Ấn Độ ồ ạt sắm máy bay chiến đấu

09/10/2010 13:23 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Báo chí Ấn Độ cho biết nước này vừa đồng ý mua tới 300 máy bay chiến đấu tiên tiến thế hệ thứ 5 từ Nga. Ngoài ra, Ấn Độ cũng lựa chọn mua hàng loạt vũ khí khác của Nga, với tổng giá trị các hợp đồng lên tới hàng chục tỉ USD.  


Ấn Độ đang tăng cường sức mạnh không quân, thông qua  các thương vụ mua máy bay Sukhoi SU-30MKI và sản xuất FGFA 

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony nói trong một cuộc họp báo diễn ra hôm 7/10 cùng người đồng cấp Nga Anatoly Serdyukov rằng Moskva sẽ bán cho New Delhi các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 (FGFA) cùng 45 máy bay vận tải đa chức năng. Cả hai dự án này sẽ được các kỹ sư của hai nước nghiên cứu phát triển.

Thương vụ trị giá hơn 30 tỉ USD

Tháng trước, tập đoàn Hindustan Aeronautic Ltd (HAL) của Ấn Độ và các công ty United Aircraft Corp cùng Rosoboronexport của Nga đã ký một hợp đồng hợp tác nghiên cứu phát triển một loại máy bay vận tải đa năng trong dự án chung trị giá 645 triệu USD. Dựa vào đó và kết quả thành công giữa đôi bên trong việc phát triển tên lửa hành trình đối hạm và đối đất siêu thanh BrahMos, ông Serdyukov nói rằng dự án phát triển FGFA của HAL và tập đoàn Sukhoi của Nga sẽ diễn ra thuận lợi.

Serdyukov đã đánh giá cao các thương vụ kể trên. “Hoạt động hợp tác kỹ thuật quân sự trong thập kỷ tới giữa Nga và Ấn Độ sẽ gắn chặt với hai dự án chung này” – ông tuyên bố. Ông cũng tiết lộ rằng “mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 do Nga thiết kế với mức giá đã được thống nhất và bản dự thảo của thỏa thuận hợp tác đã được gửi cho phía Ấn Độ”. Một khi thỏa thuận được thông qua, HAL và Sukhoi sẽ cùng nhau triển khai dự án.

Mặc dù giới chức Nga và Ấn Độ không tiết lộ về giá trị của các thương vụ trên, giới chuyên gia đã ước tính quy mô dự án lên tới hàng chục tỉ USD.

"Hiện còn quá sớm để nói về mức giá chung cuộc của các hợp đồng” - Konstantin Makiyenko, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moskva nhận xét. Nguyên nhân do hợp đồng cuối cùng sẽ chỉ được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào tháng 12 tới này.

Makiyenko cho rằng mức giá tối đa cho các chiến đấu cơ thế hệ 5 sẽ chỉ rơi vào khoảng 100 triệu USD/chiếc trong khi các máy bay vận tải có giá 50 triệu USD mỗi chiếc. Với mức giá này, tổng giá trị các hợp đồng sẽ lên tới 32,25 tỉ USD.

Dựa vào nguyên mẫu PAK-FA

Tờ Times of India cho biết FGFA của Ấn Độ hợp tác sản xuất với Nga sẽ dựa gần như hoàn toàn vào mẫu T-50 PAK-FA của Phòng thiết kế Sukhoi, nên cũng sẽ có các đặc điểm tương tự.

T-50 PAK-FA là mẫu máy bay chiến đấu đầu tiên được thiết kế và xây dựng hoàn toàn tại Nga, kể từ khi Liên Xô cũ tan vỡ. Thông tin về PAK-FA hiện vẫn đang nằm trong vòng bí mật. Tuy nhiên qua các cuộc phỏng vấn với những người trong giới quân sự Nga, người ta biết được rằng chiếc máy bay này sẽ nặng hơn 30 tấn, có kích thước gần bằng chiếc Su-27 Flanker và sử dụng công nghệ tàng hình LO, làm giảm khả băng bị rađa đối phương phát hiện.

Máy bay sẽ có khả năng bay siêu âm, được gắn rađa chủ động AESA có sử dụng hệ thống “trí tuệ nhân tạo”. Theo Sukhoi, rađa mới sẽ giảm bớt khối lượng công việc phi công phải làm và máy bay sẽ có đường kết nối dữ liệu (datalink) để chia sẻ thông tin với máy bay khác.

Máy bay được chế tạo từ lõi titanium (chiếm 75%) và 25% còn lại là vật liệu composite. Tờ Moskovsky Komsomolets nói rằng do T-50 được thiết kế để cơ động tốt hơn đối thủ F-22 Raptor của Mỹ, nó sẽ kém hơn về tính năng tàng hình.

Trong chuyến bay đầu tiên, PAK FA sử dụng 2 động cơ Saturn 117S tuy nhiên các phiên bản hoàn chỉnh của PAK-FA sẽ sử dụng động cơ hoàn toàn mới với lực đẩy 17,5 tấn mỗi động cơ. Động cơ này hiện đang được tập đoàn NPO Saturn nghiên cứu phát triển. Tầm hoạt động của chiếc máy bay có độ cơ động cao này sẽ rơi vào khoảng 5.500km.

Là máy bay tiêm kích đa nhiệm, T-50 có khả năng không chiến rất tốt. Nó cũng có khả năng tiến hành các nhiệm vụ tấn công mặt đất và do thám. Máy bay có thể mang theo 8 tên lửa không đối không thế hệ mới R-77 hoặc hai quả bom chống hạm có điều khiển, mỗi quả nặng 1.500kg. Máy bay mới cũng có thể mang hai tên lửa tầm xa do Phòng thiết kế Novator phát triển, vốn có khả năng bắn trúng mục tiêu ở tầm xa 400km. Các vũ khí này đều được giấu trong bụng T-50 làm tăng thêm khả năng tàng hình của máy bay.

Xương sống của không quân Ấn Độ

Hiện chưa thể nói gì nhiều về FGFA của Ấn Độ nhưng giới phân tích đánh giá tương tự PAK-FA, các FGFA này cũng sẽ được trang bị những tính năng liên lạc, tấn công và tự vệ tiên tiến nhất. Máy bay cũng có thể sử dụng các thiết bị thu thập thông tin qua quang điện, hồng ngoại, laser và rađa.

Ông Makiyenko đánh giá trong khuôn khổ hoạt động hợp tác chung, Sukhoi sẽ trực tiếp làm các công việc chính liên quan tới chế tạo phần cứng của FGFA trong khi Ấn Độ tự cung cấp các trang thiết bị gắn trên máy bay, phần mềm điều khiển và các chi tiết khác. Ấn Độ cũng sẽ cung cấp động cơ cho máy bay và động cơ này có thể được sản xuất thông qua sự hợp tác chung với một nước thứ 3.

Cùng với 126 máy bay đa nhiệm hạng trung mà Ấn Độ đang có kế hoạch mua sắm trong một thương vụ trị giá 10,4 tỉ USD; 270 máy bay Sukhoi 30 MKI mua từ Nga với giá 12 tỉ USD; 120 máy bay LCA Tejas hàng nội địa, những chiếc FGFA sẽ tham gia đóng vai trò xương sống sức mạnh của không quân Ấn Độ trong tương lai.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm