Anh 'Chánh Văn' Hoàng Anh Tú: Viết trong âm hưởng của Murakami

27/05/2013 12:52 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Hoàng Anh Tú, tác giả đã từng đóng đinh trong những truyện ngắn mang thương hiệu “Hoa học trò” với những câu chuyện đèm đẹp, nhẹ nhàng, tinh tế đã quyết định “lội ngược dòng” bằng cuộc thử nghiệm mới về dòng văn huyền hoặc “đậm chất” Murakami: Thành phố của những linh hồn lạc

Thành phố của những linh hồn lạc là câu chuyện ẩn dụ về phiên bản của linh hồn con người và hành trình mà những linh hồn ấy tìm về với phiên bản con người thật của mình. Hoàng Anh Tú trò chuyện về những trải nghiệm “dữ dội” này.



TrongThành phố của những linh hồn lạc, nhà văn Hoàng Anh Tú thể hiện giọng văn dữ dội, nhiều trải nghiệm về những người trẻ…

* Tại sao lại là "những linh hồn lạc" mà không phải là Hoàng Anh Tú với những câu chuyện tình yêu "sến" kiểu teen như khán giả vẫn quen thuộc?

- Đây là một thử nghiệm làm mới mình. Đó là nhu cầu của chính bản thân và cũng là yêu cầu từ những độc giả đã từng say mê những truyện ngắn của tôi trong suốt 20 năm qua trên 2! Người Trẻ Việt. Tất cả chúng ta đều cần phải làm mới mình nếu không muốn đứng mãi ở một nơi quá lâu như vậy. Tôi cho đó là một thử thách mới mà tôi đang muốn chinh phục.

* Tập truyện ngắn: Thành phố của những linh hồn lạc dày 309 trang nhưng lại “chứa đựng” cả một bước ngoặt của một cây viết trên báo Hoa học trò đã được yêu thích suốt 20 năm qua. Chừng ấy đã đủ nói lên sức hút cho tác phẩm mới này của anh?

- Bất cứ cuộc thử nghiệm nào cũng sẽ có cơ hội thắng - thua bằng nhau. Tôi không dám chắc cuộc thử nghiệm này sẽ thuyết phục được phần đông những người trẻ đã từng yêu thích tôi suốt 20 năm qua. Song tôi lại tự tin mà nói rằng tất cả họ đều ủng hộ và yêu mến tôi. Họ sẽ thử đọc và chính họ sẽ là người giúp tôi căn chỉnh lại cho các tác phẩm kế tiếp của mình. Họ yêu tôi nhiều hơn cả một cây bút. Bởi tôi còn là anh “Chánh Văn” gắn bó với họ hơn 11 năm trời, tôi còn là một ông bố của ba “yêu tinh” mà hằng ngày họ vẫn ghé thăm facebook của tôi.

* Trong tập truyện, dường như anh bị ám ảnh bởi “đám người lưng chừng”, “bọn người xám” được anh tiên đoán là đã chết từ năm 25 tuổi, có tới 50 năm sống dưới cái xác không hồn và đến năm 75 tuổi mới được chôn cất. Và anh nhấn mạnh, đám người xám, lưng chừng ấy đang sống trong xã hội hiện đại này. Sự ám ảnh ấy có phải do cuộc sống nhàm chán của internet và sự ngưng trệ của những ý tưởng sáng tạo trong cái hộp mang tên: công chức?

- Họ là những người trẻ đã chết cảm xúc. Internet không giết họ nhưng internet quả thực đã khiến họ bị lệ thuộc, bị nô lệ và mất dần khả năng bộc lộ cảm xúc ngoài đời.



Bìa cuốn Thành phố của những linh hồn lạc và tập thơ Thành phố từ đó không còn chúng mình yêu nhau nữa.

* Anh nghĩ sao khi tác phẩm của anh "được" ví với sự huyền hoặc của Murakami?

- Tôi sẽ hạnh phúc vô cùng khi được ví với thần tượng của mình. Nhưng tôi không ảo tưởng bởi Murakami là một tượng đài khổng lồ. Tôi thậm chí còn chưa thể so sánh với nhiều người giống tôi - đang bị ảnh hưởng của Murakami. Với tôi, những câu chuyện này được viết ra trong âm hưởng của Murakami.

* Cuốn sách trước đây của anh gắn slogan: Đọc chậm để chạm tới trái tim, slogan đó còn đúng với Thành phố của những linh hồn lạc?

- Cuốn sách này sẽ là đọc nhanh để cho góp ý (cười lớn). Đùa thôi! Với cuốn sách này tôi không đặt ra một thông điệp nào cụ thể. Chỉ là muốn tạo ra một cuộc phiêu lưu - tìm kiếm mới với các độc giả của mình. Tôi muốn đi cùng họ khám phá những điều sâu thẳm, lẫn khuất trong mỗi chúng ta.

* Tập truyện ngắn huyễn hoặc được tặng kèm tập thơ tình: Thành phố từ đó không còn chúng mình yêu nhau nữa…có phải anh vẫn muốn lượng độc giả trung thành của mình không quên những bài thơ tình sâu lắng của anh?

- Quả thực, tôi chỉ nghĩ rằng thơ là để tặng. Bởi thơ rất kén người đọc. Đây là một món quà của tôi dành tặng cho những ai đã từng yêu thơ của tôi trong suốt 20 năm qua.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Diệu Diệu (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm