Ai sống trên lưng nhà văn? (Bài 2): Nổi tiếng nhưng vẫn ăn “thịt lừa”

25/11/2009 08:59 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Khó ai tin được nhà văn, nhất là nhà văn đã có “tiếng”, có “miếng” trên văn đàn, vốn lắm chữ lắm nghĩa thế, thấu hiểu sự đời thế, am tường tâm lý nhân sinh quan thế mà lại chính là những người dễ bị lừa nhất…


 Nguyễn Hữu Khoa
Có lẽ nguyên do duy nhất cũng là tại cái anh nhà văn nhiều khi lắm sĩ diện quá. Biết mười mươi mình bị lừa dù trong lòng cay cú lắm nhưng vẫn ngẩng đầu khinh bạc “ta đây cóc cần”. Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, đối diện với họ là các chủ nhà sách lúc nào cũng hừng hực khí thế “thương trường là chiến trường” chỉ chờ “kẻ thù hở sườn” là tung cước bất biết đấy là nhà văn hay nhà gì đi nữa.


Để minh họa cho nỗi niềm nơm nớp của nhà văn thời bây giờ, cũng xin kể ra ba chuyện thật mà như bịa về việc ba nhà văn (nổi tiếng) ngậm đắng nuốt cay trước xảo thuật của cùng một công ty (gọi tắt là Y):

Câu chuyện bi hài đầu tiên phải kể đến hành trình ra đời “đứa con” của nhà văn BT tại công ty Y. Vốn là nhà văn đã nổi đình nổi đám với mảng đề tài “hot”, nên khi anh mang “đứa con cưng” đến gửi gắm tại công ty, ông giám đốc mặt mày hớn hở và hứa sẽ tự tay “đỡ” cho ca này ngon nghẻ. Khi bản thảo đã được duyệt, sách chỉ chờ quyết định là lên đường vào xưởng in, nhà văn BT và giám đốc công ty Y mới ngồi với nhau ký hợp đồng. Ông giám đốc thân mật mà rằng đây là cuốn sách sẽ bán chạy nên quyết định in lần đầu 2.000 bản. Có điều, để bớt đi ít tiền thuế và phí quản lý, hợp đồng sẽ chỉ ghi in 1.000 bản, thanh toán thì vẫn nguyên tiền cả 2.000 bản. Nhà văn BT nghe có bùi tai, đồng ý liền. Sách ra xong, giám đốc lại ngỏ ý sẽ tổ chức một cuộc ra mắt sách và vào ngày ấy giờ ấy, giám đốc sẽ từ Bắc bay vào (nhà văn BT sống ở miền Nam). Cảm động, nhà văn đến dự buổi giới thiệu cuốn sách của mình với tư cách là một vị khách mời danh dự. Cà phê cà pháo “tẹt ga”. Sách công ty mang vào tặng vô bờ bến. Buổi giới thiệu thành công ngoài mong đợi. Cuối buổi, ông giám đốc thân mật gọi nhà văn BT ra một góc thanh toán nhuận bút luôn thể. Nào là buổi giới thiệu sách thành công quá nhỉ, nào là trong hợp đồng kí nhuận bút hưởng trên một ngàn cuốn thôi nhé (chứ lấy đâu ra hai ngàn), nào là chi phí cà phê và sách biếu tặng nhà báo anh em mình cưa đôi, nào là… Rút cục nhuận bút sách tưởng được hưởng ban đầu bay biến đâu mất, nhà văn té ngửa cầm trong tay xấp tiền mỏng không đủ mua sách tặng. Sau ai hỏi chuyện, nhà văn cười gượng bảo: “Thôi, chuyện có gì đâu!?”.

Ừ thì có phải lỗi tại ai đâu, mọi thứ đều căn cứ trên hợp đồng, thỏa thuận. Có điều các nhà văn rất rành chữ nhưng nhìn điều khoản trong hợp đồng thì thấy chữ nghĩa rối beng lên, thì vẫn tưởng… tin nhau là chính.


Câu chuyện thứ hai là của một nữ nhà văn, dịch giả nổi tiếng. Cuốn tiểu thuyết của một nhà văn trẻ gây cơn sốt trên văn đàn Trung Quốc được nữ nhà văn của chúng ta chuyển ngữ cũng tạo ra một làn sóng ghê gớm trong dân cư mạng Việt Nam. Vẫn là công ty Y nhanh tay kí hợp đồng ấn hành cuốn tiểu thuyết nọ và dĩ nhiên kiếm được bộn tiền, không những tiền lãi mà còn là tiền lén lút in nối bản số sách gấp 10 lần số lượng trong hợp đồng (để quỵt tiền nhuận bút của dịch giả). Tưởng thế cũng đã là xảo thuật tinh vi. Không ngờ, công ty Y này còn quyết tâm đến cùng quỵt luôn cả tiền bản quyền của tiểu thuyết gia Trung Quốc. Nữ nhà văn của chúng ta trong vai trò đại diện mua bản quyền đành ngậm ngùi tiền túi bỏ ra thanh toán cho phía đồng nghiệp nước bạn. Dịch cuốn sách mờ cả mắt thế mà chị bị lừa trắng tay. Nhưng quan trọng hơn là chị học được một điều: Hãy cảnh giác với các nhà in sách!

Câu chuyện thứ ba cũng bi hài không kém. Công ty Y tổ chức một cuộc thi văn học và trân trọng mời nhà văn NT từ miền xa khăn gói về Hà Nội để vinh dự ngồi vào bàn giám khảo. Được lời như cởi tấm lòng, nhà văn NT nhanh chóng thu xếp hết công việc bay ra Hà Nội mà chẳng băn khoăn gì về mọi khoản chi phí là điều hiển nhiên vì đơn vị mời phải sắp xếp chứ. Ấy thế mà lại không thế. Ra đến Hà Nội cũng chẳng có ai đưa đón, nhà văn lần đường tìm đến công ty Y để liên hệ, sau đó tự thu xếp chỗ ăn nghỉ để hoàn thành đợt chấm tác phẩm, trong lòng thì vẫn chắc mẩm rồi họ sẽ thanh toán. Thế rồi chấm xong, công ty Y bắt tay cảm ơn nồng nhiệt, nhà văn NT lại khăn gói bay về và cũng chả ai nhắc đến cái chuyện tiền nong “lặt vặt” làm gì nữa. Nào có đáng bao nhiêu, kể cả khi toàn bộ số tiền ăn ở đi lại mà nhà văn NT chi trả cho những ngày làm việc ở Hà Nội suýt soát số tiền công trả cho vai trò giám khảo, mà thôi, nhắc đến văn chương nó mất thiêng đi. Cũng như nhà văn BT, nhà văn NT cũng cười “nhạt như nước ốc” khi nghe ai hỏi chuyện, nếu có cố gạn hỏi thêm lại thấy gạt đi: “Thôi, chuyện có gì đâu!?”

Phước Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm