03/03/2016 07:39 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về khu resort 4 sao mọc lên giữa Vườn Quốc gia Ba Vì diễn ra với tốc độ rất nhanh. Chỉ vài ngày sau khi được báo giới phát hiện, cụm công trình xây dựng trái phép này đã lập tức bị đình chỉ thi công, trước khi chờ quyết định cuối cùng.
Sẽ còn rất nhiều điều để bàn về trách nhiệm và sai phạm của những bên liên quan. Ở đây, người viết chỉ muốn đặt ra một giả thiết: trong trường hợp đi vào hoạt động, bản thân khu resort này sẽ mang lại nguồn lợi gì cho chính Vườn Quốc gia Ba Vì - nơi đã ‘trót” khai sinh ra nó?
Như những số liệu được đưa ra, diện tích 56 hecta rừng được đối tác “thuê” của VQG BV trong thời hạn 53 năm, với mức phí tổng cộng là 8 tỷ đồng. Thử làm phép chia, mỗi năm, phía VQG sẽ nhận về hơn 150 triệu đồng. Cụ thể hơn, mỗi hecta rừng trong tổng diện tích ấy có giá trị gần 2,7 triệu đồng/ năm.
Để so sánh, tại Ba Vì và những khu vực xung quanh như Thạch Thất, Sơn Tây, Quốc Oai, việc trồng rừng keo và rừng bạch đàn thường mang lại cho chủ sở hữu nguồn thu mỗi năm khoảng 3,7 triệu đồng/ha, trong đó 2,2 triệu đồng là tiền lãi. Có nghĩa, với VQG BV, nguồn thu trực tiếp từ việc “cho thuê” rừng này chỉ ngang ngửa, hay thậm chí thấp hơn khi so với… canh tác lâm nghiệp.
Ở một góc độ khác, nếu tính tới hiệu ứng dây chuyền về kinh tế, chắc chắn khu resort 56 hecta này cũng không thể mang lại những tác động trực tiếp cho VQG BV và ngay cả địa phương.
Bởi, về lý thuyết, resort là loại hình du lịch cao cấp, sử dụng một lượng tài nguyên rất lớn để phục vụ một lượng du khách không đại trà. Ốc đảo resort biệt lập ấy không thể là một chiến lược có tầm vĩ mô, và không thể tạo công ăn việc làm cho một số đông người phục vụ.
Chắc chắn, với một mô hình đầu tư khác, VBQ BV vẫn có thể vừa bảo tồn được nguồn tài nguyên hiện có, vừa thu về một nguồn lợi kinh tế xứng đáng hơn rất nhiều so với việc “cho thuê” 56 hecta này.
Sự nôn nóng tìm nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên là tâm lý phổ biến tại nhiều địa phương trong những năm qua. Ít nhiều, đó cũng là một điểm tích cực, khi ý thức về “công nghiệp không khói” đã bắt đầu xuất hiện, thay vì những trường hợp hào hứng “hi sinh” núi và biển cho các ngành xi măng, lọc dầu, luyện thép. Nhưng ngược lại, bản thân sự nôn nóng ấy cũng cho thấy một điểm yếu: chúng ta đang hoàn toàn thiếu một chiến lược hợp lý để khai thác tài nguyên du lịch.
Bởi thiếu chiến lược, nên thay vì chủ động chọn trọng điểm đầu tư như các nước phát triển, chúng ta lại để xảy ra tình trạng tràn lan phát triển du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm. Bởi thiếu chiến lược, nên với nguồn lực quá mỏng, rất nhiều tài nguyên thiên nhiên đang được khai thác một cách vô cùng lãng phí và gần như không chú ý tới việc bảo tồn để “dùng” dài hạn. Những tranh cãi về việc xây cáp treo dẫn vào hang Sơn Đoòng, về ý tưởng lấn vịnh Hạ Long để làm khu biệt thự nổi có hình “ba đóa hoa” đã được nhắc tới quá nhiều, như một minh chứng cho tư duy “ăn xổi” ấy.
Trở lại trường hợp của khu resort bị đình chỉ thi công tại VQG BV. Dù có những sai phạm gì, xuất phát điểm của nó vẫn không thể tách khỏi xu hướng khai thác tài nguyên thiên nhiên vào mục đích du lịch trong bối cảnh hiện nay. Và muốn hay không, ở thời điểm này, khu nghỉ dưỡng 4 sao với hàng chục biệt thự, khách sạn, bể bơi… ấy cũng đã sắp hoàn thành.
Có nghĩa, một bài toán mới lại đặt ra: nếu tới đây, việc xây resort được tái khẳng định là sai luật 100%, chúng ta có đủ kiên quyết để yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ, hay lại “tiếc rẻ” để cùng bàn và tìm một… giải pháp hợp lý, cho đỡ lãng phí nguồn lực đã rót vào 56 hecta rừng này?
Sự dở dang ấy hẳn sẽ còn tái diễn ở nhiều địa phương trong tương lai, nếu tư duy ngắn hạn theo kiểu “ăn xổi” tài nguyên thiên nhiên vẫn đang quá phổ biến như hiện tại.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất