08/01/2012 12:17 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - 1. Sau mấy trận mưa đêm ồn ào và ngắt quãng, sáng thức giấc thấy trời đã trở lạnh. Cái lạnh đến từ những con gió mùa se sắt và hanh khô. Choàng thêm chiếc áo khoác mỏng trước khi ra khỏi nhà, thoáng ngẩn người vì mùi quần áo cũ để lâu trong góc tủ.
Tách cà phê nóng nhẩn nha trên ban công một quán cà phê xưa cũ như con phố nơi nó náu mình, trong khung cảnh lao xao hối hả của các bà các chị xách làn đi chợ sớm bên dưới. Tách cà phê ấm sực, những sợi khói mỏng tang mang mùi-hương-không-biết-tả-thế-nào vào sâu hai cánh mũi. Để lại những dư vị bồi hồi và nao nao một nỗi ngóng chờ thứ không khí bàng bạc của những ngày Tết miền Bắc đang cập kề ngoài khung cửa.
Tựa mình vào lan can sắt đã hoen gỉ, tôi nhắm mắt và hoài niệm về những cái Tết đã trôi xa.
Minh họa Lê Trí Dũng |
2. Sinh ra và lớn lên trong con ngõ nhỏ, nơi trú ngụ một trong những tiệm rang xay cà phê gia truyền đầu tiên của Hà Nội, từng mảnh ký ức về mùa Đông xứ Bắc, về Tết cổ truyền trong tôi đều được tẩm ướp mùi hương thơm nồng của hạt cà phê rang đến độ. Những buổi sớm tinh mơ, sức mạnh kéo tôi ra khỏi hơi ấm sực nức của chăn gối mùa Đông không phải là lời dỗ dành của mẹ, mà là mùi hương dịu dàng quen thuộc, lặng lẽ len qua song cửa sổ khép hờ. Sau bữa sáng vội vàng luôn khiến mẹ phật lòng, tôi lại vội vàng khoác chiếc áo bông dày sụ, lật đật chạy ra ngoài đường, trên những viên gạch vỉa hè khấp khểnh, hướng về phía tiệm cà phê.
Ở đó, cha tôi, một người nghệ sỹ “nghèo về vật chất nhưng tâm hồn luôn giàu sang” (như lời ông thường nói vui với vợ và các con của mình) đang ngồi dựa lưng vào bức tường loang lổ vôi trắng, chân vắt chéo và miệng thở ra những làn khói mỏng. Phin cà phê trên bàn của ông đã gần cạn, nhưng thấy tôi chạy ra, cha lại nở một nụ cười tươi rói, nhờ bác chủ tiệm và cũng là hàng xóm châm cho thêm ít nước sôi. Kì cạch khuấy, kì cạch thổi cho cà phê nguội bớt, rồi người trịnh trọng trao chiếc cốc nặng trịch vào hai lòng bàn tay bé nhỏ đang xòe ra của tôi.
Hăm ba tháng Chạp, bác chủ quán đóng cửa tiệm, dắt díu cả gia đình nhỏ về quê. Cha tôi, cũng như nhiều vị khách quen khác trước đó đã kịp dành dụm tiền mua một gói cà phê rang xay sẵn về. Thói quen vì thế mà không đổi. Sáng nào khi hé mi mắt tỉnh dậy, sau lớp màn vải mỏng, tôi cũng thấy dáng ông ngồi vắt chéo chân uống cà phê cạnh chiếc bàn sắt kê cạnh cửa sổ. Ánh sáng ảm đạm của mùa Đông len qua khe cửa như càng làm tôn thêm sự nhàn nhã trong thú vui của ông. Và tất nhiên, khi tôi đã “làm tròn nghĩa vụ” với bữa sáng mẹ chuẩn bị, chờ đợi tôi bao giờ cũng là cốc nước-cà-phê nhàn nhạt cùng đôi mắt âu yếm của cha.
Bài viết tham dự cuộc thi viết và sáng tác ảnh “Cà phê sáng mùa đông” do báo TT&VH tổ chức với sự tài trợ của nhãn hàng NESCAFÉ Hương đậm đà. Cuộc thi diễn ra từ 28/12/2011 đến 05/2/2012; trao giải vào ngày 15/2/2012. Chi tiết xem trên www.khoanhkhac.thethaovanhoa.vn
3. "Sái" cà phê - thứ nước uống gần như không có vị, nhưng tình thương bao la của cha mẹ như bện chặt vào mùi cà phê rang xay ngập tràn cả con phố, cùng mùi cà phê pha phin còn lẩn quất vương lại trên miệng cốc với tôi ngày đó sao ngon đến lạ kỳ.
Sau này khi tôi lớn lên, khi cha đã qua đời vì một cơn bạo bệnh của tuổi già, hương vị cốc cà phê “hưởng sái” ngày nào vẫn như một dấu chấm lửng in đậm trong tâm trí tôi. Trăm lần dạo bước qua tiệm cà phê nọ là trăm lần tôi dừng chân trong một khoảnh khắc. Là trăm lần tôi thấy tôi-của-ngày-thơ-bé, cái dáng lũn cũn với hai bàn tay xòe rộng và cặp mắt háo hức chờ đợi cha trao cho tôi món quà đầu ngày mới.
Là trăm lần, nước mắt tôi chực ứa trên mi.
Minh Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất