạc dân gian Việt Bắc. Ngoài ra là dựng vở Tiếng vọng cho nhà hát tham gia Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp. Năm 2010, chúng tôi triển khai dự án Nhật ký không gian tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

* Qua những dự án và tác phẩm đã thực hiện, anh định hướng như thế nào về con đường mình sẽ tiếp tục theo đuổi ở phía trước?

- Như bạn biết thì hầu hết các tác phẩm và các dự án múa của chúng tôi đều hướng đến một không gian mở dành cho công chúng. Năm 2009, vở +84 đã được biểu diễn tại sân khấu ngoài trời ở gò Đống Đa. Với dự án Nhật ký không gian tại Trung tâm Văn hóa Pháp năm 2010, chúng tôi thực hiện những tác phẩm không chỉ theo tính ngẫu hứng mà quan trọng hơn, chúng tôi đưa khán giả tiếp cận với quá trình thực hiện tác phẩm, những hoạt động diễn ra sau cánh gà mà mọi người vẫn gọi là chuyện “bếp núc”. Để công chúng có cơ hội trải nghiệm tác phẩm từ lúc còn thai nghén, dang dở cho đến khi hoàn thiện là cách để họ hiểu và yêu thích hơn về bộ môn này.

Hai năm qua, khi chúng tôi ngừng hoạt động cũng có nhiều khán giả và công chúng vẫn hỏi thăm: sao không làm nữa, không có gì để xem tiếp à? Khiến tôi cũng thấy vui nhưng vì điều kiện nên chúng tôi chưa thể có sản phẩm mới hơn. Nếu có điều kiện, trong tương lai, tôi sẽ vẫn tiếp tục cho ra mắt những vở múa trong không gian mở như vậy. Còn hiện tại, tôi hoạt động độc lập và cộng tác với nhà hát trên Việt Bắc.

Biên đạo múa Nguyễn Anh Đức sinh năm 1976. Tốt nghiệp Singapore College Of Dance và Trường Múa Việt Nam. Làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam từ năm 2000 - 2008. Là thành viên nhóm +84 Independent Dance. Anh đã tham gia vào nhiều dự án trao đổi văn hóa giữa thành phố Hà Nội và các trung tâm văn hóa ở Đức, Anh, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Đông Nam Á cũng như với Hội đồng Anh, Viện Goethe, Đại sứ quán Italia. Underground của nhóm nghệ sĩ Pháp - Việt được lấy cảm hứng từ các đường hầm Củ Chi. Tại nơi mà không gian sống rất “eo hẹp”, mọi sự chuyển động của con người vẫn diễn ra một các uyển chuyển và linh hoạt, hai biên đạo múa John Bateman và Nguyễn Anh Đức đưa ra một suy ngẫm về chủ đề “Cuộc sống dưới lòng đất” để tôn vinh sức chịu đựng của con người. Theo đó, hình tượng của Underground được xây dựng bởi các động tác múa đan chéo nhau tạo nên một khối sinh động, cuộn chảy. Tác phẩm Underground được trình diễn bởi các vũ công Maud Vallee, Camille Brenier, Nguyễn Anh Đức, John Bateman và đoàn múa Chiroptera.


Ngọc Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm