15/05/2012 15:20 GMT+7
(TT&VH) - Tôi có người bạn láng giềng, thường đến chỗ tôi, uống cà phê, nói chuyện phiếm. Nói đủ chuyện trên đời. Nói những chuyện biết và cả những chuyện không biết. Xem ra những chuyện không biết lại nói hăng hơn. Anh ta không uống rượu, như thế khả năng tỉnh táo khá cao. Còn tôi, không nhất thiết phải như vậy, bởi vì có anh ta tỉnh táo rồi.
1. Một hôm anh ta nói: “Tôi nhớ đọc đâu đó một chuyện vui như thế này: Bố ơi, thế nào là người có văn hóa? Người bố liền giải thích: Ồ, ví dụ có hai người đang gặp nhau. Người thiếu văn hóa sẽ nói: Trông từ xa, tôi cứ tưởng ông là con bò. Trong khi người có văn hóa sẽ nói: Trông từ xa, tôi cứ tưởng ông là con người”.
Nghe vậy, tôi cười. Anh bạn láng giềng hăng hái nói tiếp: “Đâu phải tránh nói tiếng “con bò” là có văn hóa. Theo tôi, cái anh sau, tức cái anh dùng hai tiếng “con người” mới đích thị là thiếu văn hóa. Tại sao? Tại vì chính câu: “Tôi cứ tưởng ông là con người” đã hàm ý miệt thị ông kia không phải là con người”.
Nghe thế, tôi bảo: “Này anh bạn, khi nói: “Tôi cứ tưởng ông là con người”, bởi vì cái bụng đã nghĩ đến ông “tiên” thì sao?”. “Ồ, làm gì có chuyện đó”. Anh bạn phản đối. “Vậy ai là người có văn hoá trong câu chuyện trên?”. Tôi gặng lại. “Chả có ai có cả”. Anh ta lúng túng trả lời. Còn tôi nghe thế cũng nín thinh.
2. Tôi nhớ lại, có một lần ngồi cỗ đám giỗ, một ông nông dân lỡ “đánh rắm” một tiếng kêu. Ông ta ngượng chín người. Ông ta lỡ mất văn hoá nơi chỗ đông người. Để chữa lại cho có văn hóa, ông ta liền lấy ngón tay “két, két” mạnh xuống mặt bàn ba, bốn cái liền. Việc làm ấy ngầm ý bảo mọi người rằng, tiếng kêu ban nãy, đó chỉ là tiếng “két” của ngón tay kỳ cọ xuống mặt bàn mà thôi.
Thấy thế, một anh nông dân khác liền ôn tồn bảo người khách kia: “Nó kêu không giống đâu. Khổ thế”. Vậy là cả bàn cười ồ...
Tôi kể lại chuyện này rồi hỏi anh bạn láng giềng: “Thế trong chuyện này, người nào có văn hóa, người nào thiếu văn hóa?”.Anh bạn liền khẳng định: “Người thiếu văn hóa, chính là anh nông dân đã nói ôn tồn: “Nó kêu không giống đâu. Khổ thế”.
Tôi cãi lại: “Đây là thiếu văn hóa cả bàn, vì họ đã cười ồ. Chỉ trừ ông nông dân tác giả tiếng “nổ” kia là có văn hóa mà thôi”.
Anh bạn lại khẳng định tiếp: “Nhưng mất văn hóa trầm trọng vẫn là cái anh nông dân hiểm ác đã bảo giọng ôn tồn”.
Tôi lại cãi: “Không hẳn, nếu ông kia không lỡ mất văn hóa, làm sao anh nọ thiếu văn hóa cho được?”.
Anh bạn láng giềng cười: “Trọng tâm của thiếu văn hóa không phải ở chỗ “lỡ” mất văn hóa, mà ở chỗ chữa lại chỗ mất văn hóa. Tức là chỗ chữa lại lần 3 cho đúng với hiện thực. Chính chỗ ấy mới đích thị là thiếu văn hóa”.
Đột ngột, tôi hỏi: “Nhưng văn hóa là gì?”.
Anh bạn láng giềng nghe tôi hỏi thế, anh ta liền nín thinh và trầm tư. Và, chính tôi khi nghe tôi hỏi, tôi cũng nín thinh. Hóa ra, con người ta cứ ưa phán đoán trước khi thấu hiểu. Nhưng đâu có dễ gì mà thấu hiểu, nên phải phán đoán cho nhanh. Căn bệnh này quả là khó chữa...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất