(TT&VH) - Quê Cẩm Giàng (Hải Dương) nhưng Băng Sơn gắn bó với Hà Nội từ rất sớm. Hà Nội là nơi ông học hết bậc Tú tài và khởi nghiệp văn chương. Những bài thơ của Băng Sơn được viết từ năm 1949, khi ông mới 17 tuổi. Rồi, qua một quãng đời rất dài, với đủ mọi công việc khác nhau, cầm bút vẫn là cái nợ đồng lần của Băng Sơn cho tới những ngày của năm 2010. Kịch có, thơ có, văn xuôi có - trong đó, chỉ tính riêng thơ đã lên tới 4.000 bài.
Nhưng, cái làm nên thương hiệu Băng Sơn chính là những đoản văn và tùy bút về Hà Nội. Băng Sơn bảo: Thơ không nói được hết cảm xúc nên từ gần 20 năm nay, ông chuyên tâm về văn xuôi. Và cũng chỉ “chơi” 2 loại thôi, theo cách chia của ông: Đoản văn thì ngắn, tùy bút thì dài. Tới giờ, ông đã có trong tay hơn 3.000 tác phẩm cho cả 2 thể loại ấy. Không viết tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký..., tùy bút và đoản văn làm Băng Sơn được mọi người nhớ tới, giống như một lối đi riêng, “to” vừa phải nhưng chẳng mấy ai bước cùng. Đọc những trang viết của ông về tiếng rao đêm, về cây cơm nguội, về mùa Hạ, mùa Thu ở Hà Nội, người ta nhận ra một Băng Sơn có lắm nét mà người ta vẫn coi là đặc trưng của người Hà Nội cũ: Tỉ mỉ, điềm đạm, chỉn chu. Cộng cùng đó là sự tinh tế được rèn giũa theo thời gian của một người viết văn chuyên nghiệp, lấy những trang viết về Hà Nội làm giá đỡ cho cuộc sống của mình. Nhà ông nghèo, nằm khuất trên gác 3 của một con phố nhỏ, chỉ toàn những sách... Người nhà kể, trong những năm cầm bút, Băng Sơn vẫn có thói quen đi xe đạp. Rồi ông tỉ mỉ và tẩn mẩn lang thang trên những con đường Hà Nội, ngồi uống trà, quan sát cuộc sống bằng cái vốn liếng về văn hóa, lịch sử... đã được tích lũy trong cuộc đời mình. Vì thế, Băng Sơn viết về Hà Nội không sợ cạn ý, sợ lặp, sợ trùng. Hà Nội của ông tìm mãi vẫn thấy những nét lấp lánh riêng giữa những xô bồ nhộn nhạo ngày một nhiều của cuộc sống đương đại. Như ông viết trong tùy bút Nét đan thanh Hà Nội: “Chỉ vì Hà Nội yêu quá, đẹp đến thiêng liêng nên ta không thể nào theo kịp, không thể nào mang hồn ta bé nhỏ ra mà đong đếm, giống như ta hiếu thảo cũng không thể đo hết lòng mẹ, tình mẹ đã cho ta....Và như vậy ta vui sướng được là một nét đan thanh trong bức tranh kỳ vĩ muôn đời Hà Nội, đã vẽ và đang còn vẽ tiếp”. Trọn một đời, Băng Sơn in nhiều tập sách, nhận nhiều giải thưởng khác nhau cho nghề văn. Mấy ai đo đếm được, chừng đó là nhiều hay ít so với những gì ông viết? Vượt qua những tập sách hay giải thưởng ấy, là cuộc đời của một người kiên nhẫn đi hết con đường mình đã chọn. Mấy ai yêu Hà Nội bằng ông Băng Sơn?Minh Châu